Thực phẩm cần cho thai phụ

Giadinh.net - Thời gian gần đây, nhiều bà mẹ than phiền về tình trạng thiếu sữa cho con bú. Để đảm bảo tốt nguồn sữa mẹ, Báo GĐ&XH xin giới thiệu bài viết của Thạc sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia để bạn đọc tham khảo.

0
Sau khi sinh con việc nuôi con bú cũng là một chức năng cao cả của người mẹ, vì không có một loại thức ăn nào có thể thay thế được sữa mẹ. Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ sẽ cao lớn, mạnh khỏe và thông minh, ngoài ra bú sữa mẹ còn tránh bị nguy cơ nhiễm độc thức ăn nhất là chúng ta vừa trải qua “cơn bão melamine”.
 
Ảnh minh họa.

Chế độ ăn uống của bà mẹ trong thai kì quyết định sự phát triển của thai nhi, là nguồn dự trữ tạo sữa trong thời gian nuôi con bú. Đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ mang thai và cho con bú sẽ là cơ sở tạo nên nguồn sữa dồi dào cho trẻ. Vậy để có đủ sữa cho con bú, các bà mẹ nên có chế độ ăn uống như sau:

1. Nhu cầu về năng lượng

Phụ nữ trong thời kì mang thai, nhu cầu năng lượng tăng lên so với bình thường, đặc biệt vào thời kì 3 tháng cuối. đối với bà mẹ mang thai nhu cầu năng lượng phải tăng lên 350 kcalo/ngày vào tháng thứ 3 trở đi và tăng lên 500kcalo/ngày vào 3 tháng cuối và thời kì nuôi con bú. Như vậy mỗi ngày cần từ 2.600 – 2.800 kcalo/ngày (bình thường phụ nữ cần 2.200 – 2.300 kcalo/ngày).

Nếu trong 3 tháng đầu nghén không ăn được, nên thay các bữa cơm bằng cháo mì, súp, bún phở, uống sữa tăng lên, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày.

2. Nhu cầu về chất đạm

Phụ nữ mang thai cần bổ sung thêm 15g đạm/ngày, cho con bú trong 6 tháng đầu cần thêm 28g đạm/ngày so với bình thường. Một phần chất đạm cần thiết cho sự tạo máu, phát triển các tổ chức trong cơ thể của mẹ, một phần cần thiết cho phát triển của thai nhi, rau thai và dự trữ tạo sữa sau sinh.

Nên ăn cả đạm động vật và thực vật. Đạm động vật: Thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa. Đạm thực vật: đậu, lạc, vừng. đây là những thức ăn giá rẻ hơn thịt cá nhưng hàm lượng đạm cũng khá cao lại chứa nhiều chất béo, giúp tăng năng lượng bữa ăn và hấp thu tốt các loại vitamin tan trong dầu.

Để đáp ứng được nhu cầu về chất đạm và năng lượng trên, các bà mẹ mang thai cần ăn thêm 1 bát cơm đầy, 30 -  40g thịt hoặc 1 quả trứng, uống thêm 1- 2 cốc sữa mỗi ngày.

3. Nhu cầu về chất béo

Cần cung cấp từ 20 - 25% năng lượng khẩu phần ăn từ chất béo, đặc biệt là các axit béo không no cần thiết như: omega 3, 6, 9 là các tiền chất của DHA và ARA (Docosa Hexaenoic axit) có nhiều trong các loại dầu thực vật, cá và hải sản. Việc cung cấp đầy đủ DHA rất cần thiết cho sự phát triển của thị giác và hệ thần kinh trung ương của thai nhi và những ngày đầu sau sinh của bé. Nếu thiếu DHA trong bào thai, trẻ sinh ra sẽ có chỉ số IQ thấp hơn trẻ được cung cấp đầy đủ DHA.

Mặt khác, việc cung cấp đầy đủ các axit béo chưa no chuỗi dài này còn giúp cho bà mẹ ít có nguy cơ sảy thai, đẻ non.

Trong thời gian nuôi con bú các bà mẹ không nên kiêng khem quá mức, nhất là nên bỏ tập tục kiêng chất tanh không ăn cá, tôm, cua, vì cá chính là nguồn cung cấp các axit béo chưa no chuỗi dài như DHA và ARA, những bà mẹ nào ăn nhiều cá trong sữa sẽ có nhiều các axit béo, giúp trẻ thông minh hơn. Tôm, cua là những thực phẩm chứa nhiều canxi cho nên rất tốt cho bà mẹ mang thai và cho con bú. Vì vậy sau khi sinh nên ăn cá, tôm, cua hằng ngày càng tốt còn không ít nhất cũng nên ăn 3 – 4 bữa/tuần.

Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con, bà mẹ mang thai và cho con bú cần đảm bảo những nhu cầu về các chất khoáng như sắt, can xi, kẽm, iốt và các vitamin thiết yếu khác như vitamin B9 (axit folic), vitamin A, vitamin D, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6, vitamin C. Tất cả những dưỡng chất này đều có sẵn trong thức ăn tự nhiên. Tuy vậy, trong thời kỳ mang thai và cho con bú có thể dùng một số thuốc uống bổ trợ khác như canxi, viên sắt theo sự hướng dẫn của bác sĩ.               

(Còn nữa)

ThS Lê Thị Hải

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]