Thực phẩm chức năng có phải là thần dược?

GiadinhNet - Một nghịch lý dễ nhận thấy trong cuộc sống hiện đại là con người không còn phải quá bận tâm về chi phí cho bữa cơm hàng ngày, thế nhưng, có vẻ như chúng ta… không khỏe bằng các cụ ngày xưa. Nguyên nhân được đổ cho môi trường, vấn đề vệ sinh thực phẩm... và cả yếu tố chủ quan của mỗi bà nội trợ khi không biết chọn lựa chế độ dinh dưỡng hợp lý cho gia đình.

31.0081

Để khắc phục tình trạng đó, rất nhiều người đã và đang tìm đến các loại thực phẩm chức năng (TPCN) với hi vọng bổ sung dinh dưỡng và ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, lựa chọn được xem là xu hướng của thế kỷ 21 này cũng bộc lộ không ít bất cập xuất phát từ chính sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng.

“Nhầm hàng” – chuyện thường ở huyện!

“Tôi sử dụng thực phẩm chức năng cũng được một thời gian rồi. Ban đầu tôi cũng nghĩ là thuốc, nhưng hóa ra không phải thế. Hỏi lại mấy người bạn thì tôi mới biết là nó chỉ bổ sung một số chất nào đó mà mình thiếu. Lúc thấy TVShopping có bán mấy loại TPCN, tôi gọi điện để mua, mấy cô trực điện thoại cũng nhắc tôi về điều đó và nói khá kĩ về việc sử dụng. Tôi cũng đọc hướng dẫn và làm theo nên đến giờ thấy khá ổn”.

Những khách hàng hồn nhiên coi thực phẩm chức năng là thuốc như chị Bùi Thu Hằng (SN 78 ngõ 553, đường Giải Phóng, Hà Nội) không phải là hiếm. Không ít người bỏ tiền ra mua một loại TPCN nào đó về nhà với suy nghĩ đang cầm trên tay thứ thần dược có thể trị bách bệnh mà không chịu tìm hiểu kỹ về công dụng thực tế của nó. Điều này đôi khi dẫn đến những hệ quả không như mong muốn.

Đúng là vai trò của TPCN đã được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá cao trong cuộc sống hiện đại. Một số nhóm như TPCN bổ sung vitamin và khoáng chất, TPCN dạng viên, TPCN “không béo”-  “không đường” - “giảm năng lượng”, hay một số loại chuyên biệt dành cho phụ nữ có thai, trẻ em, người già…, có tác dụng hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, cung cấp dinh dưỡng, tăng đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Thực phẩm chức năng được hiểu đơn giản là vậy, nhưng người tiêu dùng đa số lại kỳ vọng hơn vậy nhiều lần. Phần vì được “rót mật” bởi những lời quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, phần vì nóng vội muốn “một phát ăn luôn”, nên nhiều khách hàng đã tự mua về cái sự bực mình mà không hay.
 
Một hình ảnh tư vấn về TPCN trên kênh TV Shopping.

Chị Nguyễn T. Dung (phố Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngượng ngùng kể với phóng viên, do bị chồng chưa cưới nhiều lần chê béo nên chị quyết tâm giảm cân trước khi khoác áo cô dâu. Chị tìm mua một loại “thuốc” giảm cân rao bán trên mạng với giá 300.000/hộp rồi uống liền một tuần, chưa thấy thấm tháp gì, chị mua thêm 2 hộp nữa (nhưng khác loại!) rồi uống gấp đôi liều lượng so với trước. Kết quả, chị Dung giảm từ 56kg xuống 55,9kg trong…hai tháng!

Việc người tiêu dùng nhầm lẫn TPCN thành “thần dược” rồi thất vọng tràn trề như trường hợp của chị T.Dung là do quá tin vào những lời chào hàng của một số đối tượng buôn bán kém uy tín trên mạng Internet và cũng bởi chính tâm lý nóng vội của bản thân. Chị Thu Hằng ở Giảng Võ thì may mắn hơn vì hỏi rất kĩ nhân viên bán hàng của kênh TVShopping khi mua một số loại TPCN cho gia đình.

Khách hàng không đơn độc

Thị trường TPCN ở Việt Nam chưa bao giờ sôi động như lúc này. Từ chỗ chỉ có 33 loại sản phẩm khi bắt đầu nhập vào Việt Nam năm 2000, tính tới nay đã có hơn 1.700 loại – hiện có tới hơn 60% sản phẩm được sản xuất trong nước. Theo PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, nhiều là vậy, phát triển nhanh là vậy nhưng mảng tối về TPCN vẫn còn. Đó là sự hiểu biết chưa đầy đủ của các đối tượng, từ nhà quản lý, sản xuất kinh doanh, đến người tiêu dùng, dẫn đến nghi ngờ các sản phẩm TPCN, khiến người tiêu dùng mất đi cơ hội được sử dụng TPCN để bảo vệ, tăng cường sức khỏe cho mình. Đặc biệt là do điều tiếng không hay về kênh bán hàng đa cấp – kinh doanh nhiều mặt hàng TPCN, khiến khách hàng cũng phần nào e ngại.

Trong một bài viết trên tạp chí TP&ĐS, ông Đáng khẳng định, TPCN phải là thực phẩm, nghĩa là cần phân biệt rõ giữa thuốc và thực phẩm chức năng, nhất là các thực phẩm chức năng nhóm bổ sung vitamin, khoáng chất và hoạt chất sinh học. Quan trọng hơn, TPCN phải an toàn. Các thực phẩm chức năng sử dụng lâu dài, có tính truyền thống được đúc kết là hoàn toàn không độc hại. Đối với thực phẩm chức năng mới, có thành phần mới, độ an toàn phải được chứng minh trên cơ sở khoa học. Không chấp nhận việc công bố khả năng chữa trị bệnh của thực phẩm chức năng, mặc dù một số nước công nhận khả năng đó. Ngoài ra, để khách hàng hiểu và yên tâm về sản phẩm mà mình bỏ tiền ra mua thì việc thông tin, quảng cáo, ghi nhãn sản phẩm được coi là TPCN phải được thực hiện theo qui định của pháp luật về thông tin, quảng cáo, ghi nhãn và phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng.
 
Ảnh chụp màn hình của một website bán hàng.

Mặc dù vậy, việc quảng cáo cường điệu vai trò của TPCN vẫn khiến không ít người tiêu dùng mắc phải sự cố “nhầm hàng” kể trên. Trên các phương tiện truyền thông, mấy từ ngữ như “tuyệt vời, đỉnh cao, số một, nhất nọ nhì kia…” vẫn được vô tư gán cho TPCN khiến khách hàng chẳng biết tìm đâu ra cái nhất, cái tuyệt vời thực sự. Theo phóng viên ghi nhận, cùng một loại TPCN có tên “Multi..Su…”, trên một trang web mua bán thì được rao “là thuốc có công thức đặc biệt cho phụ nữ trên 50 tuổi được sản xuất tại Canada”, trong khi chương trình giới thiệu trên TVShopping lại kèm theo lưu ý “sản phẩm không phải là thuốc không có tác dụng thay thế cho thuốc chữa bệnh, tham khảo ý kiến bác sỹ trong những trường hợp đặc biệt. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.”

Tiếc là không phải kênh bán hàng nào cũng cung cấp sản phẩm với những tư vấn, khuyến cáo tốt nhất giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng TPCN một cách hiệu quả nhất. Vì vậy, dẫu đã có những quy định liên quan đến trách nhiệm của bên này bên kia, người tiêu dùng vẫn phải là khách hàng thông thái, biết lựa chọn sản phẩm phù hợp, thậm chí phải biết chọn… kênh quảng cáo nữa!

 Trâm Anh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]