Ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam 

Theo ông Đáng, lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng trong thời gian qua, nhiều công ty quảng cáo quá mức công dụng của sản phẩm khiến người tiêu dùng lầm tưởng TPCN có tác dụng như thuốc và có thể thay thế thuốc chữa bệnh trong quá trình điều trị.

“Hiện nay có hai chiều hướng trái ngược là tin tưởng một cách thái quá, biến TPCN thành “thần dược” và khiến cộng đồng hiểu sai về TPCN. Chiều hướng còn lại là tẩy chay, “nói không” một cách tuyệt đối với TPCN, khiến nhiều người bỏ lỡ cơ hội phòng ngừa và hỗ trợ điều trị cho mình” – ông Đáng cho biết.

Ông Đáng cũng cho biết sự bắt tay chặt chẽ giữa Bộ Y tế và Bộ Thông tin và truyền thông trong việc rà soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN đã góp phần làm sạch những “con sâu” của ngành TPCN. Không chỉ những các công ty sản xuất, kinh doanh TPCN bị phạt mà cả những cơ quan thông tin đại chúng cũng chịu trách nhiệm khi không kiểm soát kỹ giấy phép quảng cáo TPCN trước khi đăng tải.

Theo ông Đáng, TPCN có tác dụng rất lớn trong hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe người bệnh nếu hiểu đúng, làm đúng và sử dụng đúng. Vì vậy ông Đáng mong muốn thời gian tới bác sĩ điều trị sẽ là người tư vấn trực tiếp cho người bệnh và cộng đồng sử dụng TPCN kết hợp với thuốc điều trị để hỗ trợ điều trị bệnh hoặc phòng ngừa bệnh tái phát.

Theo nhiều chuyên gia thì quản lý TPCN đang là một vấn đề nóng ở Việt Nam. Mặc dù, Luật An toàn thực phẩm với những quy định về TPCN đã được ban hành, nhưng thông tư hướng dẫn vẫn “tắc”.

Về vấn đề này, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thừa nhận việc ban hành thông tư hướng dẫn quản lý về TPCN có chậm bởi các cơ quan quản lý muốn làm “chắc”. Có những vấn đề vẫn chưa tìm được tiếng nói chung do vậy các nhà làm luật cần thêm thời gian bàn thảo kỹ lưỡng và khách quan nhất. Đặc biệt là vấn đề có nên để bác sĩ kê đơn TPCN hay không.

“Nếu quy định TPCN cần phải kê đơn sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Kê chung với thuốc hay kê riêng. Trong trường hợp kê chung với thuốc thì người dân có thể sẽ bị lợi dụng (không biết là thuốc hay TPCN). Nếu kê riêng thành đơn khác thì lại rắc rối. Vì thế Luật An toàn thực phẩm quy định,TPCN không cần phải kê đơn nhưng phải có tư vấn của bác sĩ, thầy thuốc”- ông Trung cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Trung điều này lại nảy sinh tiêu cực bác sĩ sẽ như trình dược viên bán thuốc, vì vậy cần phải bàn bạc để đưa ra giải pháp khách quan nhất.

 

 

Ban hành bộ tiêu chuẩn thực hành tốt

Ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, cho biết Hiệp hội TPCN đã xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất TPCN (GMP-HS) nhằm đảm bảo kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm TPCN xuyên suốt cả quá trình sản xuất, đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm thực sự chất lượng.

GPM-HS là một trong ba tiêu chuẩn bắt buộc đối với các công ty nghiên cứu, sản xuất TPCN. Đó là GACP (Thực hành tốt nông nghiệp và thu hái với cây thảo dược TPCN); GMP (Thực hành tốt sản xuất TPCN) và GLP (Thực hành tốt vận chuyển TPCN). Đáp ứng được 3 tiêu chuẩn này sẽ giúp các sản phẩm TPCN do Việt Nam sản xuất tìm được thị trường tại các quốc gia ASEAN và vươn tầm ra thế giới.

Tại đây, ông Trần Đáng đã chính thức trao chứng nhận Thực hành tốt sản xuất TPCN (GMP-HS) cho Công ty CP Đầu tư & sản xuất Âu Cơ (Hà Nội). Đây là đơn vị thứ hai được Hiệp hội TPCN Việt Nam trao chứng nhận này. 

Huy Hà

Video đang được xem nhiều