Thực phẩm dùng... đặt âm đạo

Sản phẩm Khang Mỹ Đơn được cấp phép như một loại thực phẩm chức năng, nhưng cách dùng không phải là ăn, uống mà là... đặt vào âm đạo.

15.6005

Khang Mỹ Đơn được bày ở hội nghị thực phẩm chức năng. Ảnh: Lao Động.

Tại hành lang hội nghị về thực phẩm chức năng do Bộ Y tế tổ chức ngày 17/7 có trưng bày sản phẩm Khang Mỹ Đơn của công ty cổ phần đầu tư và phát triển quốc tế Monjoin Việt Nam.

Trong tờ rơi quảng cáo sản phẩm ghi rõ: “Khang Mỹ Đơn có tác dụng bổ sung các nội tiết tố, chống lão hoá, kéo dài tuổi mãn kinh, bài tiết các tạp chất bẩn, làm sạch âm đạo và tử cung, ngăn chặn sự phát triển các mầm bệnh trong âm đạo... Cách dùng: Sản phẩm được đặt vào âm đạo”.

Theo lời giới thiệu của nhân viên công ty, Khang Mỹ Đơn là viên hình con nhộng, dùng để đặt vào âm đạo; đi kèm với nó là tinh dầu bảo dưỡng làm đẹp, dùng để xoa bụng dưới hai bên hố chậu. Tinh dầu sẽ thấm sâu vào hai buồng trứng để tăng cường nội tiết, điều hoà hệ thống sinh dục phụ nữ...

Thành phần sản phẩm chủ yếu là các dược liệu Đông y như tàng hoa hồng, cương đảm, huyết kiệt, hoàng cầm... Giá bán là 240.000 đồng một hộp 3 viên con nhộng và 240.000 đồng một lọ tinh dầu.

Tờ giải đáp thắc mắc về sử dụng Khang Mỹ Đơn, có nói đến rất nhiều tác dụng phụ như đau lưng, đau bụng, chóng mặt, mất ngủ, ngứa, sưng, tức máu, tiết dịch âm đạo nhiều hơn, có vết máu đặc tiết ra... Tuy nhiên, tài liệu này cho rằng những hiện tượng trên xuất hiện là do sản phẩm phát huy tác dụng. Khang Mỹ Đơn được khuyên dùng lâu dài, 1-2 viên mỗi tháng.

Trong 7 nhóm thực phẩm chức năng được ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế, nêu ra tại hội nghị trên, không có nhóm nào dùng đặt âm đạo. Thế nhưng Khang Mỹ Đơn đã được Cục cấp phép như một loại thực phẩm chức năng.

Giải thích về điều này, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng cấp phép và đăng ký chất lượng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết: Trước khi Khang Mỹ Đơn được cấp phép lưu hành, đã có nhiều bàn cãi. Sau khi cho phép Khang Mỹ Đơn ra thị trường 1 tháng, Cục đã ra lệnh thu hồi.

Trước đề nghị của công ty, Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Quản lý dược, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Vụ Y học cổ truyền “họp” lại để xem xét Khang Mỹ Đơn là thuốc hay thực phẩm. Cục Quản lý dược cho rằng, Khang Mỹ Đơn tại nước sở tại (Trung Quốc) được cấp phép là sản phẩm bổ sung sức khoẻ chứ không phải là thuốc, thì ở Việt Nam không thể cho là thuốc được.

Do đó, căn cứ trên hồ sơ của sản phẩm, các đơn vị trên đã thống nhất giao cho Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp phép lại với tên gọi là sản phẩm bổ sung sức khoẻ. Nhưng trên thực tế, tên gọi “sản phẩm bổ sung sức khoẻ” đã không được nhiều người biết đến. Khi Khang Mỹ Đơn trưng bày sản phẩm tại hội thảo về thực phẩm chức năng, khách tham quan thường hiểu đó là thực phẩm chức năng. Ngay cả nhân viên công ty vẫn “nhập nhằng” giới thiệu với khách hàng khi là thực phẩm chức năng, khi là thuốc bởi các công dụng “kỳ diệu” chữa bệnh phụ khoa.

(Theo Lao Động)

 

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]