Thuốc tào lao

Đúng là mùa “thuốc bổ não” của sĩ tử. Ghé một hiệu thuốc tây trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, TP.HCM, hỏi mua Ginkgo Biloba cho người nhà bị sa sút trí tuệ, mới chỉ nghe tên sản phẩm, người bán đã liến thoắng: “Anh mua thuốc cho con học thi? Hai tuần qua thuốc này bán chạy nhất. Anh mua Piracetam đi, thuốc này tốt hơn nữa!”

Theo BS Nguyễn Phi Bình, phó phòng chỉ đạo tuyến bệnh viện Tâm thần TP.HCM, năm nào cứ đến mùa thi là các thuốc bổ não lại lên “cơn sốt” vì tâm lý của phụ huynh muốn bồi dưỡng trí não cho con mình học thi. Nhưng theo BS Bình, phần lớn những thuốc này “vô thưởng, vô phạt” vì chỉ có tác dụng với… người bệnh.

Thật vậy, nhìn vào công dụng của những loại “thuốc bổ não” phổ biến hiện nay, không loại thuốc nào có tác dụng cải thiện trí nhớ hay thông minh. Gọi Ginkgo Biloba là “thuốc” cho oai, chứ đơn thuần đây chỉ là thực phẩm chức năng, công dụng được nói “một tấc đến trời”. Tuy nhiên theo giới chuyên môn, Ginkgo Biloba không lành như nhiều người nghĩ vì sản phẩm cũng gây ra một số tác dụng như nhức đầu, bồn chồn, buồn nôn, tiêu chảy; tăng nguy cơ chảy máu (do có yếu tố ngăn cản sự kích hoạt tiểu cầu, chống đông máu); thậm chí một số ít trường hợp có biến chứng xuất huyết nghiêm trọng trong não, trong mắt!

Về Piracetam, theo BS.CK1 Nguyễn Thị Kim Oanh, đây là thuốc hướng tâm thần, dùng cho người sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ, thiếu tập trung thường gặp ở người già, chứng rối loạn thần kinh trung ương, điều trị nghiện rượu. BS Kim Oanh nói: “Uống thuốc như biện pháp tâm lý thôi, chứ khoẻ mạnh như học sinh, uống vào như… không uống!”

… Và hậu quả nhãn tiền!

Không chỉ có tác dụng tâm lý với sĩ tử, “thuốc bổ não” cũng giúp tâm lý phụ huynh thoải mái. Nhưng chuyện ở đây không chỉ là “mất tiền vô ích”. Có con gái học thi đại học, năm qua chị Xuân, làm việc cho một tập đoàn nước ngoài, cũng bỏ khá nhiều tiền mua thuốc bổ thần kinh, bổ não, vitamin để bồi dưỡng cho con. Với số thuốc này, nhà lại có sẵn người giúp việc lo ăn uống chu đáo, chị an tâm đi kiếm tiền từ sáng đến tối.

Nhưng chuyện không như chị Xuân nghĩ. Gặp tôi cuối năm qua, chị cho biết con chị đã bỏ lỡ kỳ thi đại học vì… lao phổi. Chị chia sẻ: “Lỗi của tôi. Tôi cứ nghĩ nhà khá giả, lại lo cho cháu không thiếu thứ gì, kể cả mua thuốc bổ bồi dưỡng, nên cháu cứ học hành tốt. Nào ngờ sau đó tôi mới biết do sợ thi rớt đại học, suốt ngày cháu cứ ở trong phòng học, không màng ăn uống. Đến khi cháu ho ra máu, vào bệnh viện khám thì mới biết cháu đã mắc lao phổi nặng”.

Theo ThS.BS Nguyễn Kiến Minh, chuyên khoa thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 – TP.HCM, để tăng cường trí não cho học sinh mùa thi, điều quan trọng nhất là khuyên trẻ cân bằng học tập và thư giãn, có phương pháp học hiệu quả, ăn uống bồi dưỡng đầy đủ, chứ thuốc men như “thuốc bổ não” chẳng có tác dụng gì. DS Lê Kim Phụng cũng đồng tình: “‘Thuốc bổ não” không thể làm cho học sinh thông minh hơn, nên phụ huynh đừng lầm tưởng mà ép con mình sử dụng. Tốt nhất là cho con ăn uống đủ chất, sắp xếp thời gian hợp lý giữa học tập, nghỉ ngơi, kết hợp tập luyện để bộ não được sáng suốt, minh mẫn”.   

Bình Yên - TGTT

Bí đỏ, thực phẩm vàng mùa thi

“Bí đỏ được xem như thức ăn bổ não, “thực phẩm vàng mùa thi” vì chúng chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khoẻ cơ thể, đặc biệt cho não bộ. Bí đỏ chứa hàm lượng calo và chất béo rất thấp, 1kg bí chỉ chứa khoảng 40 calo nhưng lại chứa nhiều chất xơ và đường tự nhiên, tốt cho hệ tiêu hoá. Khi bí đỏ được nấu chín, cơ thể sẽ hấp thu các chất dinh dưỡng trên một cách dễ dàng”, DS Lê Kim Phụng nói.