Thực phẩm nhiễm bẩn và bệnh đường ruột

Rau nhiễm bẩn, gia cầm có virut H5N1, hải sản có dư lượng kháng sinh, dịch lợn tai xanh... đang đẩy vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta vào tình trạng báo động. Ấy vậy mà, nhiều người vẫn vô tư dùng thực phẩm nhiễm bẩn,

0

vô tư xả các chất thải nhiễm khuẩn ra môi trường chung. Chính vì tình trạng "điếc không sợ súng", hay quan niệm "chết có số" của nhiều người như thế mà số lượng người mắc các bệnh đường ruột nguy hiểm ở nước ta không ngừng tăng lên.

Bệnh thương hàn

Thủ phạm gây bệnh chính là vi khuẩn Salmonella typhi (S.typhi). Bệnh lây truyền qua đường phân - miệng do ăn phải thức ăn có nhiễm mầm bệnh. Khi ăn phải thực phẩm nhiễm vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn S.typhi sẽ xuống đến ruột non để gây bệnh. Thời gian từ khi nuốt phải vi khuẩn đến khi khởi bệnh khoảng 1-2 tuần. Ở giai đoạn đầu bệnh rất khó nhận biết vì hầu như không có triệu chứng. Mức độ nhiễm bệnh nặng hay nhẹ cũng phụ thuộc lượng vi khuẩn nhiễm vào cơ thể nhiều hay ít. Ở trẻ nhỏ, các dấu hiệu khởi đầu thường gặp là sốt tăng dần, nhức đầu, mệt mỏi, ăn kém, khó chịu vùng bụng, đi ngoài phân lỏng; còn ở trẻ lớn và người lớn là triệu chứng táo bón. Sau giai đoạn này, bệnh nhân thấy mạch chậm, gan hoặc lách to, họng đỏ và khô, tắc ruột từng đoạn. Biến chứng nguy hiểm nhất và cũng là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp tử vong do thương hàn là thủng và xuất huyết ruột non, chiếm khoảng 4% số bệnh nhân. Các biến chứng nguy hiểm khác có thể gặp là: nhiễm độc máu, viêm gan, viêm màng não, viêm thận, viêm xương tủy, viêm cơ tim, viêm phổi và viêm tinh hoàn. Riêng những người mang mầm bệnh mạn tính (chiếm từ 2-5%) dễ bị ung thư đường mật, đại tràng, tụy và phổi.

 Hoa quả có nhiều chất bảo quản cũng dễ gây bệnh về tiêu hóa.
 
Thương hàn là bệnh nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong khá cao (khoảng 4%-10%), nhiều chủng vi khuẩn thương hàn kháng thuốc xuất hiện, lại rất khó loại trừ được người mang mầm bệnh mạn tính. Vì thế, để phòng và tránh căn bệnh này rất cần đến nỗ lực của tất cả cộng đồng.

Tiêu chảy cấp

Do có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp, nên cách phòng ngừa và điều trị cũng vô cùng khó khăn. Để việc phòng ngừa và điều trị hiệu quả, trước tiên phải biết được triệu chứng cụ thể của từng bệnh.

Nếu tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn, bệnh nhân sẽ thấy sốt, đau bụng vùng thượng vị hoặc quanh rốn, không mót rặn; tiêu chảy nhiều lần, phân thối, nhiều nước, đôi khi có nhầy và máu gần giống phân trong lỵ trực khuẩn; môi khô, mắt trũng, khát nước do mất nước, nếu không điều trị kịp thời có thể tử vong do trụy mạch.

Trường hợp tiêu chảy cấp do ăn phải thực phẩm có chứa độc tố của vi khuẩn đã hình thành sẵn trong thức ăn, bệnh nhân sẽ bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày, đau bụng, không sốt, buồn nôn và nôn, từ đó dễ dẫn đến mất nước, mất chất điện giải và có thể tử vong.

Hội chứng lỵ

Có hai loại, đó là lỵ trực khuẩn do trực khuẩn Shigella thuộc vi khuẩn gram (-) gây ra và lỵ amíp do ký sinh trùng loại đơn bào entamoeba histolytica gây ra. Lỵ trực khuẩn thường cấp diễn, thời gian ủ bệnh ngắn (từ 1-7 ngày), khởi phát đột ngột, với các triệu chứng như sốt, rét run, nhức đầu, mệt mỏi, đau lưng, đau khớp (trẻ em có thể có cơn co giật, chán ăn, khát nước, buồn nôn, bạch cầu tăng cao); đau bụng, lúc đầu đau âm ỉ quanh rốn rồi lan ra toàn bụng theo khung đại tràng, cuối cùng thành cơn đau quặn bụng; đi ngoài nhiều lần, lúc đầu phân sền sệt, sau loãng dần và rất thối, lẫn chất nhầy và máu (chất nhầy nhiều, đục lờ mờ, ít khi trong, có khi vàng đục như mủ; máu hồng nhạt hoặc sẫm như máu cá). Bệnh lỵ trực khuẩn thường xảy ra đồng loạt với nhiều người bị mắc bệnh trên một địa bàn hẹp và trong một thời gian ngắn. Lỵ trực khuẩn gây sa hậu môn ở trẻ em, viêm đa dây thần kinh, viêm niệu đạo - khớp - kết mạc xuất hiện sau 2 tuần bị tiêu chảy. Bệnh gây tác hại nhiều ở trẻ em và người lớn tuổi.

Bệnh lỵ amíp thường khởi phát từ từ và bệnh tăng dần. Bệnh nhân bị quặn bụng, mót rặn và rát hậu môn; thường xuyên muốn đi đại tiện nhưng chỉ đi 5-10 lần trong ngày; sau khi đi ngoài vài lần thì không còn phân mà chỉ còn ít chất nhầy như nhựa chuối với máu đỏ thành tia. Bệnh lỵ amíp thường gây viêm đại tràng, trĩ, sa hậu môn, pôlíp đại tràng, rối loạn thần kinh thực vật, đôi khi có biến chứng xuất huyết tiêu hóa, hẹp trực tràng, tắc ruột, lồng ruột, ung thư hóa các tổn thương ở ruột; nếu không trị dứt điểm dễ gây nên biến chứng bệnh áp-xe gan, áp-xe phổi, màng phổi, viêm màng ngoài tim, viêm màng bụng, viêm thận...

Đối với các bệnh đường ruột nguy hiểm, nguyên tắc điều trị đầu tiên chính là bù nước và điện giải. Nếu mất nước nhẹ thì cho uống oresol hoặc nước cháo muối. Nếu mất nước nặng phải bù nước bằng truyền tĩnh mạch. Sau khi đã bù nước và điện giải, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc kháng sinh, tùy thuộc nguyên nhân gây bệnh. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng thích hợp với các thức ăn đã chế biến kỹ, nấu nhuyễn để dễ tiêu hóa. Tuyệt đối không nhịn ăn hay kiêng khem quá mức.

Do các bệnh đường ruột nói trên rất dễ lây lan, nên việc phòng bệnh đóng một vị trí vô cùng quan trọng. Trong vệ sinh ăn uống, nhất thiết phải ăn chín, uống sôi; không uống nước lã; không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua... Rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ trước khi ăn, khi chế biến thực phẩm và sau khi đi vệ sinh. Bảo vệ nguồn nước sạch, sử dụng nước sạch để nấu ăn. Không được phóng uế bừa bãi. Khi gia đình hoặc xung quanh có người bị tiêu chảy cấp nguy hiểm cần báo cho cơ sở y tế nơi gần nhất để điều trị kịp thời.

ThS. Hà Hùng Thủy

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]