Thực phẩm sạch có thực sự sạch?

(VTC News) - Việc lựa chọn được sản phẩm an toàn ngay trong các sản phẩm được quảng bá là sạch cũng là thách thức không nhỏ. Nhưng không có nghĩa là ai cũng phải bó tay trước những thông tin nhiều khi nhiễu loạn này.

15.5976


Việc xuất hiện ngày càng nhiều thực phẩm không an toàn như nước đóng chai nhiễm khuẩn hoặc có chứa thành phần độc hại Dehp, sữa chứa Melamine, hoá chất “biến” bắp, đậu thành cà phê, pha chế các loại nước giải khát, rau “tẩm” hóa chất bảo vệ thực vật... khiến người tiêu dùng càng trở nên hoang mang và thận trọng trong việc chọn thực phẩm.

Chính vì thế sự xuất hiện các sản phẩm thực phẩm được công bố là sạch giúp người tiêu dùng bớt đi nỗi lo thực phẩm bẩn. Thế nhưng thực tế không phải sản phẩm nào mang “thương hiệu” sạch cũng sạch theo đúng tên gọi.

Hoang mang thực phẩm sạch

Thời gian gần đây để chọn những miếng thịt sạch, rau sạch, cá sạch, gà sạch... điểm đến người người tiêu dùng thường là các siêu thị hoặc những cửa hàng có biển báo “thực phẩm sạch”. Chị Lê Thị Phương, trú tại đường Giải Phóng (Hà Nội) chia sẻ, vì cả tuần bận rộn với công việc nên cuối tuần vợ chồng chị hay đến siêu thị để chọn mua thực phẩm.

Chị Phương quan niệm, mặc dù thực phẩm mua ở siêu thị không tươi ngon bằng ngoài chợ, thậm chí còn đắt hơn nhưng ít ra cũng có độ tin cậy vì nguồn cung cho các siêu thị thường rõ ràng, còn các sản phẩm như trứng, thịt đều đã qua kiểm dịch nên sẽ an toàn hơn.

Trong khi đó, bà Đỗ Hoài Phương, 65 tuổi ở Quận Hoàng Mai bày tỏ sự thiếu tin tưởng ở những điểm bán thực phẩm được quảng cáo là sạch. Theo bà Phương, trước đây khi mới xuất hiện các sản phẩm rau sạch bà cũng thường xuyên mua để sử dụng cho bữa ăn của cả gia đình, tuy nhiên sau một lần ăn món đỗ sạch cả nhà bị “Tào Tháo đuổi”, từ ấy bà Phương đâm nghi ngờ chất lượng rau sạch. Cho đến một lần vô tình bà phát hiện một trong những nguồn cung cấp rau sạch cho cửa hàng bán rau sạch chính là người bán rau ở chợ đầu mối gần nhà, từ ấy bà “cạch” luôn cả rau sạch.

Chị Hoàng Vân ở quận Cầu Giấy chia sẻ, thông tin về thực phẩm sạch thì nghe nhiều nhưng ra chợ muốn mua rau, củ không có chất bảo vệ thực vật thì không biết thế nào để lựa chọn. “Có lần ra chợ tôi mua miếng thịt trông rất tươi, ngon, vậy mà về luộc, nước luộc thâm đen, bốc mùi khó chịu” – chị Vân phàn nàn.

Lạm dụng từ “sạch”

Theo PGS.TS Phạm Công Thành, Viện Sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), ngày nay người tiêu dùng càng được trang bị nhiều những kiến thức mới về an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc họ lựa chọn những sản phẩm sạch, xanh đang là xu hướng mới trong thời buổi thực phẩm có nhiều mối nguy cơ.

Tuy nhiên theo PGS.TS  Thành, việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm sạch là việc cần khuyến khích nhưng xem ra ngày nay cái tên “sạch” đang bị lạm dụng để quảng cáo cho sản phẩm một cách quá đà. Đơn cử như rau sạch hay còn gọi là rau an toàn.

Đây là loại rau được sản xuất theo quy trình kỹ thuật bảo đảm được tiêu chuẩn hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích..., từ đó giảm tối đa lượng độc tố tồn đọng trong rau như nitrat, thuốc trừ sâu, kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh. Còn theo Cục ATVSTP - Bộ Y tế thì không có tiêu chuẩn thực phẩm sạch mà chỉ có thực phẩm đảm bảo ATVSTP và không bảo đảm ATVSTP còn từ thực phẩm sạch chỉ là câu cửa miệng để chỉ thực phẩm an toàn.

“Tuy nhiên rau chỉ được coi là sạch nếu người sản xuất tuân thủ các biện pháp kỹ từ chọn đất (vùng đất trồng rau sạch, chưa bị ô nhiễm bởi các kim loại nặng chưa bị ảnh hưởng của nước thải công nghiệp). Đồng thời giảm lượng phân đạm bón cho các loại rau xanh vì phân đạm chứa nitrat vì thành phần này sẽ chuyển hóa không tốt cho sức khỏe người sử dụng.

Ngay cả việc tưới phân cho rau cũng không được tưới rau bằng phân bắc, phân chuồng tươi, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, các loại nước đã bị nhiễm bẩn. Với thuốc trừ sâu, không nên mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Không nên thu hoạch ngay sau khi bón phân, hoặc nhất là khi mới phun thuốc trừ sâu”- PGS.TS  Thành giải thích.

Khó phân biệt sạch - bẩn

Cũng theo TPGS.TS Thành, để phân biệt đâu là sản phẩm rau sạch- rau bẩn bằng mắt thường không thể biết được. Với đôi mắt của người tiêu dùng họ chỉ có thể biết sản phẩm này dập nát, thối, bẩn, có mùi hóa chất bảo vệ thực vật hay không còn thực sự loại rau này có được nuôi trồng đúng quy trình sạch hay không thì việc nhận biết còn khó hơn mò kim đáy bể.

“Bản thân tôi nếu có một bó rau trước mặt thì tôi cũng chẳng thể khẳng định nó có hóa chất hay không”- PGS.TS Thành giãi bày.

Theo PGS.TS Thành, hiện nay, tình trạng lạm dụng hóa chất trong việc bảo quản và chế biến thực phẩm rất tràn lan. Người ta dùng hóa chất để hạn chế hoạt động của vi sinh vật và enzim khiến đồ ăn lâu hỏng, giữ thực phẩm tươi, tiêu thụ được lâu hay nâng cao giá trị cảm quan (màu, mùi) của thức ăn. Trong khi đó, không có cách nào phân biệt thực phẩm có sử dụng hóa chất hay không bằng các giác quan.

Hiện Việt Nam đã có danh sách quy định rõ các loại chất phụ gia, chất bảo quản được phép sử dụng cho thực phẩm, nhưng thực tế không phải cơ sở sản xuất, hộ gia đình nào cũng tuân thủ thực hiện. Đó là chưa kể có những cơ sở cố tình làm ăn gian dối còn sử dụng những chất không được phép cho thực phẩm vì lợi ích kinh tế.

“Vì vậy để lựa chọ sản phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng tốt nhất người tiêu dùng nên chọn những mặt hàng có nhãn, mác rõ ràng, trên đó ghi rõ thành phần, ngày sản xuất và hết hạn. Nên chọn những cơ sở uy tín để mua thực phẩm”- PGS.TS Thành khuyến cáo.

Để lựa chọn sản phẩm an toàn cho gia đình, TS Lê Thị Hồng Hảo, Phó viện trưởng Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, Bộ Y tế cho rằng, bản thân các bà nội trợ phải trở thành những người tiêu dùng thông thái, nhưng để làm được điều này cũng không phải là chuyện dễ dàng.

Do đó,  người tiêu dùng cần tập thói quen mua các thực phẩm biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, có thương hiệu, ghi rõ ngày sản xuất, hạn dùng. Ngoài ra, người tiêu dùng không nên chọn những thực phẩm có màu quá sặc sỡ, lòe loẹt. “Người dân cũng không mua và dùng những rau quả có mùi vị lạ, khác thường. Khi dùng, nên ngâm kỹ, rửa sạch, gọt vỏ các loại rau quả ăn tươi.

Rau cần được rửa ít nhất 3 lần dưới vòi nước chảy và nên ngâm trước khi rửa và ngâm lại bằng nước muối sau khi rửa vì muối làm tăng quá trình hòa tan, khuếch tán các chất độc, đẩy chúng ra theo nước”- bà Hảo lưu ý.

Thực phẩm “chưa sạch” tiêu thụ được bởi người dân dễ dãi trong mua bán mà không cần đến nguồn gốc xuất xứ. Với sự bận rộn của cuộc sống hiện đại, người ta dễ tặc lưỡi chấp nhận mua thực phẩm, rau quả ở bất cứ đâu.

Chính vì thế dù cơ quan chức năng đã xử phạt và công khai vô số vụ sai phạm trong hoạt động kinh doanh, mua bán thực phẩm bẩn nhưng với hơn 9 triệu hộ sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thì việc kiểm soát thực phẩm không phải là chuyện dễ dàng. Để mua được những sản phẩm sạch mỗi người cần là người tiêu dùng thông thái bằng cách lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để bảo đảm sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.

Quý Anh

Tin liên quan






0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]