Thực phẩm tươi sống “phi mã"

GiadinhNet - Kể từ sau Tết Dương lịch, thực phẩm tươi sống trên thị trường tự do đã đùng đùng… tăng giá.

15.5977

Thực phẩm tươi sống đang có mức tăng giá mạnh nhất. Ảnh: MH

Nhiều mặt hàng thiết yếu như thịt gà, bò, tôm, cua, cá, rau xanh đã có mức tăng giá cao bất ngờ khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng.

Hà Nội: Thịt, rau cùng tăng giá “khủng”

Tại thị trường Hà Nội, rau xanh và các loại rau cao cấp đang có mức tăng giá đáng kể. Do thời tiết lạnh, rau phát triển chậm cộng với nhu cầu cao vì nhiều quán ăn, gia đình ưa chuộng món lẩu tiêu thụ rau khá lớn. Rau muống tăng giá từ 4.000 đồng/bó lên 6.000- 7.000 đồng/bó; cải ngọt tăng giá từ 12.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg; cải thảo có giá từ 12.000 đồng/kg tăng lên 16.000 đồng/kg; cải xoong tăng giá từ 4.000 đồng/bó lên 5.000 - 7.000 đồng/bó. Các loại rau khác như ngọn su su tăng giá từ 15.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg; súp lơ xanh tăng giá từ 10.000 đồng/cây lên 15.000 đồng/cây; cải bắp tím tăng giá từ 15.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg…

Ngoài rau xanh, một số loại thực phẩm tươi sống cũng tăng giá mạnh. Giá các mặt hàng thủy sản như tôm, cua, cá, ngao... đều tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Các loại thịt lợn và bò cũng có mức tăng giá đáng kể: Thịt lợn tăng từ 5.000- 7.000 đồng/kg; nạc thăn từ 90.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg; sườn thăn tăng từ 80.000 đồng/kg lên 90.000 – 95.000 đồng/kg. Thịt bò cũng có giá cao hơn so với tuần trước khoảng 10.000 đồng/kg và hiện bắp bò có giá giao động từ 220.000 – 250.000 đồng/kg; thăn bò có giá 240.000 - 250.000 đồng/kg; thịt bê có giá 210.000- 230.000 đồng/kg…

Các loại gia cầm như gà, vịt, giá tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Cụ thể, giá gà ta tăng từ 120.000 đồng/kg lên 140.000 đồng/kg; gà công nghiệp tăng từ 80.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg; thịt ngan từ 90.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg…

Thông tin từ các tiểu thương kinh doanh tại các chợ trên địa bàn Hà Nội cho biết, so với những năm trước, năm nay lượng thịt, cá bán ra dịp này không tăng hơn, nhưng mức giá cao hơn khá nhiều.

TP HCM: Thực phẩm lên, rau giữ giá

Tại thị trường TPHCM, thực phẩm cũng bắt đầu leo thang từ dịp nghỉ Tết Dương lịch. Có mức tăng giá mạnh nhất là thịt lợn, gà: thịt lợn tăng 7.000 - 10.000 đồng/kg so với trước đó 10 ngày. Cụ thể, thịt ba chỉ 80.000 đồng/kg; thịt đùi 80.000- 85.000 đồng/kg; sườn non 110.000 đồng/kg. Thịt gia cầm cũng tăng giá khá mạnh: gà tam hoàng 70.000 – 80.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 -8.000 đồng/kg so với trước đó; thịt gà ta 120.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các loại thịt bò tăng giá ít hơn Hà Nội. Cụ thể, thịt bò thăn 220.000 đồng/kg; thịt bắp bò 200.000 đồng/kg; thịt bê 200.000 đồng/kg; tôm chân trắng loại 60 - 80 con/kg 160.000 đồng/kg; tôm chân trắng loại 30 con/kg 250.000 đồng/kg, cá diêu hồng 70.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg...

Rất may là giá các loại rau xanh tại TPHCM  vẫn khá ổn định và có mức giá thấp hơn so với thị trường Hà Nội từ 1.000- 3.000 đồng/kg: cải thảo có giá 14.000 đồng/kg; rau muống 4.000 đồng/bó; cải làn 12.000 đồng/kg; cải bắp 8.000 đồng/kg; cải xanh 10.000 đồng/kg; súp lơ xanh, trắng 12.000 đồng/cây; cải ngọt 12.000 đồng/kg… Riêng giá đường, dầu ăn lại có xu hướng giảm.
 

Ban Chỉ đạo liên ngành TƯ về ATVSTP (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) đã lập 8 đoàn liên ngành, tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 24 tỉnh thành trọng điểm. Từ ngày 10/1/2013 đến ngày 15/2/2013, các đoàn liên ngành sẽ tập trung kiểm tra tại những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo... các cơ sở dịch vụ ăn uống.

Được biết tuần qua, Sở Tài chính TPHCM đã đồng ý cho các doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn được điều chỉnh tăng giá bán lên khoảng 13-18% một số mặt hàng như thịt gà thả vườn từ 54.000 đồng/kg lên 65.000 đồng/kg (tăng 18,5%), gà ta lên 95.000 đồng (tăng 13%), thịt vịt lên 58.000 đồng/kg (tăng gần 14%); trứng gà, vịt tăng khoảng 2.000 đồng/chục... Trứng vịt của Công ty Ba Huân hiện có giá 28.500 đồng/chục, trứng gà 23.500 đồng/chục và cam kết sẽ giữ mức giá này ổn định cho đến hết Tết Nguyên đán.

Chuyên gia: Lạc quan “tếu”?

Mặc dù dự báo những tháng cuối năm có nhiều yếu tố khách quan tác động đến mặt bằng giá  nhưng theo Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) vẫn có những mặt hàng giá cả ổn định(?!). Các chuyên gia kinh tế vẫn nhìn nhận thị trường theo hướng lạc quan khi cho rằng kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên năm 2013 sức mua có thể không tăng, khó dẫn tới tăng giá.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, dịp Tết Nguyên đán giá cả sẽ không biến động lớn. Từ đầu năm đến nay mặt bằng giá không có biến động, thậm chí còn giảm vì nền kinh tế phát triển kém, sức mua yếu. Giá điện hay xăng tăng thì mặt bằng giá cả sẽ tăng nhưng mức tăng không nhiều.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cũng chung nhận định rằng, sức mua thị trường chậm, các doanh nghiệp tuy còn lo ngại về khả năng tiêu thụ hàng trong thời điểm Tết nhưng vẫn cam kết đảm bảo nguồn cung với giá cả ổn định.

TPHCM sẽ có 3 đoàn kiểm tra thị trường hàng hóa Tết Quý Tỵ. Đoàn liên ngành sẽ kiểm tra đột xuất các điểm bán hàng với ba nội dung chính: Thực hiện chương trình bình ổn giá; Tiến độ cung ứng hàng hóa và việc chấp hành các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất và phân phối.
 
Mai Hạnh

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]