Thực phẩm vẫn chưa an toàn!

Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM, cho rằng còn nhiều bất cập và rào cản trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm

15.6083

Sau bức xúc về giá cả và  tình trạng ngập nước đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là nỗi bức xúc xếp thứ ba của người dân TPHCM. Thông tin này được bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM, đưa ra (Ban Dân vận Thành ủy khảo sát và công bố mới đây) tại chương trình Nói và Làm do HĐND TPHCM và Đài Truyền hình TP tổ chức sáng 7-3.


Trái cây được bày bán dưới đất ngay cạnh đống rác tại Quốc lộ 1A, quận Bình Tân - TPHCM. Ảnh: T.THẠNH


Trồng rau nhưng không dám ăn


Sau khi chương trình điểm qua những con số đáng sợ về ATVSTP xảy ra trên cả nước và tại TPHCM trong năm 2009, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, nông dân trồng rau ở phường Tân Thới Hiệp - quận 12, kể: “Cứ 19 giờ là họ xịt thuốc, sáng hôm sau nhổ rau đi bán liền. Nhìn rau mướt mát ai cũng ham nhưng điều lạ là chính họ lại không ăn rau mình trồng mà qua nhà tôi... xin rau ăn”. Theo bà Nga, để rau được đẹp, người trồng rau thường xịt thuốc làm sáng lá, thuốc trừ sâu và qua một đêm là thu hoạch bán liền. Quá lo lắng, một đại biểu tham gia chương trình hỏi: “Thế có ai kiểm tra, xử lý không?”. Bà Nga lắc đầu: “Lâu lâu mới có. Mà dễ gì phát hiện vì họ chỉ làm trong tích tắc”.


Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu HĐND TP, cho biết rất băn khoăn về thực trạng ATVSTP hiện nay, nhất là việc sử dụng phẩm màu trong chế biến và hóa chất trong bảo quản sản phẩm. Nhưng bức xúc hơn theo ông Nghĩa, vẫn là chất lượng nước tinh khiết vì nước uống mà còn chưa yên tâm thì nói gì đến sản phẩm tiêu dùng khác. “Đừng vội trách người sản xuất là vô ý thức vì chính họ chưa nhận thức được hành vi của mình gây tác hại cho người sử dụng. Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh việc giáo dục và tập huấn cho họ” - ông Nghĩa đề nghị.


Xây dựng chuỗi bán hàng


Bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho rằng việc TP quy hoạch và hình thành 3 chợ đầu mối nhiều năm qua cho thấy TP đã quản lý đầu vào và đầu ra sản phẩm một cách tốt hơn trước đây. Với 1.600 tấn hàng hóa vào chợ mỗi ngày, lãnh đạo Ban Quản lý chợ đầu mối Bình Điền xác nhận: “Hiện 99% lượng rau -  củ - quả, trái cây và 92% hàng thủy hải sản kiểm tra đạt yêu cầu”. Tuy nhiên, để hàng hóa đầu ra được người tiêu dùng tin cậy, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Giám đốc chợ đầu mối Bình Điền, đề nghị TP xây dựng một trung tâm kiểm tra chất lượng hàng hóa ra vào chợ.


Theo ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP, để truy xuất được nguồn gốc hàng hóa một cách dễ dàng thì phải xây dựng chuỗi bán hàng. Bởi khi hình thành chuỗi, các cơ quan chức năng mới có thể biết được ai là người sản xuất, chế biến và cung cấp sản phẩm để quy trách nhiệm cụ thể khi trục trặc phát sinh. Ông Châu cho biết theo chỉ đạo của TP, Sở Y tế cũng đang phối hợp với các sở chức năng xây dựng 3 loại chuỗi bán hàng, gồm: rau quả, trứng, thịt.


Ghi nhận những nỗ lực của TP trong công tác quản lý ATVSTP nhưng theo bà Phạm Phương Thảo, vấn đề này vẫn là thách thức rất lớn vì còn nhiều bất cập và rào cản như quy định xử phạt quá nhẹ, nhân lực còn hạn chế, đầu tư thiết bị chưa đồng bộ, thói quen truyền thống của người tiêu dùng... Bà Thảo hy vọng những hạn chế này có thể được khắc phục khi Luật ATVSTP được Quốc hội thông qua.

Giảm số vụ nhưng tăng tính chất


Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP, cho biết trong năm 2009, TP đã xảy ra 18 vụ ngộ độc thực phẩm và không vụ nào gây chết người. So với năm 2008, giảm 4 vụ, số người ngộ độc cũng giảm từ 1.600 xuống còn 900 người.


Chưa yên tâm với con số nêu ra, bà Phạm Phương Thảo hỏi: “Số vụ giảm nhưng tính chất vi phạm như thế nào?”.  Ông Châu cho biết qua phân tích các vụ ngộ độc cho thấy nguyên nhân do tạp chất tự nhiên có trong thực phẩm. Song, vấn đề hết sức lo ngại là những loại hóa chất, độc chất thường nằm trong chất phụ gia nên chiều hướng sẽ gây bệnh tật mãn tính về sau chứ không ngộ độc liền. “Cán bộ y tế sẽ tập trung kiểm tra và xử lý vi phạm này”- ông Châu hứa.

QUÝ HIỀN
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]