Thực phẩm 'xấu mã' lên ngôi

Xu hướng chung là chuyển sang chọn lựa những mớ rau càng xấu mã càng… “bảo đảm là không có hóa chất bơm, phun, tưới bón”.

0

Nhiều bà nội trợ bây giờ thích đi chợ cóc, chợ quê. Có nhiều chị em còn lặn lội đi xa mấy cây số để mua rau củ, thịt cá của “người trong làng gánh ra”. Không chỉ có dân thường, ngay đến các ông nghị, bà nghị cũng đang kêu gọi tẩy chay hàng hóa độc hại trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Dường như tâm lý lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm, cùng với những ý kiến phát động này đang tạo nên một động thái mới cho những người tiêu dùng trong nước. Và bởi vậy, những thứ rau củ quả, thịt cá có xuất xứ từ quê, dù xấu mã đến mấy cũng trở nên đắt hàng.

Chị Nguyễn Kim Thư (Hàng Bạc, Hà Nội) chia sẻ: “Ngày nào cũng đọc được các thông tin về hóa chất độc hại trong đồ ăn thức uống, thậm chí là các gia vị như tương ớt, maggi, mì chính… Sợ quá, nhưng chẳng biết phải làm sao để tự bảo vệ gia đình mình. Cứ e ngại cái này độc, thứ kia hại thì chắc là chẳng ăn được thứ gì. Bước chân ra chợ, nhìn thấy mớ rau, củ khoai đẹp mã thì lại thấy e dè vì nghi là có bón hóa chất gì đó mới đẹp thế, tươi thế, xanh thế…”. Và giải pháp tạm thời của chị Thư là: “Tôi cứ vào siêu thị mua rau củ quả.

Thậm chí là cả thịt, cá cũng phải chọn lựa rất kỹ”. Còn bà Bích Nga (Khu tập thể Thành Công, Hà Nội) vốn là một nhà giáo về hưu, khá kỹ tính và luôn chăm lo sức khỏe cho cả gia đình lại có cách khác. Bà cho biết: “Cứ mùa nào thức ấy, dân mình có thức gì, đúng mùa là tôi mua. Khoai chẳng hạn, đúng mùa hoặc cuối mùa thì mua thật nhiều, gọt rửa sạch sẽ, đóng túi bảo quản, rồi cho vào tủ đá để ăn dần. Tôi thấy khoai của ta nhỏ và xấu mã, nhưng bảo đảm hơn là những củ khoai to tướng, tròn trịa, bóng bẩy bán ngoài chợ. Sợ lắm”.

Nhiều gia đình hạn chế ăn thịt lợn, mà nếu có ăn thì các bà nội trợ cũng chọn lựa kỹ càng, thậm chí còn rửa sạch, ngâm qua nước sôi rồi mới cắt thái và chế biến thành các món ăn. Ngay đến món đậu phụ, nhiều bà nội trợ cũng kỳ công ra tận lò nấu, rồi ngồi chờ, giám sát các công đoạn làm đậu, chỉ để mua được vài bìa đậu đảm bảo chất lượng, không pha thêm các chất độc hại nào.

Thế nhưng, có nhiều bà nội trợ quá bận rộn, ít thời gian để cầu kỳ trong chuyện mua bán, chợ búa. Bởi vậy sự lựa chọn của họ là siêu thị, cửa hàng rau sạch và những hàng bán thực phẩm đã quen từ lâu. Trong khi đó, rất nhiều “tay hòm chìa khóa” vốn phải tính toán chắt chiu, như các sinh viên, thì giải pháp tối ưu là đi chợ sáng sớm để mua được đồ vừa ngon vừa rẻ. Tốt nhất là cứ chọn các mặt hàng xấu mã một chút.

Nhiều người bán hàng ở chợ Thành Công, chợ Hôm - Đức Viên đều cho biết: “Người đi chợ bây giờ cẩn thận lắm, trước khi mua còn hỏi ngọn ngành xem rau củ ở đâu, nhà trồng hay mua từ chợ đầu mối. Nhưng nhìn chung là bây giờ những loại rau củ đẹp mắt không được chọn nhiều, những loại rau, đậu đỗ, bí, mướp nhà trồng được thì bao giờ cũng bán hết rất nhanh…”. Còn chị Hoa - chủ quầy bán thịt lợn trong chợ Thành Công thì kể: “Thịt lợn bây giờ bán chậm hơn. Tôi chủ yếu chỉ bán cho khách quen, nhiều người đã mua thịt ở quầy của tôi gần chục năm rồi. Dù đã quen, đã uy tín bao lâu nay nhưng người mua thi thoảng lại hỏi về dấu kiểm định, về nguồn thịt lấy ở đâu, giết mổ ở lò nào…”.

Có vẻ như khi người tiêu dùng thông thái hơn, khó tính hơn, cũng bắt đầu “định hướng” để những người làm dịch vụ cung cấp các mặt hàng thực phẩm cũng phải cẩn trọng hơn, trách nhiệm hơn.

P.D

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]