Thuốc chữa bệnh ghen

Ghen là một hiện tượng tình cảm tự nhiên. Nhưng nếu bạn luôn trong tâm trạng phải “rắp tâm” theo dõi vợ mình khi cô ấy đi mua sắm, hoặc để ý xem cô ấy có “trò chuyện thân mật” với một người nào đó hay không… thì vấn đề trở nên đáng quan tâm.

0

Trên tạp chí Men’s Health, chuyên gia tâm lý tình dục học Willy Pasini và bác sĩ liệu pháp tâm lý Ahlam Fennou phân tích một cách chi tiết những dạng ghen khác nhau và giải thích làm thế nào để “chữa trị” hiệu quả những chứng ghen này.

Ghen vì muốn sở hữu

Huân, một thanh niên 32 tuổi, là người sống thiên về lý trí. Trong chuyện tình cảm, anh luôn quả quyết rằng mình làm chủ được bản thân: “Tôi thật sự không ghen. Khi bạn gái tôi tỏ ra chú ý đến một anh chàng điển trai nào đó thì tôi cũng có khó chịu đôi chút, nhưng không bao giờ làm ầm ĩ”.

Nhưng đến một hôm, sau khi có chuyện cãi vã nhau, cô bạn gái của Huân bỏ đi. “Lúc đó, tôi không biết mình đang làm sao nữa. Tôi bắt đầu nghĩ đến những cảnh tượng tệ hại. Đầu óc tôi quay cuồng. Tôi phóng xe đuổi theo và chặn cô ấy lại. Chúng tôi đã to tiếng với nhau. Nhưng cuối cùng tôi đã trấn tĩnh lại được”, Huân chỉ kể lại chuyện đó chứ không thể lý giải.

Vượt qua điều đó như thế nào? Theo chuyên gia Willy Pasini, Huân thuộc nhóm những người đàn ông có tâm lý của những “kiểm soát viên”. Những người theo mẫu này, trong vô thức, quan niệm rằng bạn gái hay vợ là thuộc “quyền sở hữu” của mình. Do đó, khi cô bạn giận dữ bỏ đi, anh ta cảm thấy mình bị “mất quyền kiểm soát” đối tượng.

Chính sự “biến mất” của cô bạn đã làm bùng lên cơn ghen. Trong bối cảnh đó, nếu như cô gái không bỏ đi đột ngột thì tình hình sẽ khác. Huân đã công nhận rằng chính lúc cô ấy bỏ đi, anh ta bắt đầu tưởng tượng đến hình ảnh cô ấy sẽ ngã vào vòng tay của một người khác nên mới tức tốc đuổi theo.

Vậy thì, cách tốt nhất trong tình huống này là bạn phải biết làm chủ được mình, biết làm chủ mối quan hệ của hai người “từ bên trong” chứ không phải “kiểm soát từ bên ngoài”. Khi làm được như vậy, bạn sẽ không có những phản ứng thái quá.

Tại sao bạn lại không nghĩ rằng, cô ấy đôi lúc cũng phải được quyền “biến mất” ở một nơi nào đó, vì công việc hoặc vì chuyện riêng. Hãy để cô ấy có được những khoảnh khắc tự do để hoàn thiện mình hơn và sau đó sẽ “xuất hiện” lại bên bạn một cách đáng yêu hơn. Biết đâu cô ấy sẽ yêu bạn nhiều hơn!

Ghen bệnh lý

Minh, 27 tuổi, là một người hay lo âu. Anh không thoát khỏi cảm giác là sẽ bị Thanh, cô vợ sắp cưới “lừa dối”. Ám ảnh đó cứ luẩn quẩn trong tâm trí anh, bất kể khi cô ấy đi đâu hoặc làm gì. Về phía Thanh, cô thật không chịu nổi.

Cô kể: “Có lần, tôi tham gia chuyến du lịch trong một tuần lễ. Anh ấy ở nhà vì không thể xin nghỉ phép. Thế là, anh ấy gọi điện suốt ngày để hỏi xem tôi đang làm gì, đang gặp ai. Thậm chí anh ấy còn nhắc nhở tôi rằng phải chung thuỷ với anh ấy. Có một buổi chiều, anh ấy làm phiền nhiều đến mức tôi không còn chịu đựng được nên đã tắt điện thoại di động.

Lạ lùng thay, lúc đó, khi đang ở ngoài phố, tôi gặp lại một anh bạn đã mất liên lạc từ lâu. Anh ấy trò chuyện với tôi và sau đó đưa tôi về nhà. Anh ấy đã ôm choàng vai tôi khi từ biệt. Sau đó, tôi mở máy di động trở lại và không đầy 5 giây sau, Minh lại gọi cho tôi. Anh ấy đã la mắng tôi chỉ vì không thể liên lạc được với tôi. Anh ấy nói rằng thật “nghi ngờ” khi không biết tôi tắt điện thoại di động để làm gì!”.

Vượt qua điều đó như thế nào? Minh dường như có lý do để ghen vì vị hôn thê thật sự đã có “lừa dối” anh ta (dù cho đó chỉ là một cử chỉ “ôm choàng vai”). Song, đó không phải là nguyên nhân đầu tiên.

Theo lý giải của bác sĩ liệu pháp tâm lý Ahlam Fennou, chính Minh đã vô tình đẩy người vợ sắp cưới của mình đến chỗ phải lừa dối. Minh đã hoảng sợ khi nghĩ mình bị bỏ rơi nên đã làm tất cả những gì có thể, bằng suy nghĩ lẫn hành động, để mình đừng bị bỏ rơi. Đó là một dạng ghen mang tính chất bệnh lý.

Cũng theo ý kiến của bác sĩ Ahlam Fennou, những đối tượng như trên không thể “bình phục” hoàn toàn vì họ đã từng phải chịu một vết thương tâm lý nặng nề nào đó từ thời thơ ấu. Vết thương này đã hằn sâu vào ký ức và lớn dần theo thời gian, tạo thành một nỗi ám ảnh dai dẳng: ám ảnh sợ bị bỏ rơi.

Chính nỗi lòng đó được lưu giữ trong tiềm thức của đối tượng và sẽ bùng lên thành những cơn ghen. Tuy nhiên, chúng ta có thể chữa lành vết thương bằng cách luyện tập.

Trước tiên, bạn phải học cách “chỉ ra đích danh” cơn ghen của mình. Phải biết chấp nhận nó. Sau đó mới đến giai đoạn bạn lập luận rằng “người của bạn” không phải là nguyên nhân gây ra “hiện tượng” mà chính bạn là tác giả đã làm bùng phát những cơn ghen đó. Một khi ý thức được như vậy, bạn sẽ an tâm hơn.

(Theo Cẩm Nang Tiêu Dùng)

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]