Thuốc cũ - Tác dụng mới

Chi phí để có một thuốc phát minh mới tăng không ngừng, từ 200 triệu USD năm 1990, lên 600 triệu USD năm 1996 và xấp xỉ 1 tỷ USD sau năm 2000.

15.6168

Chi phí để có một thuốc phát minh mới tăng không ngừng, từ  200 triệu USD năm 1990, lên 600 triệu USD năm 1996 và xấp xỉ 1 tỷ USD sau năm 2000. Vì vậy, trên thế giới đã hình thành trường phái “tìm thêm công dụng mới từ thuốc cũ” để giảm giá thành cho sản phẩm. Hướng đi này cũng khám phá ra nhiều điều độc đáo, có khi phát minh ra nhóm thuốc mới mà chi phí lại thấp. Dưới đây là một số ví dụ.

Từ việc dùng thuốc trầm cảm... chống nấm

Theo Trung tâm Kiểm dịch Mỹ (2009), trung bình mỗi năm, nấm Cryptococcus neoforma gây ra viêm màng não có nguy cơ chết người cho khoảng nửa triệu người trên thế giới. Vấn đề sẽ trở nên khó khi nghiên cứu thuốc chữa bệnh này vì các kháng nấm phổ rộng mạnh (ketoconazol, itraconazol, fluconazol, amphotericinB) đều không qua được hàng rào máu - não. Trước thách đố này, các nhà khoa học suy nghĩ: “Thuốc chống trầm cảm vốn đi qua hàng rào máu - não; có thể dùng chúng làm vũ khí chống lại Cryptococcus neoforman  không?”. Theo hướng này, các nhà khoa học đã đem thuốc trầm cảm sertralin – một loại thuốc cũ đã có mặt rộng rãi ở thị trường ra thử nghiệm. Nghiên cứu bước vào giai  đoạn cuối (6/2012) là xác định rõ liều lượng cần dùng để sertralin tạo được nồng độ đủ sức tiêu diệt hoàn toàn Cryptococcus neoforman.  Sertralin đang dùng rộng rãi, dưới tên zoloft, bởi vậy, việc xin cấp phép đưa thêm công dụng trị viêm màng não do Cryptococcus neoformans vào nhãn sẽ không gặp trở ngại nào đáng kể.

 Nghiên cứu tìm thêm công dụng mới từ thuốc cũ góp phần giảm chi phí.
... đến việc tạo ra nhóm thuốc trị tiểu đường typ 2

Các thuốc tiểu đường typ 2 có cơ chế như nhau là tăng sự dung nạp đường vào các cơ quan tổ chức nhằm giảm lượng đường trong máu bằng cách kích thích tuyến tụy sản xuất insulin hoặc tăng hiệu năng insulin. Một câu hỏi đặt ra: Vậy sao không làm tăng bài tiết glucose qua đường tiết niệu để giảm lượng đường trong máu?

Từ năm 1886, người ta đã biết chất phlorizin chiết từ vỏ cây táo có tính ức chế tái hấp thu glucose ở ống thận và ruột non. Dùng chúng làm tiền chất chế ra hai thuốc tiểu đường typ 2 theo cơ chế mới là dapagliflozin segliflozin, gọi chung là nhóm gliflozin.

 Gliflozinc có thể gây hạ đường huyết, gây rối loạn chức năng thận tăng nhiễm trùng niệu tương tự như các thuốc điều trị tiểu đường typ 2 cũ. Không đáng ngại vì có thể điều chỉnh liều, cách  dùng để hạn chế tác dụng phụ này (như  từng điều chỉnh liều và cách dùng thuốc lợi tiểu trong suy tim sung huyết). Hiện thuốc đang được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cho phép  thử lâm sàng, hy vọng không lâu nữa gliflozin sẽ có mặt trên thị trường...

... và sự trở lại  khá bất ngờ của thalidomid

Thalidomid từng gây ra khoảng 8.000 - 12.000 trường hợp quái thai và  bị rút khỏi thị trường.

Năm 1965, BS. Jacob Sheiskin ( Israel) thử dùng thalidomid điều trị cho một bệnh nhân phong thể u ban đỏ (ENL). Kết quả là người bệnh ngủ được và lành cả những tổn thương trên da. Các nghiên cứu sau đó đã xác nhận kết quả này. Năm 1998, FDA cho phép dùng thalidomid điều trị ENL thể vừa và nặng nhằm dự phòng tái phát bệnh. Quyết định này mở ra một thời kỳ nghiên cứu dùng lại thalidomid. Đến nay, tổng kết cho thấy nó có hiệu quả trên một số bệnh như: bệnh về da (ENL thể vừa và nặng, ngứa sẩn cục, mủ da hoại thư, liken phẳng, loét da áp tơ, ban đỏ đa dạng, bệnh Leishamnia, chứng ngứa quang hóa, bệnh sarcoid da, một số u rắn...); một số bệnh ung thư (loạn sản tủy, bệnh bạch cầu cấp tính thể tủy, carcinom tế bào thận, carcinom gan, ung thư tuyến tiền liệt, đại trực tràng, buồng trứng); gần đây, thalidomid còn được nghiên cứu để điều trị viêm khớp dạng thấp, suy tim sung huyết, lao. 

... cũng như sự trường tồn của nhóm sulfamid

Dựa vào cơ chế kháng khuẩn không đặc hiệu và thay các nhóm thế vào khung PAS thập niên 30-40 đã tạo ra vô vàn sufamid (SFM). Nhưng ngay sau đó nhóm kháng sinh betalactam và một số nhóm kháng sinh khác ra đời với tính kháng khuẩn đặc hiệu hơn, mạnh hơn làm cho SFM bị lu mờ. Phải đến năm 1953, các nhà nghiên cứu mới tìm ra acetazolamid, chúng có tính ức chế enzym carbonic-anhydrase, dùng điều trị tăng nhãn áp, tăng áp lực sọ. Sự ức chế carbonic - anhydrase cũng là cơ chế gây lợi niệu của SFM. Mặc dù trước sự kiện này, thuốc lợi niệu phổ biến nhất là hợp chất thủy ngân. Nhưng do thủy ngân độc nên phải nhường chỗ cho SFM lợi niệu. Đây là lần “hồi xuân” thứ nhất.

Người tăng huyết áp (THA) do sự hoạt động mạnh của hệ thống renin-angiotensin adrenal nên có khi cortisol tăng, kéo theo tăng thể tích ngoại bào, làm cho huyết áp (HA) tăng vọt. SFM lợi niệu làm giảm thể tích ngoại bào, thể tích huyết tương, dẫn tới giảm cấp thời cung lượng tim. Ngày nay, nhiều loại SFM còn dùng trong tiểu đường typ2, SFM lợi niệu (như thiazid) còn là thuốc đầu tay làm giảm triệu chứng phù trong suy tim, nhất là suy tim sung huyết. Đây là lần “hồi xuân” thứ hai.

DSCKII. Bùi Văn Uy

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]