Thuốc điều trị bảo tồn suy thận mạn tính

Thận là cơ quan chính của hệ tiết niệu. Người bình thường có hai quả thận, mỗi quả thận có khoảng 1 triệu nephron. Những nephron này nguyên vẹn về giải phẫu và chức năng sinh lý.

0

 Bệnh nhân bị dị ứng thuốc dễ dẫn tới suy thận. Ảnh: TM
Chức năng ngoại tiết của thận bao gồm đào thải các chất cặn bã (urê, creatinin, acid uric, các sản phẩm trung gian khác) của quá trình dị hóa protein; đào thải các chất độc từ ngoài vào (gardenal, phenobarbital...). Chức năng cân bằng nội môi bao gồm cân bằng nước - điện giải (natri, kali...) và cân bằng toan - kiềm. Chức năng nội tiết bao gồm sản xuất renin góp phần điều chỉnh huyết áp thông qua hệ renin-angiotensin-aldosteron, sản xuất erythropoietin góp phần cấu tạo hồng cầu; chuyển hóa vitamin D góp phần cân bằng calci-phospho.

Khi bị suy thận mạn, các chức năng trên bị giảm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Dựa vào mức độ suy thận để áp dụng phương pháp điều trị bảo tồn hoặc phương pháp điều trị thay thế.

Chỉ định điều trị bảo tồn ở giai đoạn nào của suy thận mạn?

Suy thận mạn là một hội chứng chức năng thận bị giảm dần, từ từ không hồi phục và ngày càng nặng. Các bệnh thận mạn tính sẽ diễn biến tới suy thận mạn qua nhiều giai đoạn được đánh giá bằng các xét nghiệm urê huyết, creatinin huyết và nhất là ước tính mức lọc cầu thận dựa vào nồng độ creatinin huyết nội sinh.

Các nhà thận học thế giới phân chia bệnh thận mạn tính có 5 giai đoạn theo các tiêu chí sau: (xem bảng)

Như vậy điều trị bảo tồn ở giai đoạn II, III, IV của suy thận mạn.

Có các biện pháp nào trong điều trị bảo tồn suy thận mạn?

Đó là các biện pháp điều trị triệu chứng, tổng hợp, bổ sung lẫn nhau bao gồm:

Thuốc lợi tiểu: Thông dụng và hiệu quả là nhóm furosemid với các biệt dược lasix, lasilix, bao gồm viên 40mg và ống 20mg. Nhóm lợi tiểu thẩm thấu, nhóm thiazid và nhóm lợi tiểu ống lượn xa giữ kali ít dùng.

Chế độ ăn uống: Hạn chế protein từ 0,6g-0,8g cân nặng/ngày và có tổng năng lượng 30-35Kcal/kg cân nặng/ngày. Chế độ ăn này thường được gọi là chế độ ăn protein thấp (low protein diet) được áp dụng rộng rãi trên thế giới từ hơn nửa thế kỷ nay. Tuy ít protein nhưng là protein quý, có giá trị sinh học cao gồm: trứng, sữa, cá, thịt nạc, tôm... Không nên ăn nhiều đạm thực vật như đậu, đỗ. Hạn chế các thức ăn có phosphat như gan, bầu dục, trứng. Tăng thức ăn nhiều calci như tôm, cá, sụn. Hạn chế muối ở mức 2-4g/ngày. Ăn đủ vitamin yếu tố vi lượng, chống thiếu máu. Rau nên dùng loại ít đạm, ít chua như cải các loại, dưa chuột, bầu bí, su hào. Không ăn nhiều rau dền, rau muống, rau ngót vì có nhiều đạm. Nên dùng loại quả ngọt, ít chua như nhãn, na, đu đủ chín, chuối chín, mít chín, quýt ngọt, mía. Nước uống vừa đủ, ngang lượng nước tiểu bài xuất, ít hơn nếu có phù, nhiều hơn nếu mất nước.

Tốt nhất là có ý kiến tư vấn của nhà tiết chế học để chế độ ăn uống đúng, đủ và phòng suy dinh dưỡng.

Chế độ sinh hoạt, lao động thích hợp, không quá sức.

Chống tăng huyết áp: Tùy theo độ tăng huyết áp để lực chọn đơn trị liệu hay đa trị liệu với các thuốc:

Ức chế men chuyển: captopril, quinapril, enalapril, perindopril...

Chẹn thụ thể AT1: losartan, valsartan, irbesartan, telhnisartan...

Chẹn calci: nifedipin, amlodipin, felodipin, lacidipin...

Chẹn bêta giao cảm: propranolol, atenolol, metoprolol...

Phòng chống rối loạn cân bằng calci-phospho với:

Cung cấp đủ calci và vitamin D: calci-D, calcitriol, calcinol....

Hạn chế phospho.

Không dùng thuốc có gel aluminium.

Phát hiện cường cận giáp thứ phát với định kỳ xét nghiệm calci, phospho huyết, men PTH.

Phòng và chống rối loạn toan kiềm với thuốc natri bicarbonat.

Chống tăng acid uric huyết với allopurinol hoặc colchicin.

Chống thiếu máu với mục tiêu đạt hemoglobin 110g/l bằng các thuốc:

Epo alpha (epogen, epokin), Epo beta (neorecorrmon);

Darbe poientin (aranesp);

Sắt uống hoặc truyền dịch tĩnh mạch.

Phòng chống rối loạn cân bằng nước và điện giải bằng chế độ ăn uống hợp lý về muối, nước, đặc biệt phòng kali huyết tăng khi dùng thuốc ức chế men chuyển và chẹn thụ thể AT1 trong điều trị tăng huyết áp.

Chống ôxy hóa, lão hóa với omega 3, vitamin E, belaf.

Người nhà và bệnh nhân cần được tư vấn và nắm vững các biện pháp điều trị bảo tồn suy thận mạn nói trên để phối hợp với chuyên môn thực hiện tốt và hiệu quả trong mục tiêu: nâng cao chất lượng sống cho người bệnh, diễn biến chậm dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối cần điều trị thay thế.
 

Giai đoạn I

Giai đoạn II

Giai đoạn III

Giai đoạn IV

Giai đoạn V

Mức lọc cầu thận ml/phút/1,73m2

> 90

60 - 89

30 - 59

15 - 29

<>

Đánh giá

Chức năng thận bình thường

Suy thận nhẹ

Suy thận vừa

Suy thận nặng

Suy thận giai đoạn cuối

Biểu hiện

Không có hoặc tăng nhẹ huyết áp

Tăng HA
Bắt đầu rối loạn calci-phospho
Các triệu chứng nặng lên
Thiếu máu
Rối loạn cân bằng toan-kiềm

Các triệu chứng nặng lên
Co rút
RL cân bằng nước- điện giải

Hội chứng tăng urê huyết

Xử trí

Td hàng năm

Td 6 tháng/lần. Điều trị bảo tồn

Td 3 tháng/lần
Điều trị bảo tồn
Td 3 tháng/lần
Điều trị bảo tồn
Điều trị thay thế

Điều trị thay thế: Lọc ngoài thận hay ghép thận

 

PGS. BS. Trần Văn Chất
(Khoa Thận tiết niệu - Bệnh viện Bạch Mai)

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]