Thuốc điều trị ung thư từ cây bông vải

Từ cây bông vải được trồng phổ biến tại nhiều địa phương ở Việt Nam, các nhà khoa học đã tìm ra và chiết tách thành công hoạt chất điều trị ung thư.

15.5911
Nguyên liệu làm thuốc chữa ung thư

TS Đoàn Duy Tiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, theo nghiên cứu, trong hạt bông, gossypol là hợp chất chiếm 90% lượng sắc tố tại các tuyến, chiếm 39 - 50% tổng khối lượng của tuyến, 0,4 - 1,7% khối lượng của nhân hạt. Ngoài ra, gossypol còn có trong vỏ rễ, lá, vỏ hạt, hoa của cây bông vải. Gossypol đã được biết đến với tác dụng chống oxy hóa, tránh thai nam, chống ký sinh trùng, chống HIV, là hoạt tính kháng các tế bào ung thư invitro, bằng phương pháp thử nghiệm cũng như trên nghiên cứu lâm sàng.

Việt Nam hiện có 5 loài bông với diện tích trồng khoảng 8.500ha, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng tới 76.000ha. Mỗi ha có thể cung cấp khoảng một tấn hạt bông. Lượng hạt bông nguyên liệu rất dồi dào trong khi nhu cầu dùng làm nguyên liệu chiết xuất gossypol chỉ khoảng vài tấn mỗi năm. Đặc biệt, hạt bông sau khi ép lấy dầu có thể dùng bã hạt bông làm nguyên liệu để chiết xuất gossypol.

Theo TS Đoàn Duy Tiên, nghiên cứu chiết xuất tác dụng của gossypol từ bông vải đã được nói đến, tuy nhiên điều kiện để thực hiện các thí nghiệm khó khăn, quy trình chiết xuất đòi hỏi dụng rất nhiều dung môi, hiệu suất thấp hoặc tốn nhiều thời gian và phải sử dụng dụng cụ chiết, đặc biệt không có khả năng áp dụng ở quy mô lớn. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu bông lại rất phong phú. Bông được trồng ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Việc tận dụng nguồn dược liệu này vẫn chưa được chú ý.

Các nhà khoa học Đại học Khoa học Tự nhiên đã chiết tách thành công hoạt chất này. Kết quả nghiên cứu dự báo sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn bởi nguyên liệu hạt bông ở Việt Nam rất nhiều, dồi dào, giá thành thấp, trong khi đó giá nguyên liệu gossypol chiết xuất trên thế giới là 7.000USD/kg. Việt Nam có thể hoàn toàn tự chủ về nguồn nguyên liệu này trong việc bào chế thuốc điều trị ung thư.
Cây bông được trồng phổ biến trên nhiều địa phương tại nước ta


Giá rẻ

TS Đoàn Duy Tiên cho hay, nhóm tác giả đã nghiên cứu quy trình chiết gossypol từ hạt bông, quy mô 300 - 500g/mẻ; nghiên cứu quy trình tách và tinh chế gossypol axit acetic từ hỗn hợp gossypol ở quy mô phòng thí nghiệm, quy mô 10g/mẻ; xác định cấu trúc hóa học các sản phẩm trung gian và (-)-gossypol axit acetic và độ tinh khiết của axit acetic; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho (-)-gossypol axit acetic độ tinh khiết > 95%, độ tinh khiết quang học > 95% để có cơ sở đưa (-)-gossypol axit acetic vào thử nghiệm và trên lâm sàng ở giai đoạn sau; điều chế 50g (-)-gossypol axit acetic theo quy trình xây dựng được ở quy mô 10g/mẻ và kiểm nghiệm; thử tác dụng chống ung thư của (-)-gossypol axit acetic trên in vitro; nghiên cứu độc tính cấp và độc tính bán trường diễn của (-)-gossypol axit acetic.

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra quy trình chiết xuất gossypol với hiệu suất cao hơn, thời gian ngắn và tốn ít dung môi hơn so với các công trình đã công bố ở Việt Nam. Quy trình có thao tác đơn giản, dễ áp dụng. Gossypol là hóa chất nghiên cứu cho nhiều lĩnh vực khác nhau.

Vì thế, sản phẩm của đề tài có tiềm năng lớn trong tương lai và sẽ trở thành hoạt chất chữa trị ung thư theo cơ chế tác dụng đến đích. Nhóm tác giả sẵn sàng liên kết sản xuất, chuyển giao sản phẩm, quy trình công nghệ cho các viện dược liệu, công ty dược để sản xuất hoặc tiếp tục nghiên cứu bào chế tiến tới đề tài nghiên cứu và phát triển thuốc chống ung thư ở giai đoạn sau.

Theo các chuyên gia, với việc chủ động nguồn nguyên liệu này, thuốc điều trị ung thư sẽ có giá rẻ hơn nhiều so với các loại thuốc đang sử dụng, đồng thời mở ra một hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực y sinh ở Việt Nam.

"Việc tự sản xuất trong nước một sản phẩm thuốc chống ung thư sẽ mở ra một lĩnh vực nghiên cứu mới trong công nghệ y dược, làm chủ được kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu suất sử dụng của ngành công nghiệp trồng bông vải".

TS Đoàn Duy Tiên

AloBacsi.vn
Theo Bảo Khánh - Kiến thức
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]