Thuốc giả, thuốc kém chất lượng người bệnh tự chịu?

Thời gian gần đây, thỉnh thoảng người dân lại "giật mình" biết tin loại thuốc nào đó bị đình chỉ lưu hành, thu hồi vì kém chất lượng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh.

15.5981
Thế nhưng, nghe rồi quên ngay bởi tên thuốc tân dược toàn bằng tiếng nước ngoài, chưa kể nhiều loại thuốc chỉ bị thu hồi một lô hàng theo ngày sản xuất nào đó chứ không phải đình chỉ lưu hành với toàn bộ loại thuốc đó, nên đa số người tiêu dùng không thể nhớ thuốc mình định mua hay đã mua có bị thu hồi hay không. Và cũng chẳng mấy ai khi đi mua thuốc lại "biết" hỏi xem "hình như loại thuốc này đã từng bị thu hồi", mà vẫn mua theo đơn, hoặc theo "thói quen". Thế nên, việc người bệnh dùng phải thuốc không đảm bảo chất lượng, đã có lệnh thu hồi là chuyện rất "bình thường".

Các loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng rất đa dạng, gồm cả thuốc nội lẫn thuốc nhập khẩu, từ loại thuốc phổ biến thông thường như kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, cảm cúm, vitamine… đến các loại đặc trị như ung thư, tim mạch. Thuốc kém chất lượng cũng nhiều kiểu như không đúng thành phần đăng ký, hoạt chất rất thấp, không đúng với hàm lượng thuốc thật, cạo sửa hạn sử dụng, thuốc không có số đăng ký, giả mạo tên hoặc kiểu dáng công nghiệp...

Theo quy định, sau khi kiểm nghiệm và phát hiện thuốc kém chất lượng, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế hoặc Sở Y tế các địa phương sẽ gửi công văn tới doanh nghiệp, BV và nhà thuốc yêu cầu thu hồi. Mặt khác, nhiều loại thuốc khi có lệnh thu hồi đã được bán hết, thậm chí là người bệnh cũng đã uống hết. Nguyên do, từ khi phát hiện, kiểm nghiệm cho đến lúc ra quyết định thu hồi thuốc kém chất lượng và thời gian hoàn tất việc thu hồi thường kéo dài, có khi đến cả tháng trời, đủ thời gian cho thuốc rởm tiêu thụ. Đấy là ra được quyết định thu hồi, còn với hơn 40.000 nhà thuốc trên cả nước và hơn 20.000 số đăng ký thuốc đang lưu hành, việc giám sát thu hồi được bao nhiêu lại là chuyện khác.

Một chủ nhà thuốc trên phố Quán Sứ cho biết, hầu như tháng nào cũng nhận được thông tin thuốc thu hồi và đề nghị thu hồi của Sở Y tế, Cục quản lý Dược, nhà sản xuất hoặc nhà phân phối thuốc. Trong hàng trăm loại thuốc được nhập bán, họ cũng không thể biết được thông tin bị thu hồi nếu không có thông báo từ cơ quan chức năng và nhân viên các hãng phân phối đến thu hồi.
 
Theo chủ nhà thuốc này, thường khi nhận thông báo thì thuốc đã bán và chưa từng có người nào mua thuốc rồi nghe tin bị thu hồi, đình chỉ lưu hành mà mang trả lại. Như trường hợp của chị Thương, thấy thông báo thu hồi các thuốc chứa hoạt chất Buflomedil mới đây, chị mới "tò mò" tìm hiểu về loại thuốc đau xương khớp mẹ mình hay uống thì mới hay Diclofenac đã từng bị thu hồi cách đây mấy tháng mà không biết. Vẫn còn 1 vỉ chưa dùng đến, chị vội bỏ đi.
 
Tìm hiểu thêm, chị còn tá hỏa khi biết thuốc trị đau dạ dày Omepro bố chị thường dùng và cả loại kháng sinh dùng điều trị viêm họng R-tist mà chị cho con uống hai tháng trước cũng từng bị thu hồi. Tuy nhiên, uống rồi nên chẳng thể biết lọ thuốc đã uống có đúng là loại kém chất lượng hay không?

Thực tế cho thấy, việc thu hồi thuốc nhiều khi rất "hình thức" vì bán đã gần hết, nhà thuốc, nhà sản xuất, nhà phân phối biết người mua ở đâu mà thu hồi lại, còn người tiêu dùng thì không phải ai cũng biết thông tin? Chưa kể, những nhà thuốc nào "nghiêm chỉnh" dừng bán và trả lại lượng hàng đã nhập, còn nếu họ "nhập nhằng" bán tiếp thì cũng không "dễ" bị phát hiện vì việc thanh kiểm tra chỉ "có hạn".
 
Đấy là về phía các nhà thuốc, còn DN sản xuất hoặc Cty phân phối có thuốc không đạt chất lượng thì chẳng dại gì thu hồi ngay cho "thiệt", nếu không bị Cục Quản lý Dược hoặc Sở Y tế ép thời gian thực hiện thu hồi. Thậm chí, nhiều DN còn muốn kéo dài thời gian để tiêu thụ thêm các loại thuốc này để giảm chi phí thu hồi và tiêu hủy.

Ngoài bất cập nói trên, điều khó hiểu là trong số hàng nghì loại thuốc khi bị phát hiện kém chất lượng và phải xử lý thu hồi thì phần lớn trước đó đều đã được Cục Quản lý Dược hay Sở Y tế các tỉnh, thành cấp số đăng ký và cho phép lưu hành. Chứng tỏ, khi doanh nghiệp đưa sản phẩm tới làm thủ tục đăng ký chất lượng lưu hành, các cơ quan chức năng đã không thẩm tra, tìm hiểu kỹ chất lượng của thuốc, nên mới cho phép lưu hành, dẫn đến "lọt" thuốc rởm ra thị trường!

Ai cũng biết, khi dùng phải thuốc rởm sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho người bệnh. Nếu là bệnh nhẹ thì chậm khỏi, nhưng với những người mắc bệnh nguy hiểm, cứ đinh ninh đã dùng thuốc rồi mà không biết là thuốc rởm, lâu ngày sẽ khiến tình trạng bệnh nặng thêm, thậm chí là "chết oan". Bên cạnh đó, khi thuốc không đảm bảo các hoạt chất như đăng ký, hoặc thuốc kém chất lượng còn gây dị ứng, nhiễm độc, kháng thuốc và có thể gây ra tình trạng vô hiệu các giải pháp điều trị để cứu sống người bệnh.

Đáng quan tâm hơn là hiện nay, khi người bệnh dùng phải thuốc kém chất lượng, gây tác hại cho sức khỏe thì không ai chịu trách nhiệm, cả nhà sản xuất và phân phối bán sản phẩm! Nếu bị phát hiện thuốc kém chất lượng, các DN sản xuất, nhập khẩu sẽ phải đi thu hồi, và có thể bị xử phạt hành chính, nhưng chưa từng có DN nào lên tiếng nhận trách nhiệm sẽ bồi thường cho người bệnh bị ảnh hưởng sức khỏe do dùng thuốc của họ? Phải chăng, đây chính là "lỗ hổng" lớn trong việc quản lý khiến tình trạng thuốc kém chất lượng, thuốc giả gia tăng liên tục trong những năm gần đây? Trong khi đó, dưới góc độ pháp lý, người tiêu dùng hoàn toàn có thể khiếu nại, khởi kiện để đòi quyền lợi.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, khi việc mua bán không có hóa đơn, chứng từ thì việc chứng minh dùng phải thuốc rởm gây ảnh hưởng đến sức khỏe không dễ. Bởi vậy, theo các bác sĩ, để hạn chế mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, khi mua thuốc, người dân nên chọn những nhà thuốc trong BV, hoặc nhà thuốc lớn, có uy tín. Đồng thời, xem kỹ thời hạn sử dụng, xem vỉ thuốc có bị dính, bị bạc màu không, chai thuốc nước có bị đóng cặn, bị váng mốc không và đặc biệt, cập nhật thông tin để biết những loại thuốc đã từng bị làm giả, kém chất lượng, đã bị thu hồi.

AloBacsi.vn
Theo Phương Thảo - Pháp luật & Xã hội
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]