Thuốc giả, thuốc nhái “quây” người bệnh

Ngày “Quyền của người tiêu dùng thế giới” 15/3 năm nay tập trung chống lại các hành vi phi đạo đức trong việc cho thuốc chữa bệnh. Hiện nay, người bệnh đang bị sa chân vào mê hồn trận của thuốc tây, bị bủa vây bởi thuốc giả, thuốc nhái và thuốc cao giá.

15.5985

Phải mua thuốc bằng mọi giá

 

Sáng 12/3, khảo sát các hiệu thuốc tại trung tâm TPHCM: Hai Bà Trưng - quận 3, đường Trần Hưng Đạo - quận 5 và Nguyễn Trãi - quận 1, chúng tôi nhận thấy các bảng giá niêm yết giá thuốc đều viết bằng chữ rất nhỏ và treo ở góc khó thấy.

 

Hình như các hiệu thuốc đều treo bảng giá lấy lệ, cho đúng quy định của Bộ Y tế. Trên thực tế, người mua ít khi biết được mình có mua thuốc đúng giá hay không. Và đi mua thuốc cũng chẳng mấy ai mặc cả.

 

Một ví dụ về sự chênh lệch, Lipitor (Pfizer) giá từ 14.000 - 15.500 đồng/viên (trong vỉ 10 viên). Loại thuốc có tác dụng tương tự điều trị bệnh tim mạch, nhưng do Ấn Độ sản xuất với nhiều tên biệt dược khác nhau như Artova, Atorvastatin hoặc Atocon giá chỉ 1.300 - 5.800 đồng/viên.

 

Dược sĩ Lệ Thu - khoa Dược BV Nguyễn Tri Phương - cảnh báo: “Thuốc còn hạn sử dụng vài tháng thường được các hãng bán với giá rẻ mạt, gần như cho không. Thuốc dù được bán với giá nào cũng vẫn lời. Đó là chưa nói đến việc cùng chữa một loại bệnh, thuốc của Ấn Độ, Thái Lan chỉ bằng 1/10 so với thuốc của Pháp, Mỹ...”.

 

bác sĩ đã lợi dụng kê thêm một số thuốc vô thưởng vô phạt, nhằm tiêu thụ thuốc còn tồn đọng, thậm chí là những loại vitamin cận “đát” hoặc quá “đát”.

 

“Bác sĩ phòng mạch tư kê thuốc vì tỉ lệ hoa hồng cao” - đó là nhận định của bác sĩ Nguyễn Đức An - Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM. Theo ông An, điều đáng lo ngại hiện nay là ngoài việc một số lượng thuốc giả được bán trôi nổi trên thị trường ngày càng nhiều, bác sĩ làm phòng mạch tư thường không kê toa thuốc chính hãng mà kê toa thuốc theo tỉ lệ có hoa hồng cao.

 

Ngộ độc thuốc, biết đằng nào mà hỏi?

 

Chị T.N.T (28 tuổi, ngụ tại Thốt Nốt, Cần Thơ) đã nhập Bệnh viện Chợ Rẫy, toàn thân bị bong tróc da, kể cả da đầu. Chị T cho biết, khi đang có thai 8 tuần, chị bị cảm sốt nên đến phòng mạch của một bác sĩ sản. Tại đây, chị được tiêm thuốc và uống một số thuốc không rõ tên trong vòng 3 ngày.

 

Chỉ mới qua ngày thứ hai, chị T đã bị tê, ngứa và nổi mẩn đỏ quanh môi. Chị được chuyển đi cấp cứu, rồi sẩy thai sau đó vài ngày. Sau gần 2 tuần điều trị, khi xuất viện, gia đình chị T cũng có ý định kiện bác sĩ nhưng lại không có chứng cớ.

 

Một chuyên viên của Văn phòng Hội Bảo vệ người tiêu dùng phía Nam cho rằng chuyện bệnh nhân bị ngộ độc thuốc nhưng không có chứng cứ để kiện vẫn thường xuyên xảy ra. Thời gian gần đây, hội còn nhận được rất nhiều khiếu nại của người tiêu dùng bị lừa do tin tưởng vào các loại thuốc được quảng cáo là thực phẩm chức năng, thuốc bổ dưỡng được bán một cách tràn lan tại các hiệu thuốc.

 

Năm 2006: “Năm thuốc giả”

 

Năm 2006 được nhiều cơ quan quản lý dược cảnh báo là “năm thuốc giả”. Thuốc giả không chỉ còn trôi nổi trên thị trường tự do mà đã vượt qua nhiều “hàng rào” kiểm soát để vào các bệnh viện.

 

Ngày 12/12, Đội quản lý thị trường 4A - thuộc Chi cục Quản lý thị trường và Thanh tra Sở Y tế TPHCM kiểm tra 3 nhà thuốc: Mỹ Châu 2, 3 và 4, phát hiện 45 thùng chứa hàng trăm chủng loại tân dược tương đương khoảng 200kg thuốc các loại không có hoá đơn chứng từ và số đăng ký.

 

Công ty dược phẩm Sanofi có hai tên thuốc Theralene (thuốc giảm ho) và Direxiode (thuốc trị tiêu chảy) đã bị làm giả đến lần thứ ba. Tổng cộng, số thuốc nhập lậu và thuốc giả bị tịch thu và tiêu huỷ trong năm 2006 là 70.000 viên, 6.700 vỉ, 21.000 ống và 94 thùng thuốc.

 

Bị làm giả nhiều nhất là kháng sinh, thuốc điều trị ung thư, rối loạn cương, sốt rét, tim mạch... là những loại thuốc đắt tiền có nhãn hiệu nổi tiếng.

 

Hôm nay (13/3), Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hoá có hiệu lực. Nghị định quy định rất rõ về vấn đề cảnh báo an toàn vệ sinh sức khoẻ. Với thuốc, ngoài các thông tin về thành phần, công dụng, hạn sử dụng... cần phải ghi rõ tác dụng phụ để hướng dẫn người tiêu dùng.

 

Trong 2 tháng cuối năm 2006, Cục Quản lý dược VN gửi 2 văn bản tới các sở y tế tỉnh/thành yêu cầu tăng cường phòng, chống thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc.

Theo các văn bản này, mua bán thuốc không có hoá đơn chứng từ, thuốc trôi nổi, thuốc nhập lậu và thuốc giả chưa có yếu tố hình sự, đề nghị sở y tế xử phạt hành chính, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề từ 6 - 12 tháng hoặc tước quyền sử dụng không thời hạn các đơn vị, cá nhân vi phạm.  Nhưng cho đến nay, chưa một cá nhân, tổ chức nào sản xuất, kinh doanh buôn bán thuốc giả bị đưa ra xử lý công khai như vậy.  

 

Theo Linh Lan - Quang Duy

Lao Động

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]