Thuốc hay từ cây lưỡi rắn

Con rắn là một dược liệu quý từ lâu đời đã được sử dụng làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Trên thực tế, có những loại cây mang tên con vật này cũng có tác dụng phòng chữa nhiều bệnh. Nhân năm Quý Tỵ sắp đến, xin giới thiệu đến bạn đọc về cách dùng cây lưỡi rắn - xà thiệt làm thuốc.

15.621

Con rắn là một dược liệu quý từ lâu đời đã được sử dụng làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Trên thực tế, có những loại cây mang tên con vật này cũng có tác dụng phòng chữa nhiều bệnh. Nhân năm Quý Tỵ sắp đến, xin giới thiệu đến bạn đọc về cách dùng cây lưỡi rắn - xà thiệt làm thuốc.

Cây lưỡi rắn còn có tên khác là nọc sởi, xương cá, vương thái tô, đơn đòng, xà thiệt thảo, mai hồng.  Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây, thu hái vào mùa hè thu khi có hoa. Dùng tươi hoặc khô. Cây lưỡi rắn chứa chất corymbosin, scandosid, asperulosid, asperglavcid, acid geniposidic và một số chất khác. Theo Đông y, cây lưỡi rắn có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Dùng chữa rắn cắn, sốt rét.

Cây lưỡi rắn (xà thiệt thảo).

Cách dùng xà thiệt thảo làm thuốc:

Chữa rắn cắn: Khi bị rắn cắn lập tức buộc garô phía trên vết cắn để nọc khỏi lan theo hệ tuần hoàn; dùng sợi tóc kéo căng gạt qua gạt lại trên bề mặt vết cắn để làm bật phần ống nọc còn cắn vào da thịt. Hút máu qua giác hút hay ống hút. Lấy 1 nắm cây lưỡi rắn (khoảng 100g) rửa sạch, nhai nuốt lấy nước, bã còn lại đắp lên vết cắn. Sau 5 - 7 phút có thể cởi bỏ garô. Sau 2 - 3 giờ uống lại nước sắc cây lưỡi rắn 1 lần.

Chữa sốt rét: Cây lưỡi rắn 6g, mã tiên thảo (cỏ roi ngựa) 6g, thường sơn 6g. Sắc uống.

Cây lưỡi rắn hoa trắng (bạch hoa xà thiệt thảo).

Cỏ lưỡi rắn hoa trắng

Cỏ lưỡi rắn hoa trắng còn có tên bạch hoa xà thiệt thảo. Tên khoa học: Hedyotis diffusa Willd. Cỏ lưỡi rắn và bạch hoa xà thiệt thảo tương đối giống nhau. Nhưng có điểm khác biệt là bạch hoa xà thiệt thảo ít phân cành hơn. Lá mọc đối, gốc và đầu lá nhọn, dài 1-3,5cm, rộng 1-3mm. Hoa mọc đơn độc hoặc đôi ở kẽ lá, hoa màu trắng, cuống hoa ngắn. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây, thu hái vào mùa hè thu khi có hoa. Dùng tươi hoặc khô. Cây bạch hoa xà thiệt thảo cũng chứa một số chất như trong cây cỏ lưỡi rắn, ngoài ra còn có stigmasterol, B-sitosterol, sitosterol-o-glucose… Theo Đông y, bạch hoa xà thiệt thảo vị ngọt hơi đắng, tính hàn; vào kinh vị, đại tràng và tiểu tràng, được dùng ở nước ta để chữa rắn cắn, chữa sởi, đậu… Ở Trung Quốc, dùng làm thuốc chữa viêm họng, viêm amidan, viêm đường tiết niệu, viêm vùng chậu; chữa phế nhiệt, hen suyễn; hỗ trợ ung thư dạ dày trực tràng, ung thư gan thời kỳ đầu.

Cách dùng bạch hoa xà thiệt thảo làm thuốc:

Lợi mật, bảo vệ gan: Bạch hoa xà thiệt thảo 10g, hạ khô thảo 10g, cam thảo 5g. Sắc uống trong ngày.

Trị rắn cắn: Bạch hoa xà thiệt thảo 20g (tươi 60g). Sắc với 200ml rượu. Gạn nước chia  uống 3 lần. Bã đắp vào vết rắn cắn.

Chữa sỏi mật, viêm ống mật: Bạch hoa xà thiệt thảo 30g, nhân trần 30g, kim tiền thảo 30g. Sắc uống trong ngày.

Chữa viêm thận cấp: Bạch hoa xà thiệt thảo 15g, xa tiền thảo 15g, bạch mao căn 30g, chi tử 9g, tô diệp 6g. Sắc uống.

Trị ho do viêm phổi: Bạch hoa xà thiệt thảo tươi 40g, trần bì 8g. Sắc uống.

Chữa viêm amidan cấp: Bạch hoa xà 12g, xa tiền thảo 12g. Sắc uống.

TS. Nguyễn Đức Quang



0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]