Theo dược học cổ truyền, nhện nâu có độc, có công dụng giải độc tiêu thũng, chỉ thống khứ phong; được dùng để chữa các chứng sa tinh hoàn, trúng phong miệng méo, trẻ em kinh giật, cấm khẩu, lở ngứa, vết thương do rắn rết, ong, bò cạp đốt... Trong kinh nghiệm y học cổ truyền, nhện nâu được giã nát để đắp vào chỗ đau nhằm giảm đau; vặt bỏ đầu, giã nát với một chút đường đỏ rịt vào vị trí tổn thương; nhện nâu và đường đỏ với lượng vừa đủ, giã nát bôi vào tổn thương.

Nếu đái dầm thì ăn nhện nướng thật chín. Nếu bị rết, bò cạp đốt thì dùng nhện nghiền lấy nước bôi. Người bị ong châm, rết cắn có nọc độc thì bắt nhện còn sống để vào chỗ đau cho nó hút hết nọc độc, sau đó cho vào nước lạnh ngâm để nó sống lại. Ngoài ra, ông cha ta còn dùng màng tơ nhện sao vàng, tán bột uống để chữa các loại vết thương chảy máu, đứt tay, thổ huyết và lở độc. Dùng xác nhện giã nát, tán bột xát vào răng để chữa sâu răng, cam răng.

Theo dược học cổ truyền, nhện ôm trứng có công dụng giải độc, chỉ huyết, được dùng để chữa các chứng viêm amiđan, chảy máu cam, trĩ lở chảy máu, nhọt chảy nước vàng, xuất huyết... Khi bị viêm amiđan thì dùng 10 con nhện ôm trứng sấy khô tán bột, thổi vào họng. Nếu trẻ em trướng bụng thì dùng 5 con nhện ôm trứng giã nát rồi đem tráng với trứng gà ăn mỗi ngày 1 lần, chừng 2 đến 3 lần là hiệu nghiệm.

Khi trẻ em cứng hàm không bú được thì dùng 2 con nhện ôm trứng vứt bỏ chân, sao cháy, nghiền nhỏ hòa với sữa uống. Khi bị mụn nhọt thì lấy nhện ôm trứng sống giã nát đắp vào tổn thương; khi bí đái thì dùng nhện ôm trứng với lượng vừa đủ, giã nát với 1 củ hành đắp lên vùng bàng quang. Bị trĩ sưng đau thì dùng 1 con nhện ôm trứng to và 12 g kim ngân hoa, hai thứ bọc đất sét nung chín, lấy ra nghiền nhỏ đắp vào búi trĩ.

Ngoài ra, bao trứng nhện cũng được dùng để làm thuốc. Ví như để chữa nhũ nga (áp-xe vú) thì dùng bao trứng nhện 3 cái sao toàn tính, 3 g bạch phàn, hai thứ tán bột uống; khi có vết thương chảy máu thì dùng bao tổ nhện dán vào; phụ nữ sau khi sinh ít lâu bị ho thì dùng 5-6 bao tổ nhện sắc kỹ lấy nước cốt hớp một chút.

Theo ThS-BS Hoàng Khánh Toàn - Trưởng Khoa Y học dân tộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (NLĐ)


Video đang được xem nhiều