Thuốc nào trị dứt hẳn bệnh “siêu mỏng”?

Tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai; hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo không khắc phục được... là một số nội dung quan trọng - dù không mới - được đưa ra chất vấn chính quyền Thủ đô Hà Nội trong kỳ họp vừa qua của HĐND thành phố này. Tweet

15.5874

Ảnh minh họa.

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, qua quá trình thực hiện kiểm tra, rà soát dự án từ năm 2009-2013, có hơn 800 dự án được rà soát, phân loại. “Ngoài các dự án đã chấp hành pháp luật, trong số 352 dự án có dấu hiệu vi phạm, có 160 trường hợp đã tự đưa đất vào sử dụng, thực hiện nghĩa vụ tài chính. Từ nay đến cuối năm, có 20 trường hợp đã hoàn thành việc thanh, kiểm tra và dự kiến sẽ được thu hồi. Hiện Thành phố đã lập hồ sơ xong 15 dự án với 23ha; hoàn thành thu hồi 1 dự án với diện tích 3 ha”, ông Đông cho biết.

Về nguyên nhân dự án chậm triển khai, đưa vào sử dụng, theo Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội là do khủng hoảng tài chính toàn cầu, thị trường bất động sản trầm lắng trong thời gian dài; năng lực hạn chế của chủ đầu tư...

Quả thực, việc sử dụng đất sao cho có hiệu quả ở thời điểm này không phải là một nhiệm vụ dễ dàng gì. Thậm chí không chỉ khu vực kinh tế, mà ngay cả chính quyền thành phố cũng sẽ phải giải bài toán khó: Thu hồi đất rồi thì để làm gì? Làm sao để “chọn mặt gửi đất”? Trong thời gian chưa chọn được “mặt” đáng tin cậy thì chi phí để trông coi, không để lấn chiếm, sử dụng trái phép, làm nhếch nhác đô thị lấy ở đâu? Đất đã thành dự án - nghĩa là đủ to, đủ “hoành tráng” mà còn khó thế, thì loại đất xen kẹt, những mẩu đầu thừa đuôi thẹo, dù là ở mặt phố đắt giá chạy dọc theo những “con đường nghìn tỷ”, thu hồi xong biết xử lý thế nào?

Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến cho các “nhà siêu mỏng, quán siêu méo” mọc lên như... cỏ ven nhiều con đường mới mở? Theo số liệu mới nhất vừa được vị Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cung cấp, thời gian qua chỉ riêng tuyến đường vành đai I (đoạn Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa, từng được mệnh danh là “con đường đắt nhất hành tinh”) đã phát sinh 58 trường hợp xây dựng cải tạo, sửa chữa trên các diện tích đất xen kẹt không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng.

Sẽ còn nhiều con đường được triển khai, vậy có thể chấm dứt được tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” hay không? Quyết tâm của cơ quan chức năng đã được khẳng định nhiều lần, nhưng mới chỉ là điều kiện cần. Nếu không có cơ chế tài chính và đề án sử dụng lâu dài, bền vững những khoảng đất xen kẹt với dạng hình học đặc biệt này thì mỹ quan đô thị, cũng như sự an toàn cho người dân (vì tiếc đất, tiếc cơ hội kinh doanh... nên dù biết có mối nguy nhưng cứ cố sử dụng) vẫn còn là chuyện bất khả thi.

Theo báo Hải quan

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]