Thuốc nào trị viêm mũi xoang?

SKĐS - Mục tiêu điều trị viêm mũi dị ứng và viêm xoang là giảm đến mức tối thiểu các triệu chứng và lựa chọn các thuốc vừa hiệu quả vừa ít có tác dụng phụ độc hại. Có nhiều nhóm thuốc trị bệnh lý về mũi xoang và được phân ra 2 loại thuốc uống và thuốc dùng tại chỗ (xông hoặc phun xịt vào mũi) .

15.5976

Nhiều người ban đầu bị rối loạn rất khó chịu gọi là “viêm mũi dị ứng” nhưng bởi vì các xoang mặt đều có lỗ thông với hố mũi ở tại các khe mũi và khi đã bị viêm mũi rất dễ dẫn đến viêm xoang, nên sau một thời gian chính những người đó có thể bị viêm xoang. Viêm xoang lâu ngày nếu không trị dứt trở thành viêm xoang mạn tính rất khó trị, thường xuyên tái phát vì liên quan đến dị ứng và nhiễm khuẩn ở đường hô hấp.

Loại thuốc uống

Nhóm thuốc uống kháng histamin trị dị ứng, như: clorpheniramin, loratidin giúp giảm triệu ngứa mũi, nhảy mũi, sổ mũi, chảy nước mắt nhưng không có tác dụng đối với nghẹt (tắc) mũi.

Nhóm thuốc uống kháng sinh (KS): dùng khi bệnh lý về mũi xoang có liên quan đến nhiễm khuẩn, cần có bác sĩ chỉ định chứ không tự ý hoặc nghe lời khuyên của người không thuộc giới chuyên môn mua tự sử dụng. Riêng viêm xoang mạn tính, nay KS dùng bị đề kháng nhiều nên không dùng KS phổ rộng thông thường như trước đây mà phải dùng KS có khả năng chống lại sự đề kháng, như: không dùng amoxicillin mà phải dùng amoxiclav (amoxicillin+clavulanat), hoặc dùng cephalosporin loại mới (cefpodoxim), macrolid mới (clarithromycin, azithromycin), fluoroquinolon mới (levofloxacin). Thời gian dùng KS phải kéo dài 10 - 14 ngày, thậm chí có thể cả tháng.

Nhóm thuốc uống cường giao cảm gây co mạch: gồm ephedrin, pseudoephedrin, phenylephrin giúp thông mũi, trị nghẹt mũi tốt.

Nhóm thuốc uống glucocorticoid, như: prednison, prednisolon, dexamethason chỉ uống khi bị viêm mũi xoang nặng và mạn tính, và cũng phải được bác sĩ chỉ định, không tự ý sử dụng bừa bãi.

Loại thuốc dùng tại chỗ (nhỏ, xông hoặc phun xịt vào mũi)

Thuốc co mạch nhỏ mũi: chứa dược chất như: naphazolin, oxymetazolin… có tác dụng thông mũi tốt nhưng chỉ nên nhỏ mũi trong thời gian ngắn 7 ngày. Lý do là nếu dùng lâu bị quen thuốc, bị hiệu ứng “dội” phải tăng liều, nếu không tăng liều bị nghẹt mũi nặng hơn, đưa đến vòng luẩn quẩn là bị “viêm mũi do thuốc”. Đối với trẻ nhỏ, không nên dùng thuốc nhỏ mũi loại này vì có thể gây choáng, tím tái, mà nên dùng thuốc nhỏ mũi hoặc phun xịt NaCl 0.9% giúp thông, sạch mũi.

Thuốc glucocorticoid xịt mũi, như: flixonase, nasacort, becotide. Thuốc hiệu quả trong trị viêm mũi dị ứng, dùng lâu dài nhằm phòng ngừa viêm mũi xoang dị ứng. Cả 3 thuốc vừa kể đều là thuộc nhóm glucocorticoid (thường gọi tắt là corticoid) nhưng do xịt mũi cho tác dụng tại chỗ, chỉ gây khó chịu như khô họng, khô miệng, chứ không cho tác dụng phụ toàn thân như thuốc uống. Hiện nay, ở ta thuốc xịt dùng phòng viêm mũi xoang dị ứng thường được chọn là flixonase.

Không nên tự ý dùng lại đơn thuốc cũ sau một đợt điều trị

Viêm xoang liên quan đến dị ứng và nhiễm khuẩn ở đường hô hấp nên rất dễ tái phát sau đợt điều trị. Trên nguyên tắc dùng thuốc, khi tái phát sau một đợt điều trị bằng thuốc người bệnh nên đi tái khám ở bác sĩ đã điều trị mình trước đây. Nên tái khám vì bệnh có thể diễn tiến xấu đi, không thể dùng thuốc cũ và bác sĩ phải cho thuốc theo phác đồ điều trị mới. Trong trường hợp đơn thuốc ghi hai thuốc kể ở trên, vì lý do vừa nêu người bệnh tốt nhất trở lại bệnh viện tái khám. Chỉ trong trường hợp bất đắc dĩ không có điều kiện tái khám, có thể tạm dùng đơn thuốc cũ một lần nữa.

Đối với viêm xoang lâu ngày gọi là viêm xoang mạn tính, ngoài dùng thuốc điều trị, có khi phải dẫn lưu triệt để các dịch nhầy, dịch mủ ra ngoài. Do đó, có khi bác sĩ cho làm thủ thuật rửa xoang (như phương pháp Proetz), có khi phải mổ xoang trong trường hợp vẹo vách ngăn…

PGS.TS. NGUYẾN HỬU ĐỨC

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]