Thuốc quý từ cây sen

Trong thiên nhiên, có lẽ ít có loài thực vật nào như cây sen mà toàn bộ các bộ phận của cây đều được sử dụng làm thuốc chữa bệnh theo y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian. Hải Thượng Lãn Ông đã viết về cây sen như sau: “Cây mọc từ dưới bùn đen mà không ô nhiễm mùi bùn, đượm khí thơm trong lành của trời đất, nên củ, lá, hoa, tua, vỏ quả, ruột đều là thuốc hay”.

0

Trong thiên nhiên, có lẽ ít có loài thực vật nào như cây sen mà toàn bộ các bộ phận của cây đều được sử dụng làm thuốc chữa bệnh theo y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian. Hải Thượng Lãn Ông đã viết về cây sen như sau: “Cây mọc từ dưới bùn đen mà không ô nhiễm mùi bùn, đượm khí thơm trong lành của trời đất, nên củ, lá, hoa, tua, vỏ quả, ruột đều là thuốc hay”.

Hoa sen, lá sen và đài sen.

- Ngó sen: Có tên thuốc là liên ngẫu, vị ngọt, hơi sít, tính mát, không độc, để sống thì hàn, nấu chín thì ôn, có tác dụng cầm máu, điều kinh, bổ huyết, giải độc. Dùng riêng, khi bị chảy máu cam, lấy ngó sen tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống và nhỏ vào lỗ mũi. Ngó sen phơi khô, 6-12g, sắc uống là thuốc giải độc rượu. Dùng phối hợp để chữa các bệnh như sau:

Chữa ho ra máu: Ngó sen 20g, bách hợp hoặc lá trắc bá 20g, cỏ nhọ nồi 10g, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

Chữa băng huyết: Ngó sen sao, tam lăng, nga truật, huyết dụ, bồ hoàng, mỗi vị 8g; bách thảo sương 6g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa tiểu tiện ra máu: Ngó sen 12g, sinh địa 20g, hoạt thạch 16g; tiểu kê, mộc thông, bồ hoàng, đạm trúc diệp, sơn chi tử, mỗi vị 12g; chích cam thảo, đương quy, mỗi vị 6g. Sắc uống trong ngày.

Đốt ngó sen, tên thuốc là ngẫu tiết, cũng được dùng như ngó sen.

- Lá sen: Chỉ dùng lá non (loại lá còn cuộn lại chưa mở càng tốt) và lá bánh tẻ. Dùng tươi hay phơi khô. Trong y học cổ truyền, lá sen được dùng với tên thuốc lá liên diệp hoặc hà diệp, có vị đắng, hơi chát, mùi thơm nhẹ, tính mát bình, không độc, có tác dụng giải nhiệt, cầm máu, an thần, lợi thấp.

Chữa sốt, miệng khô khát: Lá sen non 50-100g, rửa sạch, thái nhỏ, ép lấy nước uống làm nhiều lần trong ngày.

Chữa mất ngủ: Lá sen loại bánh tẻ 20-30g rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, hãm hoặc sắc uống. Có thể chế biến thành cao rồi làm viên.

Chữa băng huyết, chảy máu cam, tiêu chảy ra máu: Lá sen tươi 40g, rau má sao 12g, thái nhỏ, sắc uống làm hai lần trong ngày.

- Hoa sen: Dùng loại hoa mới nở, bứt từng cánh, phơi nắng nhẹ cho khô để bảo đảm mùi thơm và phẩm chất. Dược liệu, tên thuốc là liên hoa, chứa tanin và tinh dầu, có vị ngọt, đắng, tính ấm, có tác dụng an thần, cầm máu, chống viêm, trừ thấp. Dùng riêng, cánh hoa sen phơi khô, 3-5g, hãm với nước sôi hoặc sắc uống chữa nôn ra máu, rong kinh, trĩ ra máu. Dùng phối hợp, cánh hoa sen 100g, rễ bạch chỉ 100g, thái thật nhỏ, phơi khô, trộn đều, quấn như điếu thuốc lá rồi hút, hít và thở qua đường mũi để chữa viêm xoang, ngạt mũi, chảy nhiều nước mũi. Phụ nữ thường làm đẹp nhan sắc, da dẻ mịn màng bằng cánh hoa sen, ngó sen và hạt sen, lượng mỗi thứ bằng nhau, phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, uống mỗi lần 8g, ngày 2-3 lần.

- Tua sen: Lá nhị của hoa sen, thu hoạch khi hoa đã nở, bỏ hạt gạo ở đầu rồi phơi hoặc sấy khô. Tua sen có tên thuốc là liên tu, có vị chát, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng ích thận, cố tinh, thanh tâm, chỉ huyết, chữa di mộng tinh, băng huyết, thổ huyết, mất ngủ, đái són, bạch đới. Ngày dùng 5-10g, sắc uống.

- Quả sen: Thu hoạch khi quả đã chín già với thể chất mập, chắc. Nếu để nguyên vỏ ngoài thì được liên thạch, bóc bỏ vỏ là liên nhục (thường gọi là hạt sen).

Dược liệu có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ, dưỡng tâm, cố tinh, chữa cơ thể suy nhược, kém ăn, mất ngủ, kiết lỵ, di mộng tinh, khí hư. Ngày dùng 12-20g, có thể đến 100g, dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.

- Tâm sen: Là lá mầm màu lục sẫm nằm ở phần trong của quả sen. Dược liệu có vị đắng, tính lạnh, có tác dụng an thần, thanh tâm, điều nhiệt, chữa mất ngủ, tâm phiền, khát nước, thổ huyết. Liều dùng hằng ngày 4-8g dưới dạng thuốc sắc, hãm hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:

Chữa suy nhược cơ thể ở người bị viêm phế quản mạn tính, lao: Tâm sen 10g; đan bì, ý dĩ, sinh địa, bạch thược, đảng sâm, mỗi vị 12g; quy bản, mạch môn, ngũ vị tử, mỗi vị 10g; trần bì, chích cam thảo, mỗi vị 6g; đại táo 4 quả. Sắc uống ngày một thang.

Chữa đái tháo đường: Tâm sen 8g; thạch cao 20g; sa sâm, thiên môn, mạch môn, hoài sơn, bạch biển đậu, ý dĩ, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Gương sen: Lá đế của hoa sen phát triển mang quả. Chỉ dùng gương đã gỡ hết quả già. Dược liệu có tên thuốc là liên phòng, dùng sống hoặc sao cháy tồn tính, có vị đắng, chát, tính ấm, không độc, có tác dụng cầm máu.

Chữa băng huyết: Gương sen và kinh giới tuệ với lượng bằng nhau, đốt tồn tính, tán bột. Mỗi lần uống 8g với nước cơm hay nước cháo (Nam dược thần hiệu). Hoặc gương sen 30g, cau điếc 40g. Hai thứ cắt nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

Chữa rong huyết: Gương sen 20g, sao cháy tồn tính; kinh giới tuệ 20g, sao đen; ngải cứu 12g, sao đen; cỏ nhọ nồi 12, để tươi; rau má 20g, để tươi; bách thảo sương 12. Sắc uống trong ngày.

Chữa đi ngoài ra máu: Gương sen, cỏ seo gà, vỏ cây vải, tinh tre, hồng hoa, mỗi vị 20g; vỏ bưởi (bỏ cùi trắng) 15g; cỏ bấc 8g; mộc thông 8g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với nước, cô còn 50ml, hòa nửa chén mật ong vào, uống lúc đói (Nam dược thần hiệu).

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]