Thuốc trừ sâu trôi nổi có thể là nguyên nhân gây bệnh

Báo SK&ĐS đã có loạt bài phản ánh về căn bệnh viêm da do tiếp xúc ở xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi. Sau đó, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, đoàn khảo sát của Bệnh viện Da liễu TW đã đi khảo sát thực địa tìm hiểu căn nguyên của căn bệnh này.

15.6195

Báo SK&ĐS đã có loạt bài phản ánh về căn bệnh viêm da do tiếp xúc ở xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi. Sau đó, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, đoàn khảo sát của Bệnh viện Da liễu TW đã đi khảo sát thực địa tìm hiểu căn nguyên của căn bệnh này. Tuy nhiên trong tháng 12 này, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, hiện đã có thêm 24 trường hợp mắc mới bệnh viêm da do tiếp xúc, 2 trường hợp tử vong là em bé dưới 10 tuổi. Để tìm hiểu kỹ hơn về bệnh này, phóng viên (PV) báo SK&ĐS đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS. Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TW - Trưởng đoàn khảo sát về căn bệnh viêm da do tiếp xúc ở Quảng Ngãi.

Phóng viên: Thưa ông, những ngày gần đây lại liên tiếp xuất hiện nhiều bệnh nhân mới ở xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi mắc căn bệnh viêm da do tiếp xúc, là người trực tiếp đã đi thực địa ở xã Ba Điền, ông có thể cho độc giả hiểu rõ hơn về căn bệnh này?

 PGS.TS. Trần Hậu Khang.

PGS.TS. Trần Hậu Khang:

Tôi đã trực tiếp thăm khám các bệnh nhân viêm da do tiếp xúc khi đang điều trị tại BVĐK tỉnh Quảng Ngãi và xem xét lại hồ sơ bệnh án một vài trường hợp đã tử vong nghi do căn bệnh này. Có thể nói rằng về biểu hiện lâm sàng, khi khởi bệnh có sốt nhẹ hoặc không sốt, không đau đầu, không tiêu chảy, ăn uống và sinh hoạt bình thường. Không phát hiện vàng da, niêm mạc mắt. Không phát hiện vết cắn của côn trùng. Tổn thương dày sừng từng đám ở lòng bàn chân, bàn tay, đầu và kẽ ngón, nhất là vùng tỳ đè và rìa lòng bàn tay, bàn chân. Bờ thương tổn có viền đỏ tím. Sau một vài ngày tổn thương, da khô cứng thâm màu và bong vảy ở giữa để lại viền vảy khô xung quanh. Các vùng da khác đều không có thương tổn, lông, tóc, móng bình thường... Tiến hành một số xét nghiệm cho thấy công thức máu bình thường; chức năng thận trong giới hạn cho phép, tuy nhiên, tất cả các bệnh nhân đều có tăng GOT và GPT. Siêu âm có 60,7% bệnh nhân có dấu hiệu gan tăng âm... Tìm hiểu bệnh án của một số bệnh nhân bị tử vong nghi do căn bệnh này đều có tổn thương ở gan, thận.

Đoàn khảo sát có cả chuyên gia của Viện Y học lao động đã đi thực địa tại xã Ba Điền và nhận thấy vệ sinh môi trường rất kém, các gia đình đều không có nhà tiêu, chuồng trâu sát ngay cạnh nhà nên có hiện tượng vương vãi phân gia súc dẫn đến có nhiều côn trùng, gây ô nhiễm môi trường và dễ lan truyền bệnh tật... Bên cạnh đó, chế độ ăn uống của đồng bào rất thiếu thốn. Một số gia đình có nhiều người mắc bệnh đều sử dụng gạo có dấu hiệu ẩm mốc từ mùa vụ trước và nguồn nước dùng được dẫn từ bể tập trung... Bà con cho biết thường mua hóa chất bảo vệ thực vật ở thị trấn huyện. Vì điều kiện thời gian, chúng tôi chưa thể tìm hiểu thêm về loại thuốc bảo vệ thực vật mà bà con hay sử dụng.

PV: Trong báo cáo của bệnh viện sau khi đi khảo sát về gửi Bộ Y tế có đề cập đến việc nguyên nhân gây bệnh viêm da bàn tay, bàn chân do tiếp xúc chưa được xác định rõ, vì sao lại như vậy, thưa ông?

 Bác sĩ BV Da liễu TW thăm khám bệnh nhân viêm da ban đỏ tiếp xúc.

Theo ông Phạm Hồng Phương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, trước tình hình bệnh viêm da do tiếp xúc bàn tay, bàn chân ở huyện Ba Tơ diễn biến phức tạp, Sở Y tế Quảng Ngãi đã chỉ đạo TTYT huyện Ba Tơ có trách nhiệm thu dung, điều trị cho tất cả bệnh nhân theo hướng dẫn của BV Phong - Da liễu TW Quy Hòa. Với những bệnh nhân nặng phải chuyển viện lên BVĐK tỉnh hoặc BV Phong - Da liễu TW Quy Hòa, TTYT huyện Ba Tơ có trách nhiệm đề xuất UBND huyện hỗ trợ chế độ ăn cho bệnh nhân. Với BVĐK tỉnh Quảng Ngãi, tiếp nhận bệnh nhân tuyến dưới chuyển lên điều trị theo phương pháp hướng dẫn của BV Da liễu TW. Bố trí các suất ăn miễn phí cho bệnh nhân.
PGS.TS. Trần Hậu Khang:

Để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh cần phải có thời gian và chúng tôi cũng đã báo cáo, kiến nghị với Vụ Khoa học - Đào tạo của Bộ Y tế là làm một Đề tài nghiên cứu sâu hơn về căn bệnh này, từ đó có những hướng dẫn cần thiết cho nhân dân. Trong chuyến khảo sát thời điểm tháng 10/2011, bệnh viện đã tiến hành lấy một số mẫu để làm các xét nghiệm như cắt sinh thiết da tại tổn thương, lấy máu của bệnh nhân đang điều trị, bệnh nhân đã điều trị khỏi nhưng vẫn còn tổn thương, mẫu máu của những người không mắc bệnh nhưng cùng sống tại thôn có bệnh nhân...; lấy mẫu gạo, mẫu nước, mẫu dung dịch chống vắt của người đi rẫy. Kết quả cho thấy, nguồn nước hoàn toàn bình thường. Về mô bệnh học của các bệnh nhân đều giống nhau, ở thượng bì có hiện tượng dày sừng, ở trung bì có hiện tượng xâm nhập của nhiều tế bào lympho dạng lichen.... Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành hội chẩn chung với nhiều chuyên khoa như môi trường, dinh dưỡng, chống độc để có giải pháp sớm.

PV: Được biết trước đây, Sở Y tế Quảng Ngãi có đưa 5 bệnh nhân ra Hà Nội điều trị tại Bệnh viện Da liễu TW, kết quả điều trị tại bệnh viện như thế nào và họ có tái phát lại không, thưa ông?

PGS.TS. Trần Hậu Khang: Trong tháng 5/2011, bệnh viện đã phối hợp với Sở Y tế Quảng Ngãi điều trị cho 5 bệnh nhân trong thời gian 3 tuần. Phương pháp của chúng tôi chỉ là theo dõi, hướng dẫn bệnh nhân nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, không dùng kháng sinh, chủ yếu dùng thuốc bôi ngoài da, một số được truyền dịch, thuốc bổ gan... Sau 3 tuần điều trị, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh và được ra viện. Tháng 9/2011 vừa qua, chúng tôi đã kiểm tra lại và họ hoàn toàn khỏe mạnh, không tái phát!

PV: Sau khi đoàn khảo sát của bệnh viện quay về Hà Nội, tình hình bệnh viêm da tay, chân do tiếp xúc vẫn xuất hiện dai dẳng, theo nhận định của ông, nguyên nhân như thế nào và ông có khuyến nghị gì đối với người dân?

PGS. TS. Trần Hậu Khang: Người dân không nên hoang mang về căn bệnh này. Và tôi cũng nghĩ rằng, báo chí khi đưa tin không nên gọi căn bệnh này là “bệnh lạ”. Hiện nay, chúng tôi cũng đang có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu, xét nghiệm, tìm hiểu thêm một số yếu tố, đặc biệt là thuốc trừ sâu, phân bón, hóa chất khác được sử dụng tại địa phương. Về những ca bệnh mới xuất hiện trở lại, theo tôi, y tế Quảng Ngãi tiếp tục điều trị theo phác đồ chúng tôi đã khuyến nghị. Việc điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi, nâng cao thể trạng bằng chế độ dinh dưỡng, bổ sung các vitamin nhóm B, kẽm (50mg/ngày), viên đạm kết hợp với thuốc bôi tại chỗ, thuốc bổ gan hoặc truyền dịch cho những bệnh nhân có thương tổn gan.

PV: Xin cảm ơn ông!

Anh Tuệ (thực hiện)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]