THV có thành công với kế hoạch gọi vốn “khủng”?

Lãi suất vay vốn quá cao, thiếu vốn, THV tìm đến nội lực cổ đông và nhà đầu tư bằng kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ...

0

Sản xuất tại một nhà máy công ty thành viên của Tập đoàn Thái Hòa.

Lãi suất vay vốn quá cao, thiếu vốn, THV tìm đến nội lực cổ đông và nhà đầu tư bằng kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ và phát hành lượng lớn trái phiếu chuyển đổi.

Ngày 28/5, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (mã THV - HNX) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2011. Tâm điểm của đại hội là kế hoạch gọi vốn “khủng” trong bối cảnh thị trường chứng khoán khó khăn.

Lãi suất cao đội thêm trượt giá

Trong báo cáo về hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như lý giải cho kế hoạch tăng vốn, đại diện THV nhấn mạnh đến thực tế khó khăn từ bối cảnh thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Khó khăn điển hình nhất của THV lúc này là thiếu vốn kinh doanh, trong khi lãi suất vay vốn quá cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến chi phí tài chính của Công ty tăng cao trong thời gian qua, ảnh hưởng đến lợi nhuận, cũng như giải thích cho các chỉ tiêu kinh doanh năm nay đưa ra ở mức thận trọng.

Là nhà xuất khẩu, hoạt động trong lĩnh vực nông sản, THV là doanh nghiệp thuộc diện được ưu đãi tín dụng. Nhưng theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Văn An, ngay với mức lãi suất 17%/năm cũng đã chật vật, huống hồ lúc này trên thị trường phổ biến là 22% - 23%/năm.

Khó về lãi suất là một, khó vì trượt giá là hai. Năm nay, nếu THV may mắn được các ngân hàng giữ nguyên hạn mức cho vay, thì chi phí đầu tư, kinh doanh cũng đã thay đổi lớn.

Nếu năm 2010 vay được 40 tỷ đồng đầu tư được cho 100 ha cà phê, thì năm nay có thể chỉ đủ cho 80 ha. Tương tự, năm 2010 vay 50 tỷ đồng có thể thu mua 200 tấn cà phê, năm 2011 chỉ còn mua được khoảng 125 tấn. Trong khi mong ngân hàng tăng hạn mức cho vay là rất khó bởi giới hạn tăng trưởng tín dụng năm nay là làm chặt.

Để tìm vốn, THV lên kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ, từ 550 tỷ đồng hiện nay lên 1.000 tỷ đồng, qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cho cổ đông hiện hữu và chào bán qua đấu giá tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Chưa hết, kế hoạch gọi vốn “khủng” của doanh nghiệp này còn được bổ sung với phương án phát hành riêng lẻ tới 1.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi.

Nếu thành công ở hai kế hoạch trên, THV sẽ có một nguồn lực mới rất mạnh so với hiện tại, đặc biệt là từ 1.500 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất dự kiến chỉ tối đa 10%/năm.

“Chỉ còn cách tìm đến cổ đông”

THV đưa ra phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu). Oái ăm là giá cổ phiếu của công ty này trên sàn hiện vẫn đang ở dưới mệnh giá. Liệu THV có đi theo vết xe thất bại của nhiều kế hoạch hoạch phát hành tăng vốn trong hoàn cảnh tương tự?

Trước hết, tại đại hội, từ phía cổ đông đã có ý kiến phản ứng về một phần cấu thành của kế hoạch tăng vốn. Công ty đề nghị trả cổ tức năm 2010 với tỷ lệ 5% bằng cổ phiếu. Yêu cầu mà một số cổ đông đưa ra là bằng tiền, thậm chí họ sẵn sàng nhận bằng tiền những để lại khoản cổ tức đó cho doanh nghiệp vay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn An nói rằng vấn đề khó khăn nhất hiện nay lại là vốn, “mong cổ đông thông cảm” và kỳ vọng khi thị trường tài chính tốt lên để có phương án trả cổ tức bằng tiền trong tương lai. Và với thực tế thị giá cổ phiếu dưới mệnh giá, kỳ vọng đặt ra cũng là thị trường chứng khoán sẽ hồi phục trở lại.

Nhưng ở kế hoạch chung, ông An cho biết là đã có tính toán để đảm bảo tăng vốn thành công.

Cụ thể, THV đã có sự hỗ trợ của Công ty Chứng khoán Hòa Bình (HBS) với dịch vụ bảo lãnh phát hành và bảo lãnh giá đối với nhà đầu tư. Trong trường hợp cổ đông từ chối mua lượng phát hành thêm, HBS sẽ thực hiện mua lại theo giá bảo lãnh. Giá bảo lãnh được xác định bằng 10.000đ + Thời gian (ngày niêm yết cổ phiếu mới - ngày nộp tiền) * Lãi suất (HBS đề xuất lãi suất tối thiểu là 22%/năm).

Trong khi đó, ở kế hoạch phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi, khối lượng 1.500 tỷ đồng được cho là khá lớn. Kỳ hạn trái phiếu tối đa là 4 năm, giá phát hành không thấp hơn 110.000 đồng (mệnh giá 100.000 đồng) và lãi suất không quá 10%/năm.

Về khả năng thành công của kế hoạch gọi vốn bằng trái phiếu đó, ông Nguyên Văn An tự tin khi nói rằng nhiều tổ chức đầu tư từ châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đã quan tâm và có ý định đầu tư. Hiện có thể xác định 3 tổ chức tiềm năng của đợt phát hành trái phiếu.

“Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tín dụng, chi phí lãi suất vay vốn quá cao thì doanh nghiệp chỉ còn cách huy động vốn từ các cổ đông với chi phí thấp hơn. Với thị trường chứng khoán, chúng tôi cũng hy vọng đến thời điểm tăng vốn thị trường sẽ tốt hơn, dù hiện nay giá trị doanh nghiệp không xấu mà do thị trường xấu”, ông An nói.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]