Tỉ lệ thiếu vitamin A ở trẻ em Việt vẫn chưa được cải thiện sau 20 năm

SKĐS - Theo số liệu mới công bố của Viện Dinh dưỡng quốc gia, 13% trẻ em Việt Nam hiện thiếu vitamin A, tỷ lệ này không hề thay đổi suốt 1/5 thế kỷ qua dù mỗi năm có 2 chiến dịch uống bổ sung.

15.2496

Theo số liệu mới công bố của Viện Dinh dưỡng quốc gia, 13% trẻ em Việt Nam hiện thiếu vitamin A, tỷ lệ này không hề thay đổi suốt 1/5 thế kỷ qua dù mỗi năm có 2 chiến dịch uống bổ sung.

Điều tra này được tiến hành trong một năm, tại 36 xã/phường của 9 tỉnh, thành thuộc 3 khu vực/vùng: thành thị nông thôn và miền núi. Đối tượng gồm trẻ em 6-59 tháng, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú dưới 12 tháng.

Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ là 13%, Việt Nam được xếp ở mức trung bình về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Mục tiêu đặt ra là 10%.

Tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp là gần 35%, điều này cho thấy khẩu phần vitamin A của mẹ cho con bú chưa đủ. Một trong những lý do khiến con số này thấp là chỉ có 42% sản phụ uống viên nang vitamin A trong vòng một tháng sau sinh.

Tiến sĩ Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng bày tỏ lo ngại khi những con số này không hề thay đổi trong suốt thời gian dài. Nhóm tuổi được uống vitamin A là 6-36 tháng, nhiều nhóm khác cũng cần được quan tâm nhưng nguồn lực có hạn. Với nhóm trẻ 37-60 tháng, nhiều người nghĩ bữa ăn đã cung cấp đủ vitamin. Tuy nhiên kinh nghiệm 20 năm qua cho thấy mức thiếu vitamin A tiền lâm sàng vẫn giữ ở mức trung bình. Việc nhiễm giun, nhiễm khuẩn, sởi cũng khiến nhu cầu vitamin A tăng lên, dẫn đến thiếu. Cũng theo TS Mai, cần tăng cường vitamin này vào trong thực phẩm, đặc biệt là dầu ăn.

Thiếu vitamin A gây bệnh khô mắt, mù dinh dưỡng và các rối loạn do thiếu vitamin A. Thiếu vitamin A tiền lâm sàng là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ tử vong, tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng, làm chậm phát triển ở trẻ.

Cũng theo số liệu công bố của Viện Dinh dưỡng, ngoài vitamin A, người Việt còn thiếu 3 vi chất nữa là iốt, sắt và kẽm. Theo đó, gần 28% trẻ thiếu máu, trong đó nặng nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Hơn 1/4 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị thiếu máu, tỷ lệ thiếu máu ở thai phụ tăng dần khi tuổi thai lớn hơn. Đặt biệt tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em rất cao, đến gần 70%; trong khi theo phân loại của WHO trên 20% trẻ thiếu kẽm đã xếp vào nhóm thiếu ở mức nặng. Tỷ lệ này ở phụ nữ có thai lên đến 80%.

Mai Phương

Theo Univadis

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]