Tiêm thuốc hay xử bắn?”: Vẫn còn những băn khoăn

Theo chương trình ngày 17/6 tới đây, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thi hành án hình sự, một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội và dư luận rất quan tâm

0

Theo chương trình ngày 17/6 tới đây, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thi hành án hình sự, một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội và dư luận rất quan tâm là hình thức thi hành án tử hình bằng xử bắn hay tiêm thuốc độc đối với tội phạm bị tuyên án tử hình. Trước khi Quốc hội thông qua luật này, báo Sức khỏe&Đời sống đã mở diễn đàn "Tử hình tội phạm đặc biệt nguy hiểm: Tiêm thuốc hay xử bắn?". Diễn đàn đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý, bạn đọc trong và ngoài ngành tham gia với nhiều ý kiến đóng góp hình thức xử lý với loại tội phạm này. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin điểm lại một số ý kiến về vấn đề này.

Nước ta có thể sử dụng hình thức tiêm chất độc

TS. Trương Quang Vinh, Hiệu phó Trường ĐH Luật Hà Nội, thành viên tham gia góp ý xây dựng Luật Thi hành án hình sự rất tán đồng ý kiến việc phải thay đổi hình thức tử hình các tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Điều đó, không chỉ phù hợp với xu thế chung của thế giới mà còn phù hợp với tập quán Á Đông. "Quốc hội bàn thảo nhiều vấn đề này, theo tôi đây là cách đặt vấn đề rất mới với mục đích làm sao để đỡ tốn kém, phù hợp với truyền thống đạo lý và quan trọng hơn cả đó là không gây ra áp lực tâm lý cho những người thi hành án tử hình", TS. Trương Quang Vinh nói.

Đồng quan điểm với TS. Trương Quang Vinh, ThS. Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, việc thay đổi hình thức tử hình các tội phạm nguy hiểm là thể hiện giá trị nhân văn về mặt pháp lý. Theo ông Quang, mặc dù chúng ta chưa có kinh nghiệm thực tiễn về việc tiêm thuốc thay cho xử bắn, nhưng hình thức này cũng không quá khó khăn khi áp dụng, bởi chúng ta sẽ thực hiện theo lộ trình chứ không phải trong ngày một ngày hai. Về những ý kiến băn khoăn đối với việc quản lý và sử dụng thuốc phục vụ cho công tác tử hình tội phạm, ông Quang nhấn mạnh: "Mọi quy trình sẽ theo quy định của Luật Dược và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác".

Gợi mở cho các nhà làm luật và khẳng định nước ta hoàn toàn có đủ khả năng sử dụng hình thức tiêm thuốc thay cho xử bắn tội phạm, PGS.TS. Nguyễn Văn Chừng, Chủ nhiệm Bộ môn Gây mê hồi sức, ĐH Y Dược TP.HCM "hiến kế": "Mục tiêu tổng quát là đánh giá sự an toàn và hiệu quả của phương pháp thi hành án tử hình bằng gây tử vong cho tử tù với sự phối hợp thuốc ngủ thiopentone, thuốc giảm đau morphiniques sufentanil, thuốc giãn cơ pancuronium và thuốc gây ngừng tim kalium chlorua liều cao. Riêng mục tiêu chuyên biệt là cần đánh giá hiệu quả của sự phối hợp thuốc ngủ, thuốc giãn cơ và thuốc gây ngừng tim liều cao tiêm tĩnh mạch; phân tích những thuận lợi, khó khăn và xác định tỉ lệ hài lòng của xã hội đối với sự đền tội của tử tù về phương pháp sử dụng thuốc ngủ, thuốc giãn cơ và thuốc gây ngừng tim từ đó đưa ra phác đồ thích hợp để áp dụng cho tất cả tử tù; đánh giá các sự cố, xác định tỉ lệ hiệu quả tuyệt đối của phương pháp sử dụng thuốc để thi hành án đối với tử tù".

 Mô hình phòng thi hành án tử hình bằng tiêm chất độc này được thực hiện ở một số nước trên thế giới.
Sử dụng phòng hơi ngạt, thêm một lựa chọn

Diễn đàn "Tử hình tội phạm đặc biệt nguy hiểm: Tiêm thuốc hay xử bắn?" của báo SK&ĐS mở ra đã đón nhận rất nhiều luồng ý kiến của các nhà khoa học công tác trong và ngoài ngành y tế. Nhiều ý kiến gửi về tòa soạn còn đề xuất với Ban soạn thảo Luật Thi hành án hình sự về việc sử dụng phòng hơi ngạt để loại khỏi đời sống xã hội những tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Tiến sĩ Vũ Dương, Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia, đề xuất: "Chúng ta có thể bàn tới hình thức sử dụng hơi ngạt. Nếu sử dụng hơi ngạt sẽ phần nào giúp cho những người thi hành án bớt căng thẳng hơn. Có thể đặt ra giả thiết, trước khi đưa nạn nhân vào phòng ngạt và tiêm cho họ một lượng thuốc gây mê để cơ thể lịm dần, sau đó mình mới đưa những chất gây ngạt vào phòng, người đó sẽ dần chết đi và đỡ đau đớn hơn. Cùng đó, trong một phòng gây ngạt sẽ được làm nhiều van, có những van có chất gây ngạt có những van không để giúp cho những người thực hiện mở van có được tâm lý rằng: van của mình không có chất gây ngạt. Ngoài ra, người thực hiện động tác vặn hơi ngạt đó không nhất thiết phải là bác sĩ mà có thể là lực lượng vũ trang, còn bác sĩ chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra xem tội phạm đó đã tử vong hay chưa. Việc làm này sẽ không bị ảnh hưởng đến vấn đề y đức." Mạnh dạn hơn, TS. Vũ Dương nêu ý kiến: "Nhà nước nên bỏ án tử hình, thay vào đó sẽ là hình thức tù chung thân không giảm án, suốt đời ở trong tù. Trong các nhà tù ở nước ngoài, mặc dù ở trong môi trường bị giam giữ nhưng vẫn có những người là những nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch và có những cống hiến cho xã hội..."

Dưới góc độ nhà quản lý phụ trách lĩnh vực khoa học - đào tạo của Bộ Y tế, GS.TS. Trương Việt Dũng, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Đào tạo, lại nêu ý kiến: Theo tôi, nếu chúng ta tổ chức được trường bắn tốt thì vẫn nên dùng hình thức xử bắn, bởi vì xử bắn sẽ có tác dụng răn đe nhiều hơn. Bên cạnh đó, về mặt hiến mô tạng thì người bị tử hình nếu có nhu cầu làm một việc tốt cuối cùng cho xã hội thì hình thức xử bắn sẽ có lợi hơn là tiêm thuốc, bởi lẽ tiêm thuốc sẽ khiến cho các mô tạng trong cơ thể bị hỏng...

Trong thời gian ngắn, từ ngày 29/5/2010, khi báo SK&ĐS khởi đăng ý kiến đầu tiên về tiêm thuốc hay xử bắn, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến nhiệt tình tham gia diễn đàn, vì khuôn khổ tờ báo, chúng tôi đã lựa chọn một số ý kiến của các nhà khoa học công tác trên nhiều lĩnh vực của xã hội, với mong muốn góp thêm tiếng nói để bạn đọc hiểu rõ công việc của những người soạn thảo luật và thực thi pháp luật.   
 
SK&ĐS
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]