Tiền bạc và hạnh phúc: Làm sao để có cả hai?

Tiền bạc không mua được hạnh phúc nhưng nghèo túng cũng không thể hạnh phúc được. Vậy thực sự tiền bạc và hạnh phúc có mối liên hệ như thế nào? Làm sao để cân bằng? Có những người trở nên giàu có, nhưng lại sống vật vã. Trái lại, có những người ít gặp phải vấn đề về tiền bạc trong đời vì họ có thể tận dụng tối đa những gì họ có. Dưới đây là 8 bí quyết giúp bạn có được cả hai: tiền bạc và hạnh phúc thực sự trong cuộc sống.

15.5972
 
 
1. Trân trọng sự giản đơn
 
Mục tiêu sống không nên là để tích cóp được càng nhiều tài sản và tiền bạc càng tốt. Chúng ta nên học bằng lòng với những gì mình đang có và hiểu rõ lợi ích của sự giản dị. Nếu bạn cảm thấy hạnh phúc có liên quan trực tiếp đến của cải vật chất thì bạn lầm rồi đấy. Hạnh phúc có thể đạt được chính nhờ vào việc bằng lòng với của cải nho nhỏ. Của cải không chỉ gồm những thứ chúng ta đang có, mà cả những thứ chúng ta bằng lòng không có trong cuộc sống.
 
2. Đừng dính lấy tiền
 
Nếu chúng ta cứ mãi đắn đo trong chi tiêu thì sẽ bỏ phí ý nghĩa của việc kiếm tiền. Thái độ đúng đắn là xem tiền bạc như một dòng chảy tuần hoàn, tức là chi tiền sẽ khiến có thêm nhiều tiền trong cuộc sống. Tiền bạc không giống như việc trữ nước trong đập. Chúng ta cần để tiền đi ra bằng cách chi dùng cho những thứ hữu ích và cần thiết. Dự trữ nước chẳng ích lợi gì trừ khi chúng ta dùng nó để tạo ra năng lượng; gom góp tiết kiệm thật nhiều nhưng lại thấy khổ sở khi tiêu pha thì cũng tương tự như vậy.
 
 3. Giảm thiểu những nỗi lo toan tiền bạc
 
Chúng ta là những người hạnh phúc nhất nếu có thể xem tiền bạc chỉ là một phần nhỏ trong đời, và càng ít nghĩ đến các vấn đề tiền bạc càng tốt. Hãy học cách sống trong khả năng của bạn bằng cách tránh lạm chi bốc đồng. Nếu bạn nhất thiết phải vay nợ, hãy hoạch định trước và kiếm khoản vay minh bạch, có thể trả nổi.
 
Cố gắng tránh xa các kế hoạch đầu tư phức tạp và rủi ro. Hoạch định tài chính tốt cần đơn giản và khéo cân đối. Tốt hơn là hãy đầu tư và tiết kiệm vào thứ gì đó đảm bảo để bạn có thể lãng quên và không phải lo lắng tối ngày.
 
4. Tránh đố kỵ
 
Dù bạn có bao nhiêu tiền đi chăng nữa, bạn vẫn ghen tỵ với những người có nhiều hơn bạn phải không nào?
 
Điều này chẳng có nghĩa gì. Chẳng lý do gì lại buồn bực nếu những người khác giàu có hơn bạn. Người khác phát đạt là chuyện tốt, đừng cảm thấy khổ sở chỉ vì bạn không thể bằng anh bằng em.
 
5. Đừng sống để làm việc 
 
Nếu bạn dành toàn bộ thời gian để làm việc, bạn sẽ không có cơ hội chi xài số tiền mình kiếm được. Đừng cảm thấy tội lỗi khi buông bớt công việc, quan trọng là ưu tiên thời gian thư giãn ngang bằng với làm việc. Có được sự thỏa mãn về công việc là tốt, nhưng nếu chúng ta chỉ dành thời gian để làm việc thì cuộc sống của chúng ta sẽ không có sự cân bằng hợp lý.
 
6. Hiểu nguyên nhân vì sao một số người nghèo vẫn hoàn nghèo
 
Một số người dường như luôn phải bận tâm về tiền bạc. Họ luôn túng thiếu và thường xuyên than thở về vấn đề tài chính. Thiếu thốn tiền bạc khiến họ không hạnh phúc, nhưng họ không biết làm thế nào để thay đổi tình hình. Có cho họ tiền cũng không giải quyết được vấn đề vì họ sẽ tiếp tục đưa ra những quyết định tài chính tồi tệ. Một phần của vấn đề nằm ở tư duy của họ. Người ta dễ trở nên quen với cái nghèo và rồi cứ nghĩ cảnh nghèo túng sẽ còn tiếp diễn. Với tư duy như thế thì khó lòng thu hút được tiền bạc đến với cuộc sống của chúng ta.
 
7. Lờ tịt không phải là hạnh phúc
 
Một thái độ khác đối với tiền là cố tránh suy nghĩ về nó. Chúng ta lờ tịt mức độ nợ nần thật sự của mình, tiếp tục chi tiêu và để mặc những hóa đơn chưa thanh toán. Làm lơ tiền bạc kiểu này chỉ khiến gây thêm nhiều vấn đề nghiêm trọng trong tương lai.
 
Hơn nữa, trì hoãn giải quyết các vấn đề tài chính còn khiến chúng ta phải trĩu nặng đầu óc. Chúng ta không thể thanh thản tâm hồn vì lúc nào cũng có một danh sách dài dằng dặc những thứ cần phải giải quyết. Trong tình huống này, nên giải quyết nhanh gọn chẳng hạn như thanh toán các hóa đơn và thanh khoản - rồi chúng ta có thể quên bẵng chúng.
 
8. Vẽ ra một viễn cảnh mới
 
Dưới đây là một số câu hỏi liên quan đến tiền bạc mà bạn tự nên hỏi bản thân:
 
- Tôi có hạnh phúc với tình hình tài chính của mình hay không?
 
- Có thêm tiền sẽ làm cuộc sống của tôi tốt đẹp hơn chứ?
 
- Có phải trong đầu tôi luôn lo nghĩ về các vấn đề tài chính không?
 
- Mưu cầu tiền bạc có làm tôi khổ sở không?
 
- Tôi có hy sinh các nguyên tắc để kiếm thêm tiền không?
 
Chỉ cần trả lời thành thật những câu hỏi này là có thể cổ vũ cho một viễn cảnh mới về tiền bạc.
 
Trích “Đừng để tiền làm rối đời ta”
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]