Tiếp vụ Cty Du lịch Lâm nghiệp: Nguy cơ "trắng tay" sau canh bạc... di chuyển

Giadinh.net - Khi người lao động ở Vifortour chấp nhận di chuyển để ủng hộ chủ trương của TCty Lâm nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng toà cao ốc thương mại, họ đã mất mát rất nhiều.

31.2074

>>

Họ mong muốn những điều rất thực tế nhằm lo toan cho chính cuộc sống của mình và gia đình trong những tháng ngày “hy sinh” đó song gần như không có.

Tiền hậu bất nhất

Trong thời gian bắt đầu có dự án và quá trình khởi động “rùa” hơn 2 năm nay, nhiều người lao động ở Vifortour cho biết họ đã phải chịu không ít đắng cay, cơ cực. Quá trình đó cũng đã diễn ra hàng chục cuộc họp giữa những nhà lãnh đạo Vinafor với lãnh đạo và người lao động trong công ty. Nguyện vọng đề đạt lên trên đã được ghi nhận bởi rất nhiều những văn bản của chính các cuộc bàn thảo này. Để đổi lại sự đồng thuận cao, những lời hứa của người có thẩm quyền đã được đưa ra.

Cụ thể là theo tinh thần các văn bản của Phòng tổ chức lao động Vinafor trình lên và Phó TGĐ Hoàng Hải Trí đồng ý vào ngày 30/5/2006, thì TCty sẽ tiến hành các biện pháp cơ cấu lại tài chính để sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp, điều chuyển số lao động của khách sạn đi đào tạo để phục vụ cho hoạt động của Trung tâm thương mại văn phòng Vinafor.

Ngoài ra, tờ trình cũng cho biết trong 3 năm chờ đợi xây dựng công trình này, người lao động sẽ được hưởng 70% lương cơ bản, hoàn tất các thủ tục về bảo hiểm xã hội cho người lao động đang nghỉ không lương, TCty sẽ thanh toán các khoản nợ hơn 3,1 tỷ đồng hiện vẫn còn tồn đọng.

Một loạt các vấn đề khác cũng được đề cập đến như tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp của Cty lâm sản Tây Bắc cũ (đơn vị được sát nhập vào Vifortour - PV), làm các thủ tục thuê đất lâu dài tại Hà Đông với UBND tỉnh Hà Tây. Số lao động 65 người ở Cty lâm sản Tây Bắc cũ và Xí nghiệp sản xuất kinh doanh Lâm sản Hà Đông sẽ được sắp xếp và giải quyết chế độ theo quy định khi cổ phần hoá hoặc bán lại. Tờ trình này cũng kiến nghị tách xí nghiệp Lâm sản Hà Đông ra khỏi Cty Vifortour và tiến hành sắp xếp, cổ phần hoá. Tiếp đó, Vinafor cũng đã đồng ý hỗ trợ thêm cho người lao động đang làm việc và tiếp tục đi làm tại địa điểm mới thêm 30% lương cơ bản...

Tuy nhiên chưa đầy 1 năm sau, khi ông Hà Xuân Hạnh – Phó TGĐ TCty Vinafor, Trưởng ban GPMB dự án, được phân công phụ trách giải quyết vấn đề này thì mọi việc đã thay đổi theo chiều hướng ngược lại.

Cụ thể là tại bản kiến nghị mới nhất của CBCNV Vifotour đề ngày 18/10/2007 gồm 6 điểm lớn, chỉ được ông này trả lời bằng văn bản số 889 (ngày 5/11/2007) với đồng ý giải quyết 1 điểm duy nhất là: Người lao động được hưởng thêm 30% lương cơ bản trong vòng 6 tháng.

Điều đó có nghĩa là nguyện vọng được cổ phần hóa để giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động dôi dư và thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh mới không biết đến bao giờ mới được triển khai. Kèm theo đó, những yêu cầu chính đáng về việc tạo một số cơ sở vật chất cần thiết ban đầu như sửa chữa trạm biến áp, lắp đặt điện thoại văn phòng, chi phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp sau khi có chủ trương di chuyển lên Hà Đông cũng không còn được đề cập đến.

Đặc biệt, niềm hi vọng về sự phục hồi của một DN đang phải gánh chịu số tiền lỗ tới hàng tỷ đồng của Cty Lâm sản Tây Bắc (sát nhập vào Vifortour năm 2002) là Vinafor quyết định cho phép thực hiện dự án đầu tư văn phòng cho thuê – Trung tâm thương mại tại TP Hà Đông cũng không được đoái hoài đến.

Tại văn bản này, đại diện “Cty mẹ” phán một câu rất lạnh lùng là: “TCty không hỗ trợ thêm các nội dung khác mà đơn vị đã đề nghị”. Thậm chí, có những yêu cầu tưởng chừng nhỏ nhặt nhất của người lao động là “để đảm bảo tính liên tục trong quá trình công tác và do một số điều kiện khách quan, một số CBCNV đề nghị được gửi Sổ BHXH tại Văn phòng TCty trong thời gian chờ Cty cổ phần hoá xong” cũng đã bị... sổ toẹt?!

Có lẽ bởi những lý do nói trên, chấp nhận khó khăn gian khổ để ủng hộ chủ trương xây dựng tòa nhà Vinafor của Vinafor, song CBCNV Vifortour vẫn phải làm cái việc “cực chẳng đã” là gửi đơn kiến nghị, khiếu nại, kêu cứu... lên các cơ quan chức năng và báo chí.

Hàng chục người lao động ký tên vào đơn gửi báo GĐ&XH

Nghịch cảnh của sự di chuyển

Chúng tôi đã trực tiếp có mặt tại địa điểm mà người lao động Vifortour sẽ phải di chuyển tới – mảnh đất bên đường 430 Vạn Phúc - TP Hà Đông (Hà Tây) để xác minh những thông tin mà người lao động đã phản ánh.

Quả thật, có đến hiện trường mới hiểu hết nỗi lo ngại, băn khoăn của đông đảo CBCNV Vifortour. Cái nơi họ sẽ phải chuyển đến là một khu đất rộng gần 4000m2, hiện đang ngổn ngang những đá, gỗ và cỏ dại, cổng ra vào là 2 cánh của sắt nhỏ xíu đã hoen rỉ và bạc màu theo mưa nắng. Đứng cô độc trong cái lạnh lẽo đó là một khu văn phòng cấp 4 đã xập xệ đến nỗi có thể đổ sập xuống bất kỳ lúc nào. Cho đến thời điểm hiện tại vẫn không có một dấu hiệu nào chứng tỏ sẽ có một sự thay đổi lớn sắp xảy ra ở mảnh đất này, ngoài 7 gian nhà cấp 4 đang được xây mới để sử dụng làm văn phòng của Vifortour.

Theo như quan sát của chúng tôi, dường như Vinafor chưa hề thực hiện một biện pháp hỗ trợ nào ở nơi này, dù họ sẽ thu hồi cả số tài sản của đơn vị thành viên tại 127 Lò Đúc với trị giá hơn 1,5 tỷ đồng, mà không hề phải bồi thường một đồng nào. Nghịch cảnh này quả đáng bận tâm, khi mà chính Vinafor đang đầu tư để xây dựng một tòa nhà lớn cũng tại Hà Nội vì mục đích lợi nhuận.

Nặng gánh người đi, “nhẹ lòng” kẻ ở!

Một vấn đề khác cần đặt ra ở đây là: Mặc dù đã được cơ quan chức năng tỉnh Hà Tây chấp nhận cho thuê đất nhưng việc sử dụng diện tích này cũng không dễ chút nào. Hiện tại ở mảnh đất tại Hà Đông này đang có khoảng 1.500m2 được ông Phạm Đức Hòa - một cán bộ của xí nghiệp - sử dụng xây dựng nhà xưởng sản xuất đồ mộc.

ông Hoà cho biết: “Nếu Cty trả cho tôi khoảng 600 triệu đồng thì tôi sẽ chuyển nhượng lại nhà xưởng, hiện nay TCty vẫn không chịu phê duyệt quyết toán mà tôi đã đầu tư mà không rõ vì lý do gì?”.

Mặt khác một phần diện tích mặt tiền của khu đất ở đây với 5 gian nhà cũng đã bị bà Ngô Thanh Mai lấn chiếm, chưa biết đến bao giờ mới thu hồi lại được. Bên cạnh đó tình hình tài chính của Xí nghiệp sản xuất kinh doanh Lâm sản Hà Đông cũng đang trên bờ vực thẳm. Ngoài hơn 30 người lao động nghỉ việc mà chưa biết đến bao giờ được hưởng bảo hiểm xã hội thì hiện nay, Xí nghiệp này chỉ còn có 5 - 6 người đang làm việc và hàng chục năm qua làm ăn liên tục thua lỗ, mất hết vốn kinh doanh, hiện không có khả năng trả khoản nợ gần 4 tỷ đồng. Không hiểu Vifortour khi di dời đến đây mà không được lãnh đạo TCty cấp vốn, không được hỗ trợ về mặt tài chính, trong điều kiện có tới hơn 50% số lao động làm trái nghề, lại phải gánh thêm những khoản tồn tại “khổng lồ” này, thì có thể “làm ăn” gì?

Có lẽ, những thực trạng không mấy sáng sủa nói trên đang rất cần những giải pháp phù hợp hơn, những quyết sách có trách nhiệm hơn của tập thể lãnh đạo Vinafor đối với những người phải “lĩnh ấn tiên phong” ra đi trong tình thế “bất đắc dĩ” ở Vifortour. Trước hết, có lẽ cần một sự quan tâm đến chính những yêu cầu rất thực tế của người lao động, những người đã có thâm niên hàng chục năm gắn bó và xây dựng nên Vinafor hôm nay.

Chị Hoàng Thị Kim Huyễn - Lễ tân khách sạn Lâm nghiệp: 
Vào Hà Đông tôi làm  lễ tân cho ai?”

“Tôi đã gần 50 tuổi, hơn 20 năm làm lễ tân tại Nhà khách Lâm nghiệp và nay là Khách sạn Lâm nghiệp, được đào tạo chuyên môn cho lĩnh vực này. Nay đùng một cái phải chuyển vào Hà Đông, một nơi mà trụ sở còn chưa ổn, nhà khách cũng không, CBCNV ở đó thì đang “ngồi chơi xơi nước” chẳng có việc gì để làm, sống lay lắt. Không hiểu một lễ tân khách sạn như tôi vào đây sẽ làm ăn kiểu gì và sống ra sao với khoản lương ba cọc ba đồng?”.

Chị Phạm Thị Bình, nhân viên Vifortour: 
“Ăn hết 6 tháng lương rồi thì làm gì?”

Bị “đẩy” vào tận Hà Đông với duy nhất một mức hỗ trợ 130% lương cơ bản trong thời gian 6 tháng, ngoài ra chẳng có gì hơn, thật cay đắng. Trong thời buổi xăng dầu cũng như các mặt hàng đều tăng giá vùn vụt này, có lẽ tiền lương chỉ đủ để tôi đổ xăng đi làm hàng chục cây số mỗi ngày và tiêu vặt. Cả gia đình con cái chắc phải nhịn đói, bởi khi chuyển đến nơi làm việc mới, ăn hết 6 tháng lương rồi cũng chẳng có việc gì để làm. 

 Chí Long

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]