Tiêu dùng trách nhiệm

(HNM) - Lâu nay trong xã hội vẫn tồn tại quan niệm, "tiền của tôi, tôi muốn mua hàng ngoại hay nội là quyền tôi, mua ít hay nhiều là do tôi, tôi mua sắm Tết thế nào mặc tôi…". Đúng là mọi cá nhân đều có quyền tự do trong tiêu dùng, thế nhưng trong xã hội cũng tồn tại khái niệm khác là tiêu dùng trách nhiệm.

15.601


Mấy ngày nay, giao thông đông đúc vì người dân bắt đầu đổ ra đường sắm Tết. Hàng hóa trong nước sản xuất phục vụ Tết năm nay vô cùng phong phú, đa dạng với mẫu mã bắt mắt và có chất lượng tốt, từ thực phẩm tươi sống, đông lạnh đến bánh mứt kẹo, manh quần, tấm áo… tràn ngập trong hội chợ hàng Tết, siêu thị, chợ truyền thống… Đặc biệt là những hàng hóa đặc sản của một số địa phương như: Hoa quả, vật nuôi được người tiêu dùng ưa chuộng. Cùng với hàng hóa trong nước, hàng ngoại do các công ty thương mại nhập khẩu cũng đủ chủng loại: hoa quả tươi, bánh mứt kẹo, đồ uống có cồn, có ga đủ loại. Cũng như năm ngoái xu thế chủ đạo trong tiêu dùng Tết Ất Mùi này là "Ăn đi xuống, uống vẫn đi lên". Ăn đi xuống nghĩa là ngày Tết không nhất thiết phải có đủ các món mang hương vị của "rừng núi, đồng bằng và biển cả" vì ngày thường cũng vẫn có những món mà thời thiếu thốn phải đợi Tết mới có như: măng hầm chân giò, bóng, giò xào… Còn uống thì đúng là vẫn lên… vù vù.

Mua sắm nhiều hay ít, ăn Tết to hay ăn nhỏ, uống bia rượu nội hay rượu ngoại tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Thế nhưng trong xu thế toàn cầu hóa thì cá nhân, gia đình lại không thể tách rời xã hội và luôn tác động tới xã hội, ngược lại xã hội cũng tác động trực tiếp tới mỗi gia đình. Nếu chỉ mua hoa quả, bánh mứt kẹo hay đồ uống có cồn, có ga nhập khẩu thì gián tiếp làm rất nhiều người lao động Việt Nam ăn Tết không mấy vui vẻ, bởi vì doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm thì họ lấy đâu tiền để trả lương, thưởng Tết cho công nhân? Do vậy mua hàng nội không chỉ giúp người lao động mà còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước đi lên. Mua hàng nội trong năm nói chung và dịp Tết nói riêng còn có tác dụng làm giảm nạn chảy máu ngoại tệ cho đất nước. Đó chính là trách nhiệm xã hội trong tiêu dùng.

Tiêu dùng trách nhiệm còn biểu hiện ở mức độ tiêu thụ và hoang phí cũng là tiêu dùng vô trách nhiệm. Đáng nói nhất chính là tiêu thụ rượu bia quá nhiều. Từ nhiều ngày nay, không ít cơ quan, công ty, văn phòng… đã tổ chức liên hoan tất niên. Buổi trưa và buổi tối, các nhà hàng trên địa bàn Hà Nội không còn chỗ trống. Và tất nhiên bữa tiệc chia tay những người ở lại thành phố, về quê hay đi du lịch không thể thiếu rượu bia. Tiếng "dô", tiếng chạm cốc cùng những lời chúc tụng quả là vui vẻ, thế nhưng tiệc tan hậu quả do quá chén gây ra không thể lường hết. Một nhà văn rất nổi tiếng vì uống nhiều bị ngã xe máy không thể đứng dậy, may là chỉ xây xát nhẹ nhưng kẻ gian đã móc túi lấy hết tiền bạc và thẻ tín dụng. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán năm 2014 cả nước đã xảy ra 458 vụ tai nạn giao thông làm chết 212 người, bị thương 481 người, trong đó 80% số vụ tai nạn có nguyên nhân uống rượu bia. Tết Ất Mùi này lại nghỉ dài hơn và trong xu thế "uống đi lên" thì không ai có thể biết số vụ tai nạn giao thông sẽ là bao nhiêu.

Tiêu dùng trách nhiệm là xu thế văn hóa trong xã hội hiện đại, không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho mỗi cá nhân, cho gia đình họ mà còn mang lại lợi ích rất lớn cho xã hội. Tết Nguyên đán Ất Mùi này chính là cơ hội để mỗi người tiêu dùng Việt Nam thể hiện lòng yêu nước khi mua sắm hàng hóa.

Thủy Tiên
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]