Tiểu đường có ảnh hưởng đến chuyện con cái?

(AloBacsi) - Tôi có chồng nhưng chưa có baby, không biết tiểu đường có ảnh hưởng đến chuyện con cái? Tôi vừa phát hiện bị đường cao nên rất hoang mang.

15.6032
Chào bác sĩ,
 
Tôi vừa phát hiện ra mình bị đường cao 1 tuần nay, tinh thần rất suy sụp vì tự nhiên, bị cấm ăn đủ thứ. Lại bị cấm thức khuya (trong khi tôi làm bên hải quan, nhiều khi hàng xuất nhập toàn phải làm ca đêm). Tôi đang rơi vào tâm trạng chán nản, hoang mang. Nay xem BS Hoa tư vấn về bệnh tiểu đường, thấy nhiều người bị bệnh như mình vẫn sống lạc quan nên phần nào được an ủi.
 
Tôi có thể xin số điện thoại của BS Tuyết Hoa để nhờ tư vấn trực tiếp hàng ngàn thắc mắc trong lòng? Vì tôi có chồng nhưng chưa có baby, không biết, tiểu đường có ảnh hưởng đến chuyện con cái? Mong hồi âm của BS lắm lắm. Rất cảm ơn Alobacsi đã mở ra chuyên mục này cho chúng tôi.
 
Trân trọng.

Lê Mỹ Lệ 
 

Chị thân mến,
 
Rất cảm thông với chị, người ĐTĐ mới phát hiện thường có tâm trạng như vậy. Nếu có thể, chị hãy gặp BS chuyên khoa ít nhất là trong 1 - 2 lần khám đầu tiên để được tư vấn và đánh giá đầy đủ. Có nhiều điều để trao đổi, thích hợp cho từng người bệnh. Những lần đầu như thế này rất quan trọng, chắc chắn sẽ giúp chị an tâm hơn.
 
Về chuyện con cái, bệnh ĐTĐ nếu không kiểm soát đường huyết chắc chắn ảnh hưởng đến baby như: thai có thể chết lưu hoặc chết quanh thời điểm chuyển dạ, sanh non, sanh con to (>4kg),...

Mọi thắc mắc về bệnh ĐTĐ, xin chị cứ đặt câu hỏi ở mục Khám bệnh online, BS sẵn sàng giải đáp.

Thân mến!

TS.BS Lê Tuyết Hoa


Chào BS Tuyết Hoa,

Tôi cũng mới phát hiện bị đường cao nên rất lúng túng về việc thử đường và chưa biết cần làm những xét nghiệm gì. Tôi nghe nói người bị ĐTĐ rất dễ bị mù, có đúng như vậy không, thưa BS?

Một bạn đọc

 
Chào bạn,

Các xét nghiệm cần làm đối với người bị ĐTĐ như sau:

- Thử đường máu: trước ăn, 2 giờ sau ăn va thậm chí lúc đi ngủ

Nếu đường huyết đói chưa ổn định thì không cần phải thử đường 2 giờ sau ăn. Nói chung, theo dõi đường 2 giờ sau ăn khi đường huyết đói đã tốt rồi. Không nhất thiết phải thử hàng ngày.
 
Nếu đang chích insulin mà đường chưa tốt, cần thử cách 3 - 5 ngày để điều chỉnh đường, nếu đang uống thuốc viên có thể thử mỗi tuần.

Tuy nhiên, nếu đường huyết quá cao thì nên thử mỗi ngày hoặc 2 - 4 lần/ngày để điều chỉnh cấp thời (tùy thuộc vào việc bạn có sẵn máy thử đường hay không và tình trạng của bạn, đang điều trị ngoại trú hay nằm viện...)

- Thử HBA1C mỗi 3 - 6 tháng

- Kiểm tra đáy mắt, khám bàn chân, khám răng miệng mỗi năm 1 lần

- Kiểm tra mỡ máu và albumin nước tiểu mỗi năm

- Đánh giá tim mạch: luôn luôn ở mỗi lần khám và tiến hành các thử nghiệm thích hợp khi có chỉ định

Biến chứng mắt có liên quan đến thời gian mắc bệnh ĐTĐ, có thể gây mù. Đây là sự tổn hại mạch máu nhỏ nuôi võng mạc. Nhưng bạn cũng đừng quá lo lắng, tỉ lệ người bị biến chứng này và mù không cao.

Thân mến!

TS.BS Lê Tuyết Hoa
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]