Tiểu thuyết mới của Murakami cho những tâm hồn trôi dạt

15.5608

"Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương" khám phá sự cô độc của con người trong bối cảnh hiện đại, nhưng nằm ngoài sự tác động của thời đại số.

Tác phẩm: Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương
Tác giả: Haruki Murakami
Dịch giả: Uyên Thiểm
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành ngày 28/9 tại Việt Nam

Trong tác phẩm mới nhất của mình, Haruki Murakami dựng nên câu chuyện về chàng Tazaki Tsukuru, 36 tuổi. Anh là nhân viên thiết kế nhà ga ở Tokyo, độc thân, thể chất khỏe mạnh, được hưởng khoản thừa kế lớn từ cha - một doanh nhân thành công trong lĩnh vực bất động sản. Với những điều kiện đó, Tsukuru hoàn toàn là một người đàn ông ưu tú, cuộc sống nhìn bề ngoài tốt đẹp. Thế nhưng, ẩn sâu trong tâm hồn là những hố đen thương tổn mà anh cố chôn chặt.

Sách "Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương" nói về sự cô độc và mong manh trong tâm hồn người nhạy cảm.

Thời trung học, Tsukuru có bốn người bạn thân. Bọn họ tạo thành một nhóm hài hòa, thống nhất hoàn hảo. Trong tên Hán tự của bốn người bạn đều có từ chỉ màu sắc: hai bạn trai có từ "Đỏ" và "Xanh", hai bạn gái có từ "Đen" và "Trắng". Họ nhanh chóng gọi nhau bằng màu sắc thay cho tên, duy chỉ có Tazaki Tsukuru không có từ chỉ màu sắc, nên được gọi là "Tsukuru không màu". Trong năm người, cũng chỉ có Tsukuru rời bỏ quê nhà là Nagoya để tới theo học một trường đại học ở Tokyo nhằm thực hiện mong muốn tạo ra những nhà ga của mình.

Suốt năm đầu học đại học, Tsukuru đi về liên tục giữa Tokyo và Nagoya. Cho tới một ngày kia, anh về quê như thường lệ thăm nhóm bạn, thì tất cả đều từ chối gặp. Bốn người bạn đầy màu sắc, sinh động đã bất ngờ đoạn tuyệt không một lời giải thích với Tsukuru không màu. Chàng trai 20 tuổi trở lại Tokyo với một vết thương lòng chí tử, đeo đẳng dai dẳng suốt 16 năm trời. Mất năm tháng để vượt qua ý muốn tự tử, anh mặc định: Tazaki Tsukuru là người không màu và trống rỗng. Tsukuru chẳng kết bạn với ai, ngoại trừ cậu bé Haida (cũng lại mang trong tên màu Xám), nhưng cậu bé có tư duy vô hình sáng láng ấy cũng đột ngột bỏ anh đi nốt. Chàng trai không màu cũng trải qua vài cuộc tình, nhưng anh chưa thực sự thấy sẽ gắn bó. Chỉ tới khi được mai mối với Kimoto Sara, Tsukuru mới cảm thấy nhất thiết phải có được và gắn bó với con người ấy. Cô gái 38 tuổi thông minh, sắc sảo chính là người khích lệ, động viên, đưa Tsukuru vào cuộc hành hương về quá khứ, tìm lại cái lõi thật sự của vết thương.

Sau 16 năm bị đoạn tuyệt, Tsukuru bất ngờ xuất hiện tìm gặp Xanh và Đỏ ở quê nhà Nagoya. Qua họ, Tsukuru biết được lý do của việc anh bị cô lập. Họ cũng cho biết, họ chẳng tin chuyện anh cưỡng bức Trắng, nhưng những thương tổn mà Trắng phải chịu đựng khiến họ không thể nói lời xin lỗi với Tsukuru. Phải cất công sang tận Phần Lan tìm gặp Đen để hiểu hơn về nguyên nhân cái chết của Trắng, Tsukuru đã nhận được một bài học cho mình.

Đâu phải chỉ mình Tsukuru mang vết thương lòng, người mong manh nhất là Trắng đã chết một cách bí ẩn trước đó sáu năm, rồi Xanh và Đỏ dù thành đạt vẫn mang trong lòng những vấn đề khó giải quyết. Và Đen dù sang tận Phần Lan lấy chồng, sinh con, có công việc đầy sáng tạo vẫn phải thú nhận: "Việc cắt đứt với cậu đã để lại trong lòng tất cả bọn mình một vết thương. Vết thương ấy chẳng hời hợt chút nào".

Và cái mà Tsukuru nhận được ở tuổi 36 không chỉ là sự giải thoát khỏi định kiến không màu, trống rỗng, cô độc, nó còn là sự mong manh của lòng người: "Tazaki Tsukuru đã hiểu ra, ở phần sâu xa nhất trong linh hồn mình. Lòng người và lòng người không bao giờ gắn kết với nhau chỉ bởi sự hài hòa. Mà trái lại, gắn kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương. Nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh. Không có sự tĩnh lặng nào mà không chứa đựng những tiếng kêu bi thống, không có sự dung thứ nào mà không đổ máu trên mặt đất, không có sự chấp nhận nào mà không phải vượt qua những mất mát đau thương. Đó là thứ nằm trong căn đế của sự hài hòa đích thực".

Cái kết của tác phẩm là sự mù mờ về mối quan hệ giữa Tsukuru và Sara, đó là một dụng ý của tác giả. Mặc dù trước đó Sara nói rất thích Tsukuru, cô là người giúp anh tự tin, mạnh dạn đối mặt với vấn đề của mình; đến gần cuối, lại xuất hiện cùng người đàn ông khác khiến cho anh đầy bất an. Dù Tsukuru đã quyết tâm phải có bằng được cô gái thông minh, sắc sảo, bao dung ấy, thì cái kết của tác phẩm một lần nữa nhấn mạnh: thật ra, lòng người hay bất cứ thứ gì là tâm lý, là vô hình đều mong manh.

Trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình, Haruki Murakami đặt các nhân vật vào bối cảnh hiện đại, nhưng cuộc sống của các nhân vật không chịu sự chi phối của công nghệ số - thứ đang ảnh hưởng tới đời sống của phần lớn dân thành thị. Các nhân vật vẫn mang nét đặc trưng trong tiểu thuyết của Murakami: thích bơi, nghe nhạc cổ điển, làm tình, và vấp phải một vấn đề về tâm lý.

Các nhân vật liên lạc với nhau bằng điện thoại bàn, họ nghe nhạc bằng đĩa than, đọc sách ở thư viện. Chi tiết hiếm hoi nhắc tới việc dùng thư điện tử và tra thông tin bằng Google, thì nhân vật của Murakami đã đưa ra quan điểm: "Về cơ bản, chúng ta đang sống trong một thời đại dửng dưng, nhưng đồng thời cũng bị bao bọc bởi một khối lượng thông tin khổng lồ về những người khác. Nếu muốn, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể dễ dàng lấy được những thông tin như thế. Dẫu vậy, chúng ta thật sự gần như chẳng biết gì về mọi người".

Không gắn với Internet hay nhiều thứ thuộc kỹ thuật số vốn được xem là nhanh, thông minh, sôi động, nhân vật trong tác phẩm này dường như đều sống nhiều với nội tâm của chính mình. Giữa thời đại mà facebook, mạng xã hội phát triển mạnh những nhân vật như Tsukuru giống như những tâm hồn mong manh, trôi dạt, khó lòng kết nối với người khác. Thông điệp về sự cô độc của những tâm hồn nhạy cảm do đó được nhấn mạnh.

Âm nhạc luôn là một chi tiết quan trọng trong các tiểu thuyết của Murakami. Nếu như ở Rừng Nauy, bản nhạc Norwegian Wood của The Beatles được nhắc đi nhắc lại, thì trong Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương, tác phẩm Những năm hành hương là một chìa khóa mở ra cánh cửa khác để hiểu hơn về tác phẩm. Cụ thể, Le mal du pays (Hoài hương) là bản số 8 trong phần 1 – Suisse, thuộc tổ khúc Những năm hành hương của nhà soạn nhạc Liszt trở đi trở lại trong tiểu thuyết. Đoản khúc ấy khi thì cất lên trong đĩa than mà Haida thường nghe tại căn hộ của Tsukuru ở Tokyo, lúc cất lên trong ngôi nhà ven hồ của Đen tại Phần Lan. Có lúc, những âm thanh ấy dội về từ quá khứ, là thanh âm mà Trắng - cô gái xinh đẹp, tao nhã thường chơi. Giống như một mật mã để người đọc lần theo, vịn vào trong cuộc hành hương tìm hiểu, khám phá nội tâm các nhân vật, Le mal du pays với những đơn âm đã phủ lên cuốn tiểu thuyết không khí u sầu, lặng lẽ và cô độc.

Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương dễ đọc hơn so với những tiểu thuyết khác của Murakami. Song không vì thế mà tác phẩm kém phần sâu sắc. Thông điệp mạnh mẽ của cuốn sách sẽ còn đồng vọng với bất kỳ ai đang thấy mình trôi dạt giữa thời Google và Facebook này.

Lam Thu

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]