Tim Cook đã thay đổi Apple như thế nào?

Khi Tim Cook lên làm giám đốc điều hành năm 2011 các chuyên gia dự đoán đế chế Apple sẽ kết thúc. Không có Steve Jobs, Apple sẽ bị diệt vong. Vậy mà kể từ ấy Apple thành công nối tiếp thành công.

0

Các fan của Apple nói rằng đó là bởi Tim Cook là người phù hợp với vị trí lãnh đạo, người gìn giữ ngọn lửa của Steve. Còn các nhà phê bình lại nói rằng chẳng qua chưa đến lúc Cook làm rối loạn mọi thứ lên. Vậy bên nào đúng?

Theo Tech Radar, ông Tim Cook đã làm việc cho Apple từ năm 1998. Dưới sự điều hành của Tim Cook, Apple đã trở thành công ty đáng giá nhất thế giới. Cook là người đã tiếp tục thực hiện được những lời hứa của Steve Jobs để lại.

Với triết lí hàng tồn kho "về cơ bản là không hay", Cook đã kí hợp đồng gia công sản xuất mọi sản phẩm của Apple, loại bỏ gần như hoàn toàn hàng tồn kho và khiến cho Apple lãi không thể tưởng tượng được. Trong khi các hãng điện tử khác phải vật lộn với lợi nhuận biên một con số, tỷ suất lợi nhuận gộp của Apple cao hơn 45%. 

Ông Cook cũng đàm phán các giao dịch và đầu tư vào các nhà cung cấp để bảo đảm khi Apple cần linh kiện hãng sẽ có ngay – thường là qua mặt các đối thủ, những người không thể có được linh kiện với số lượng đầy đủ với giá thành hợp lí. Một chuyên gia trong ngành đã từng nói: "Nếu như không nhờ Tim Cook thì iPad phải đắt tới 5.000 USD".

Apple có thể sống sót mà không có Cook nhưng chắc chắn không thể sống tốt như bây giờ. Nếu không nhờ vào sự lãnh đạo của Cook trong quá trình sản xuất và phân phối, Apple chưa chắc đã trở thành công ty nghìn tỉ đầu tiên trong lịch sử.

Nếu không kể đến chứng nghiện công việc (Cook nổi tiếng vì những email được gửi lúc 4.30 sáng) thì CEO mới của Apple rất khác so với người tiền nhiệm. Cook khiêm tốn và nhỏ nhẹ, một người đàn ông chu đáo và hạnh phúc khi cùng chia sẻ ánh hào quang của sân khấu. Khi công bố iPhone 4S, thành tựu đầu tiên sau khi đảm nhận công việc của Jobs, Cook giao phần lớn bài diễn thuyết cho các giám đốc điều hành khác của Apple. Đó không phải là một đêm ngẫu hứng khi mà sự kiện ra mắt iPad năm nay cũng diễn ra tương tự.

Nhìn chung, Tim Cook là một người đàn ông dễ thương nhưng rất nghiêm khắc. Theo một bản tin trên CNN, năm 1998 khi ông chủ trì một cuộc họp để thảo luận một vấn đề ở Trung Quốc: "Tình hình rất xấu. Ai đó cần ở Trung Quốc lo việc này ngay", ông nói.

Nửa tiếng sau đó, ông quay sang Giám đốc tác nghiệp (COO) Sabih Khan và nói: "Sao anh vẫn còn ở đây?" Khan hiểu ý và lập tức đáp máy bay sang Trung Quốc. Cook không nổi giận. So với ông, Steve Jobs được ví là như là người hùng Hulk trong phim The Incredible Hulk (Người khổng lồ xanh).

Cơn giận của người khổng lồ Hulk

Dĩ nhiên Steve Jobs không chuyển thành màu xanh hay đập vỡ một chiếc xe tăng nhưng cơn thịnh nộ của ông thì ai cũng biết tới. Nhưng thế có hiệu quả không? Thiên hướng hét tướng lên hay thậm chí sỉ nhục nhân viên của Jobs không nhất thiết là lí do Apple thành công. Có khả năng Apple vẫn phát triển dù bị Job "bắt nạt" chứ không phải vì bị bắt nạt mà phát triển.

Không có gì phải hồ nghi về niềm tin của Jobs đã khiến Apple chế tạo ra một số lượng sản phẩm tuyệt vời, đưa Apple từ ở trong một nhà để xe đến lọt vào danh sách công ty giàu có và chính nhờ sự nhấn mạnh vào khía cạnh hoàn hảo của Steve Jobs khiến cho những kĩ sư của Apple làm được những điều không thể.

Tuy nhiên, trong khi bản năng của ông thường đúng, hành vi nóng nảy của Steve Jobs cũng tạo ra nhiều kẻ thù cho Apple. Apple bị ghét nhiều ngang với được yêu thích mà trong nhiều trường hợp là do Jobs: Jobs, người bị các nhà hoạt động môi trường chỉ trích, kêu gọi Apple lẽ ra nên là một công dân doanh nghiệp tốt hơn; Jobs, kẻ thô bạo với những lo ngại về bóc lột lao động; Jobs, kẻ phản ứng trước những quan ngại chính đáng bằng cách thường giả vời như thể nó không tồn tại; Jobs, kẻ bắt nạt với cái tôi lớn bằng cả địa cầu.

Còn Tim Cook lại không giống thế và trong khi kinh doanh không giống như một cuộc thi phổ biến, chủ nghĩa thịnh nộ của Jobs không phải lúc nào cũng được việc. Ví dụ như trường hợp của Android, "một sản phẩm ăn cắp khốn kiếp" mà Steve Jobs thề là sẽ phát động "chiến tranh nhiệt hạch" để chống lại: "Tôi sẽ dành hơi thở cuối cùng nếu cần thiết, và sẽ tiêu đến xu cuối cùng của 40 tỉ USD của Apple trong nhà băng để sửa cái sai này...Tôi sẽ phá hủy Android", Steve Jobs nói với Walter Isaacson, tác giả cuốn tiểu sử Steve Jobs trong những ngày cuối đời như vậy.

Và rồi cuộc chiến ấy tiếp diễn thế nào? Samsung - một trong những kẻ cổ vũ Android lớn nhất đang là nhà cung cấp smartphone lớn nhất trên thế giới - và Apple đang thắng và thua trong các vụ kiện với tỉ lệ bằng nhau. Cuộc chiến của Apple là một cuộc chiến không có phần thắng, Tim Cook đã sớm biết điều này.

Đó là lí do Cook thỏa thuận với Samsung để kết thúc vụ kiện mặt đối mặt này. Phát biểu với giới phân tích tài chính trong cuộc họp lợi nhuận của Apple Cook cho biết ông "ghét kiện tụng và sẽ tiếp tục ghét nó", ông muốn "dàn xếp hơn là đấu tranh".

Điều này lai không có nghĩa ông là kẻ nhu nhược. "Điểm mấu chốt là Apple không trở thành người phát triển cho thế giới này. Chúng tôi muốn mọi người tự sáng tạo ra những công cụ cho riêng họ', Cook bày tỏ thêm. Không như Jobs, ông không chống lại Android. Nếu là cuộc chiến pháp luật cái tát trả bằng cái tát không giúp ích cho Apple thì Cook sẽ chấm dứt nó.

(Còn tiếp)

Lan Phương

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]