Những năm gần đây, không cần quan sát cũng có thể thấy hiện trạng âm nhạc đã có quá nhiều thay đổi và thay đổi quá nhiều mà phần lớn bắt nguồn từ việc chia sẻ nhạc trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Sự chia sẻ do đó kéo theo sự phát tán và “thụ phấn chéo” các sở thích cá nhân hoặc nhóm, theo lẫn ngược chiều thời gian và tạo nên một bức tranh chỉ có thể gọi … bát nháo. Gần như không một đĩa nhạc nào, dù hiếm quý đến đâu, không thể tìm ra được nếu ở đâu đó khác trên thế giới có một người sở hữu nó sẵn sàng chia sẻ.
Google Music Timeline
Mới đây, Google đã tung ra ứng dụng Music Timeline (Niên biểu âm nhạc) như muốn ghi lại bức tranh bát nháo này, theo cách minh họa sinh động gần như chưa từng có trước đây.
Nhìn vào dòng thời gian lẫn các tên tuổi gắn liền với nó, có thể hình dung khá rõ nét sự thăng và trầm của một dòng nhạc, hay các nhánh tẻ của nó từ phụ lưu trở thành chủ lưu liền lạc và thậm chí, tranh giành nhau vị trí ít ỏi trong sự quan tâm của người nghe hiện nay.
Cũng như thế, nhạc đại chúng, pop, rock hay metal, jazz hay r&b, hiphop, quét đều trong 5 thập kỷ vừa qua, chưa bao giờ chia cắt như ngày nay.
Tuy nhiên, ưu điểm và giới hạn của công cụ trưng bày có lẽ nằm ở chính cách thu thập dữ liệu người dùng từ chính thư viện của Google Play, một kênh phân phối dữ liệu số cạnh tranh với App Store nhưng trên nền tảng Android vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam. Thực tế Google Play Music vẫn chưa mở tại Việt Nam, vì nhiều lý do trong đó có việc vi phạm bản quyền.
Cách phân loại theo tên nghệ sĩ hơn là album hoặc chính thói quen nghe nhạc cũng ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả thể hiện. Dữ liệu do đó bị vênh và có thể không hoàn toàn đại diện thỏa đáng cho thị hiếu nghe nhạc của các quốc gia chưa có Google Play hoặc người sử dụng chưa đủ nhiều.
Tuy nhiên, khi kiến thức và hiểu biết về âm nhạc vẫn còn ở mức độ sơ khai, việc phân biệt rạch ròi giữa các dòng nhạc trong giai đoạn này quả thật … xa xỉ. Chừng nào sự hấp thụ kiến thức vẫn còn ì ạch và thụ động như hiện nay nơi người nghe như trong trường hợp của Việt Nam, điều này có lẽ đặc biệt đúng khi các tranh cãi vô nghĩa về những điều đã được công nhận vẫn còn diễn ra.
Công cụ này không bao gồm tag nhạc cổ điển vì nhiều lý do, kể cả độ đại chúng của một ít ỏi các tác phẩm và tác giả đã đi sâu vào đời sống thường ngày. Nếu dòng nhạc nào khác ta yêu thích không có trong Music Timeline, có lẽ ta vẫn chưa nghe nhạc “đủ” đại chúng như người khác.
Để tìm hiểu thêm về Google Music Timeline có thể truy cập địa chỉ: https://research.google.com/bigpicture/music/

Nhiễu Sam