Tìm hiểu về ngành điện ảnh

Lĩnh vực này là không nhất thiết đòi hỏi bạn phải có bằng cấp chuyên môn để bắt đầu với nghề. Bạn có thể đến với điện ảnh từ rất nhiều con đường khác nhau, từ những công việc khác nhau.

15.5883

Các nghề nghiệp trong ngành điện ảnh liên quan với nhau chặt chẽ. Không ít diễn viên, nhà quay phim sau này trở thành trợ lý đạo diễn rồi đạo diễn, cũng có không ít đạo diễn kiêm diễn viên hay biên kịch.

Ngày nay, với sự phát triển của các loại hình giải trí, mảnh đất của điện ảnh luôn hấp dẫn các bạn trẻ đầy đam mê và khát vọng thể hiện mình.

Phẩm chất và kỹ năng cần thiết

- Năng lực sáng tạo, thể hiện cảm xúc tốt

- Tư duy nghệ thuật

- Óc tưởng tượng phong phú

- Khả năng giao tiếp tốt, linh hoạt, chủ động

- Sức khỏe tốt, có thể làm việc với cường độ cao và áp lực lớn

Một số địa chỉ đào tạo

Nếu bạn muốn học chuyên về điện ảnh và các lĩnh vực nghề nghiệp của nó, bạn có thể theo học tại: Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh Tp.Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đăk Lăk, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Nha Trang v.v...

Một số nghề nghiệp trong ngành điện ảnh

  • 1

    Diễn viên

    Diễn viên thể hiện nhân vật trong các bộ phim, kịch sân khấu và các chương trình nghệ thuật khác cho nhà hát, xưởng phim, đài phát thanh - truyền hình và các phương tiện truyền thông khác. Bằng ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ, giọng điệu, gương mặt..., họ biến những nhân vật tưởng tượng trong kịch bản thành con người thật, đầy sống động trong tác phẩm kịch, điện ảnh, truyền thanh...

    Công việc chính của diễn viên là tham gia thử vai trong tác phẩm; nghiên cứu kịch bản để hiểu vai diễn, học thuộc lời thoại, cử chỉ, động tác dưới sự hướng dẫn của đạo diễn; hóa trang phù hợp và thể hiện vai diễn trong tác phẩm điện ảnh.

    Diễn viên thường xuyên rèn luyện cơ thể, giọng nói, tập biểu hiện xúc cảm... để biểu diễn tốt hơn. Đôi khi, do yêu cầu của vai diễn, họ có thể phải tập vũ đạo, tập võ v.v…

    Khác với những nghề nghiệp “công sở”, công việc của diễn viên không mang tính chất ổn định và lặp lại, cũng không có giờ làm cố định. Nghề diễn viên khi công việc dồn dập, khi lại “ngồi chơi xơi nước”. Không ít khi họ phải làm việc ngoài trời dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

    Những phẩm chất cần thiết cho người diễn viên là ý chí quyết tâm, khả năng tưởng tượng và biểu hiện xúc cảm tốt, chủ động, sáng tạo, ứng biến linh hoạt, có khát vọng thể hiện bản thân, có trí nhớ tốt, khả năng làm việc dưới áp lực lớn, công việc vất vả. Sự chăm chỉ, tận tụy cũng là một yếu tố không thể thiếu để thành công trong nghề này.

  • 2

    Đạo diễn

    Đạo diễn là chỉ đạo chung toàn bộ quá trình sản xuất bộ phim, hoặc chỉ đạo các lĩnh vực trong trong quá trình thực hiện tác phẩm. Họ là người có trách nhiệm cuối cùng trong việc đảm bảo rằng mọi thứ đã sẵn sàng để trình chiếu.

    Đạo diễn nghiên cứu kịch bản để quyết định cách chuyển thành các bối cảnh, cảnh quay, hình ảnh và diễn xuất hợp lý...; lên kế hoạch và sắp xếp cho việc thiết kế sân khấu hoặc trường quay, trang phục, hiệu quả âm thanh và ánh sáng; chọn diễn viên và phân vai cho các nhân vật trong tác phẩm bằng cách xem thử vai và chỉ đạo các buổi tập; hợp tác với các bộ phận của studio hoặc dựng cảnh sân khấu, diễn viên và các kỹ thuật viên trong quá trình tập và biểu diễn hoặc quay. Sau khi quay xong đạo diễn chỉ đạo việc biên tập phim hoặc băng video, ghép thêm phần âm nhạc, kỹ xảo hình ảnh và các hiệu ứng khác khác để tạo thành sản phẩm cuối cùng.

    Những phẩm chất cần cho một đạo diễn giỏi là khả năng sáng tạo thẩm mỹ; khả năng truyền đạt tốt; khả năng lãnh đạo, quản lý tốt, tổ chức tốt; luôn bình tĩnh trước áp lực của công việc; kinh nghiệm rộng và dày dặn về ngành công nghiệp phim ảnh.

    Đạo diễn làm việc trong các công ty sản xuất phim, truyền hình, băng đĩa nhạc..., cho các nhà hát, hãng phim, đài truyền hình... Không ít người trong số họ cũng làm việc theo kiểu tự do. Đây là một nghề có tính cạnh tranh rất cao và đòi hỏi năng lực vượt trội.

  • 3

    Biên kịch

    Biên kịch viết kịch bản cho sân khấu, phim, phát thanh, truyền hình và các sản phẩm truyền thông khác. Những kịch bản này có thể bắt nguồn từ ý tưởng của chính nhà biên kịch hoặc được chuyển thể từ các tác phẩm văn học.

    Đầu tiên, nhà biên kịch hình thành ý tưởng, nghiên cứu, thu thập tư liệu về một đề tài chủ đề (do anh ta tự nghĩ ra hoặc theo đặt hàng). Sau đó, anh ta lên khung và tổ chức chất liệu, sáng tác hoặc chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch bản, bao gồm phần thoại, mô tả nhân vật, cử chỉ, vận động bối cảnh, kèm theo các thông tin cần thiết cho nhà sản xuất, đạo diễn, nhà quay phim...

    Hoàn thành kịch bản, nhà biên kịch chuyển kịch bản cho đoàn làm phim để cùng nhận xét, đánh giá, sửa lại kịch bản nếu cần. Nhiều khi biên kịch phải sửa lại kịch bản vài lần cho phù hợp.

    Tố chất cần thiết của một nhà biên kịch là khả năng sáng tác tác phẩm văn học; sự hiểu biết về điện ảnh; khả năng làm việc dưới áp lực, độ căng về thời gian.

  • 4

    Người quay phim

    Người quay phim điều khiển các máy quay ở trường quay để ghi hình bộ phim.

    Nhà quay phim thảo luận với đạo diễn về các ống kính sề sử dụng, các góc quay...; chọn và lắp ráp các thiết bị quay và phụ kiện đi kèm; kiểm tra âm thanh và ánh sáng; xem các cảnh qua kính ngắm, chỉnh ống kính và ghi lại hình ảnh; luôn điều khiển thiết bị trong quá trình quay, đảm bảo việc quay có hiệu quả chuyển máy quay và điều chỉnh phù hợp với cảnh quay tham khảo ý kiến các kỹ thuật viên khác như kỹ thuật viên ánh sáng hoặc âm thanh để đạt được kết quả mong đợi. Anh ta cũng giám sát các trợ lý quay trong quá trình sản xuất phim.

    Người quay phim làm việc với tư cách một thành viên trong đoàn làm phim và thường phải làm việc liên tục bất kể ngày đêm hay kỳ nghỉ. Họ cũng đi lại rất nhiều tới các điểm quay khác nhau.

    Tố chất cần thiết cho nhà quay phim là cảm nhận tốt về hình ảnh, óc tưởng tượng phong phú, sáng tạo, tính kỷ luật, sự kiên nhẫn, khả năng làm việc dưới áp lực cao.

  • 5

    Người dựng phim

    Người dựng phim quyết định về việc biên tập lại các đoạn phim, cắt hoặc ghép các cảnh với nhau phục vụ cho việc diễn tả tâm trạng, tốc độ và cao trào của phim v.v... Đầu tiên, người dựng phim xem các đoạn phim để phân tích, đánh giá và chọn các cảnh, các phân đoạn, từ đó quyết định cảnh nào cần được phát triển, cảnh nào cần quay lại. Anh ta cắt bớt các đoạn, cảnh phim để đảm bảo độ dài của phim và sắp xếp các cảnh quay theo thứ tự để đảm bảo tính hiệu quả tối đa của bộ phim. Người dựng phim kết hợp với các chuyên gia khác biên tập phần âm nhạc và các hiệu ứng, kỹ xảo hình ảnh.

    Người dựng phim làm việc trong các hãng sản xuất phim, công việc căng thẳng, thường xuyên phải làm ngoài giờ cho kịp tiến độ. Nghề này đòi hỏi khả năng cảm nhận nghệ thuật tinh tế, kiên nhẫn và tỉ mỉ cũng như khả năng làm việc theo nhóm.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]