Tìm hộp đen máy bay QZ8501 như thế nào?

Hơn một tuần trôi qua nhưng hộp đen chiếc máy bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia vẫn chưa thấy tăm hơi bất chấp việc người ta đã xác định được vị trí xác chiếc máy bay rơi xuống đáy biển.

15.6093

Độ sâu trung bình của biển Java

Ngày 3/1, Bambang Soelistyo, người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm Cứu hộ Indonesia (BASARNAS) thông báo đội tìm kiếm đã phát hiện thân chính của máy bay QZ8501 dưới đáy biển Java gần thị trấn Pangkalan Bun, ở độ sâu khoảng 30m.

Nhiều thợ lặn và tàu tìm kiếm đã được huy động đến hiện trường nhưng không một tàu tìm kiếm nào trong khu vực phát hiện tiếng "ping", tín hiệu định vị được hộp đen phát ra khi máy bay gặp tai nạn. 5 tàu có khả năng xác định được vị trí của hộp đen đã được triển khai sáng 5/1.

Cả hai hộp đen của máy bay nằm gần phía đuôi của chiếc Airbus A320 nhưng chưa rõ liệu phần này của máy bay có nằm trong số các mảnh vỡ vừa tìm được dưới đáy biển hay không. Việc tìm kiếm giờ đây tập trung vào khu vực cách bờ biển đảo Borneo khoảng 90 hải lý.

Báo Straits Times dẫn lời ông Bambang Soelistyo tỏ ra lạc quan rằng hộp đen máy bay có thể chỉ nằm đâu đó quanh xác máy bay. Ông Soelistyo nói: “Dựa trên các kinh nghiệm trong quá khứ, hộp đen không nằm cách xa các mảnh vỡ máy bay mà chúng tôi đã tìm được”.

Đến nay đội tìm kiếm đã vớt được 34 thi thể các nạn nhân, trong đó có cả những nạn nhân bị mắc kẹt trong ghế ngồi bên trong thân máy bay. Có thể nhiều nạn nhân khác vẫn còn bên trong xác máy bay nằm dưới đáy biển. Ông Soelistyo cho rằng thách thức hiện nay trong việc tìm kiếm là bùn ở dưới đáy biển.

Nhiều vật dụng từ máy bay được vớt lên

Hộp đen máy bay gửi ra một tín hiệu “ping”, được kích hoạt khi chìm trong nước, có thể thu nhận được bởi microphone và bởi “thiết bị phân tích tín hiệu”.

Cả thiết bị thu âm và thiết bị thu dữ liệu đều phát “ping” riêng. Pin cho phần phát “ping” trên chuyến bay QZ8501 chỉ hoạt động trong 30 ngày.

Một số bộ phận phát “ping” hoạt động tới 90 ngày. Những khác biệt này là do quy định hàng không đã có những thay đổi sau vụ tai nạn máy bay 447 của Air France. Người ta đã mất gần hai năm để tìm được hộp đen của nó, và các quy định mới đòi hỏi việc phát tín hiệu ping phải được duy trì 90 ngày để các nhóm tìm kiếm có thêm thời gian.

Ngay cả khi pin phát “ping” cạn kiệt, thì các dữ liệu thu được trong thiết bị vẫn còn nguyên. Hộp đen được gắn vào đuôi máy bay để tránh bị hư hại nếu bị tai nạn từ phía trước. Đó là một hộp nhỏ cỡ hộp đựng giày. Khác với tên gọi, thiết bị này có màu cam sáng. Thế nhưng nó không dễ phát hiện ra giữa đại dương mênh mông.

Nếu như bộ phận phát “ping” hết pin, thì người ta sẽ phải dùng các biện pháp khác, chẳng hạn như dùng máy do kim loại. Tín hiệu ping chỉ có thể thu được trong phạm vi bán kính một dặm.

Hộp đen được làm bằng nhôm và được thiết kế để chịu được sức va đập mạnh, sức nóng từ hỏa hoạn dữ dội và áp suất lớn. Do đó nó nặng, khoảng 10kg, tuy kích thước nhỏ, và sẽ nhanh chóng chìm xuống.

Biển Java nơi chiếc QZ8501 rơi là biển nông nên người ta hy vọng dễ dàng tìm thấy hộp đen của chiếc máy bay không như chiếc MH370 bị nghi là rơi xuống Ấn Độ Dương, có độ sâu từ 1.150m đến 7.000m.

Ngay cả khi tìm được hộp đen và giải mã thì chưa chắc nguyên nhân chiếc QZ8501 rơi được làm rõ.

Theo Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG), nguyên nhân khả dĩ nhất khiến máy bay số hiệu QZ8501 bị rơi là do tinh thể băng trong các đám mây phá hủy động cơ may bay. "Rất có khả năng động cơ máy bay hư hại do bị đóng băng" - báo cáo của BMKG viết.

Bản "phân tích khí tượng" dài 14 trang mà cơ quan trên phát hành là những tuyên bố chính thức đầu tiên của Jakarta về nguyên nhân tai nạn. Bản báo cáo này cũng phần nào xác nhận những giả thuyết mà giới chuyên gia bàn luận những ngày qua. Tuy nhiên, BMKG cẩn thận nói: "Đây chỉ là một phân tích dựa trên các dữ liệu khí tượng có sẵn chứ không phải là kết luận chính thức nguyên nhân máy bay rơi".

Theo BMKG, có thể chiếc Airbus A320-200 đã bay vào các đám mây bão. Các dự báo thời tiết trước chuyến bay cũng cho thấy lộ trình dự kiến của QZ8501 xuyên qua khu vực có "những điều kiện đáng lo ngại", thậm chí cảnh báo một cơn bão. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiệt độ có thể rớt xuống -80 đến -85 độ C, tức là xuất hiện các hạt băng trong mây.

Nh.Thạch (tổng hợp)

Nguồn:
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]