Tìm “nhạc trưởng” giữ an toàn thực phẩm

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, muốn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cần có một “nhạc trưởng” đủ năng lực

15.6032

Quốc hội (QH) ngày 26-11 đã thảo luận tại hội trường 3 dự án luật: Luật Thi hành án hình sự, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và Luật Người khuyết tật.


Lập ủy ban quốc gia về VSATTP?


Trong phiên thảo luận chiều 26-11 về dự thảo Luật VSATTP, nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng muốn bảo đảm VSATTP, cần thiết phải có một “nhạc trưởng” đủ năng lực.


Theo ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Bộ Y tế có quá nhiều việc và phải tập trung vào công tác khám - chữa bệnh nên có thể giao trách nhiệm quản lý VSATTP cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường - Chất lượng Bộ Khoa học – Công nghệ.

ĐB Thuyết cũng đề xuất phương án khác là lập ủy ban quốc gia về VSATTP song lại cho rằng cần cân nhắc thêm vì mô hình ủy ban quốc gia hiện nay phần lớn hoạt động không hiệu quả! Tán đồng, ĐB Trần Văn Bản (Bình Định) cho rằng nên thành lập ủy ban quốc gia về VSATTP. Nếu không, vẫn giao trách nhiệm cho Cục VSATTP - Bộ Y tế như hiện nay nhưng phải tăng thẩm quyền cho đơn vị này.


ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đề nghị: “Luật VSATTP phải có quy định rõ ràng để người dân biết phải báo cho ai khi có nghi ngờ một sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, cơ quan nào giải quyết, cơ quan nào chịu trách nhiệm vì các vụ nước tương đen, chế biến mỡ bẩn, chân gà thối... cuối cùng đều không tìm được địa chỉ quy trách nhiệm”.


Thực phẩm tươi sống bày bán nhếch nhác ngay trên lề đường cạnh chợ Hòa Bình - TPHCM. Ảnh: T.THẠNH


Dẫn thực tế con tôm, trái thanh long VN vào Mỹ vô cùng khó khăn, trong khi “đùi gà đi nửa vòng trái đất vào VN, để ngoài chợ nửa tháng” vẫn bán cho người tiêu dùng, ĐB Xuân cho rằng luật phải bổ sung hàng rào đối với thực phẩm nhập khẩu để đạt hai mục đích: Bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ sản xuất trong nước.


Trước thực trạng “loạn” sản phẩm chức năng, nhiều ĐB đề nghị luật cần có một chương riêng, trong đó quy định thực phẩm này không được bán trong hiệu thuốc; không được quảng cáo quá tác dụng thực tế gây nhầm lẫn cho người sử dụng.


Tử hình: Nên tiêm thuốc độc


Việc thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn như hiện nay hay tiêm thuốc độc đã được các ĐBQH tranh luận khi góp ý dự án Luật Thi hành án hình sự vào sáng cùng ngày. Theo dự luật, việc thi hành hình phạt tử hình được thực hiện theo hai hình thức xử bắn hoặc tiêm thuốc độc.

Một số ĐB tán thành hình thức tiêm thuốc độc nhưng số khác, dù không phản đối, đã đưa ra nhiều ý kiến băn khoăn và đề nghị cần nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng.


ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, cho rằng thời gian qua, hình thức xử bắn đã phát huy được tính răn đe. Tuy nhiên, bà Nga cũng dẫn ra nhiều thực tế khó khăn, từ phong tục, tập quán cho đến tâm lý người thi hành... trong việc áp dụng hình thức xử bắn để cho rằng đã đến lúc phải thay đổi bằng hình thức tiêm thuốc độc. Theo bà Nga, tiêm thuốc độc “bảo đảm tính nhân đạo, phù hợp với xu hướng hiện đại”.


ĐB Ngô Minh Hồng (Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM) cho rằng bản thân bản án tử hình đã nghiêm khắc và có ý nghĩa trấn áp tội phạm. Song bà Hồng cũng tỏ ra băn khoăn về hình thức tiêm thuốc độc và nếu áp dụng cần giải trình kỹ hơn.


Các ĐBQH cũng đã thảo luận về việc có cho mang thi thể tử tù về gia đình mai táng hay không cũng như các vấn đề hiến xác, mô, bộ phận cơ thể vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy của người chịu án tử hình...


Hôm nay, 27-11

Quốc hội thông qua nghị quyết chất vấn

Kỳ họp thứ 6, QH khóa XII sẽ họp phiên bế mạc vào sáng nay, 27-11, với việc thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp này.

Sau khi Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH về dự thảo nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, Ủy viên Đoàn Thư ký kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Đức Hiền trình bày dự thảo nghị quyết để ĐBQH biểu quyết thông qua.


Trong phiên bế mạc, QH cũng biểu quyết nghị quyết giám sát về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; đồng thời thảo luận tiếp về dự án Luật Người khuyết tật.

P.Dương

Tô Hà - Phạm Dương
Bình luận
Đăng nhập để ý kiến của bạn xuất bản nhanh hơn
 
 
Hoặc nhập thông tin của bạn

Mới nhất Hay nhất
Media
  • Lịch phát sóng
Kinh tế
Thể thao
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]