“Tìm tri kỷ cho nghệ thuật dân tộc không dễ”

Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Vinh là tác giả của các tác phẩm thuộc nhiều thể loại (khí nhạc, nhạc múa, nhạc không lời, hoà tấu dàn nhạc).

15.5967

 Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Vinh.
Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Vinh là tác giả của các tác phẩm thuộc nhiều thể loại (khí nhạc, nhạc múa, nhạc không lời, hoà tấu dàn nhạc). Tác phẩm của anh thường rất ấn tượng và được công chúng tiếp nhận ngay. Có điều, ít ai biết rằng, tác giả của những khúc nhạc oai hùng, hoành tráng như Rạng rỡ Việt Nam, Vì một thế giới ngày mai... cũng là người tiên phong trong việc hiện đại hóa biểu diễn nghệ thuật dân tộc từ những năm cuối thập niên 70. Vị Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam này đang tiếp tục lộ trình cải cách của mình. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh xung quanh ý nguyện này.

- Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Âu Cơ với hệ thống âm thanh, ánh sáng tiêu chuẩn quốc tế, hiện đại nhất Việt Nam đã khánh thành. Có phải nỗi lo lớn nhất của anh giờ đây là làm thế nào để Âu Cơ luôn đỏ đèn?

Nỗi lo lớn nhất là làm thế nào để các nghệ sĩ của Nhà hát được diễn thường xuyên. Nếu đỏ đèn không thôi thì không khó vì chúng tôi có thể cho thuê sân khấu và làm các dịch vụ khác, nhưng như vậy thì không đúng với ý nguyện. Nhà hát có nhiều nghệ sĩ thuộc đủ các lứa tuổi, làm thế nào để tất cả cùng đứng vững được trên chính sân khấu nhà mình, lôi kéo khán giả bằng chính sức mình. Định hướng của chúng tôi là biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao, bên cạnh đó là các hoạt động phụ trợ khác. Nhà hát sẽ xây dựng các chương trình biểu diễn đa dạng về hình thức, phong phú về thể loại, với kết cấu được thay đổi liên tục, để giới thiệu văn hóa Việt Nam với khán giả trong và ngoài nước.

- Nhà hát có nhiều nghệ sĩ lớn cả về tầm vóc lẫn tuổi nghề, đó là lợi thế, song cũng có thể lại là hạn chế trong xu thế xã hội hoá?

Đó cũng là thách thức lớn. Không phải cứ có nhiều nghệ sĩ là được. Cần nhất là phải "đổi món" liên tục để định kỳ giới thiệu chân dung các nghệ sĩ. Nếu người cũ thì tác phẩm phải mới, phong cách mới, hoặc tác phẩm có thể cũ, song phong cách sẽ đổi mới, với những chương trình phù hợp thời đại.

Mỗi thể loại nghệ thuật đều có khán giả riêng của nó, nghệ thuật dân tộc cũng có thể lôi kéo được công chúng nếu làm hay, tạo được sự hấp dẫn.

- Nhưng làm thế nào để lưu giữ được những giá trị độc đáo của nghệ thuật dân tộc mà vẫn thích nghi với đời sống hiện nay?

Đây quả thật là một việc khó. Ai cũng biết nghệ thuật được sinh ra từ cuộc sống. Tuy nhiên, ngày nay đời sống xã hội đã khác xa những gì của nhiều năm trước. Vì vậy chúng ta không thể ngồi đó mà gặm nhấm vinh quang của cha ông để lại.

Với cuộc sống bận rộn và đầy lo toan hiện nay, việc đi tìm tri kỷ cho nghệ thuật dân tộc không phải là dễ. Nếu nghệ sĩ không thường xuyên học hỏi nâng cao về mọi mặt trong nghệ thuật biểu diễn, nhất là nghệ thuật dân tộc thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi trong thời đại mới.

 - Anh làm thế nào để giữ chân các nghệ sĩ nổi tiếng trong cơ chế Nhà nước với mức lương khiêm tốn?

   Nhà hát chúng tôi là một đơn vị nghệ thuật biểu diễn lớn nhất nước ta hiện nay với bề dày lịch sử và truyền thống vẻ vang, các nghệ sĩ đều là những người được đào tạo bài bản chính quy, đã gắn bó lâu dài. Họ là những nghệ sĩ chân chính, có lòng tự trọng và biết giữ danh dự cho chính mình.

Ngược lại với góc độ quản lý thì chúng tôi lại phải biết tôn trọng họ. Và điều quan trọng là cố gắng đảm bảo được những quyền lợi nhỏ bé của các nghệ sĩ, biết hy sinh vì họ thì chắc chắn ra đi sẽ là một việc họ phải đắn đo. Tóm lại là hãy làm sao để họ yêu nhà hát của mình.

- Là cánh chim đầu đàn, chắc hẳn anh có nhiều dự định cải tổ mạnh mẽ?

Chúng tôi xác định rằng đã đến lúc phải thay đổi chính mình, để khái niệm hoạt động biểu diễn phù hợp với thời đại, với nhu cầu của xã hội, mà hình như cũng không còn sớm nữa đâu!

- Xin chúc anh và Nhà hát thành công với ý nguyện của mình.

            Thiên Hương(thực hiện)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]