Tim yếu, tim khỏe

Trái tim song hành cùng chúng ta đến khi trút hơi thở cuối cùng. Vì thế sức khỏe của con tim là sức khỏe của toàn bộ cơ thể.

15.5874

Tim khỏe

Tim là một trong những cơ quan nội tạng làm việc không ngưng nghỉ. Nếu muốn biết con tim mình to cỡ nào, bạn chỉ cần nắm tay lại là biết ngay vóc dáng của "em ấy". Tim chịu trách nhiệm nuôi dưỡng toàn bộ các tế bào cơ thể, từ thần kinh trung ương đến các tế bào "vùng sâu vùng xa".

Để thực hiện nhiệm vụ, tim có hai "đàn em" đi vào tất cả ngõ ngách của cơ thể, được các nhà khoa học gọi là hệ thống động và tĩnh mạch. Động mạch đem máu có dưỡng khí (máu đỏ) đến các cơ quan và tế bào, còn tĩnh mạch (máu đen) thu hồi máu từ các tế bào về tim.

Trợ lực cho động mạch là lực đẩy của tim khi tim co vào và trợ lực cho tĩnh mạch là lực hút của tim khi phình ra. Máu tĩnh mạch thường ở xa và thấp hơn tim nên để máu dễ dàng về tim, trong tĩnh mạch còn có van như cánh cửa giúp máu chỉ đi theo một chiều.

Tim đập đều đặn 70 - 80 nhịp/phút, huyết áp bình thường 12/6. Thế nhưng, khi gặp vấn đề căng thẳng, lo sợ, gào thét, giận dữ… tim sẽ tăng tốc lên tới mức tối đa.

Sự tăng tốc này của tim do nội tiết tố thực hiện, nhằm giúp cơ thể vượt qua cơn khủng hoảng hiệu quả. Song, đôi khi sự nỗ lực này của tim lại không đem lại hiệu quả vì khi nóng quá, lý trí thường bị cơn giận lấn át nên lu mờ, bởi thế mới có câu "nóng mất ngon, giận mất khôn".

Khi giận dữ, toàn bộ cơ thể "vào trận", người trẻ tuổi dễ dàng lướt qua nhưng nếu tim đập như trống trận, máu chảy ào ạt trong một hệ thống đang lão hóa, sẽ dễ gây cảnh "vỡ đê" ngập lụt, khiến nạn nhân rơi vào tình trạng mà y khoa gọi là: tai biến.

Tim yếu

Tim yếu là khi tim "cần mẫn lao động" nhưng vẫn không đủ dưỡng chất, dưỡng khí cũng như lấy đi chất thải từ tế bào so với nhu cầu cơ thể. Tim phải làm ngày càng nhiều nên cơ tim dãn, tim ngày càng to, bệnh diễn tiến trong thời gian dài và không có triệu chứng rõ rệt.

Chỉ khi tim suy, tim sẽ co bóp yếu, khi phình ra thu hồi máu về không đủ. Máu từ tĩnh mạch không thể về tim, ứ lại tại "vùng sâu vùng xa", thường thấy nhất là bàn chân, mắt cá chân, tay… Biểu hiện nhìn thấy được là phù chân, phù tay.

Khi không đủ dưỡng chất cho tế bào, cơ thể sẽ báo động để tăng cường hô hấp. Người có tim không khỏe sẽ thở gấp, mau mệt…

Các chất thải của tế bào không được tĩnh mạch thu gom về hết không những gây nên bệnh ở tĩnh mạch mà còn khiến cho suy nghĩ không minh mẫn sáng suốt, luôn cảm thấy mệt mỏi…

Người bệnh luôn có cảm giác khó thở, nhất là mỗi lần gắng sức như khi leo lên cầu thang, khuân vác nặng… Bệnh nặng hơn nữa thì ngay cả lúc nghỉ ngơi, thư giãn vẫn có cảm giác mệt mỏi, khó thở…

Triệu chứng đau ngực cũng báo hiệu suy tim do viêm hay nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân sẽ thấy đau dữ dội sau xương ức lan ra cánh tay trái theo bờ trong hai cánh tay xuống tới hai ngón tay số bốn và số năm.

BS Phạm Nguyễn Vinh - BV Tâm Đức TPHCM cho biết: "Để phát hiện suy tim, bác sĩ sẽ đo huyết áp, kiểm tra điện tâm đồ… Khi phát hiện suy tim, tùy tình hình sức khỏe bệnh nhân mà bác sĩ sẽ tư vấn cách xử lý. Nếu là người hút thuốc, BS sẽ khuyên nên bỏ thuốc vĩnh viễn, vì hút thuốc sẽ làm xơ cứng toàn bộ các mao mạch.

Mao mạch bị xơ cứng thì tĩnh mạch khó lòng thu hồi máu. Nếu cao huyết áp có kèm xơ vữa, cần thực hiện chế độ ăn ít mỡ động vật, ít muối và nhiều rau xanh. Trong trường hợp bệnh nặng, BS sẽ cho dùng thuốc điều trị hoặc phẫu thuật.

Suy tim là một trong những bệnh mạn tính có chi phí điều trị tốn kém. Vì vậy, việc phòng ngừa bệnh tim mạch là điều cần quan tâm ngay từ khi tim còn khỏe.

Sự lo lắng, căng thẳng thường xuyên làm cho tim luôn ở trong trạng thái "tăng tốc" nên mau mệt, dễ suy. Vì vậy, cần học cách chế ngự như:

- Sống ôn hòa, theo phương châm "một điều nhịn chín điều lành".

- Học cách nói "không" khi cần thiết.

- Biết đủ là đủ.

- Biết chấp nhận những việc ngoài tầm tay không thể thực hiện.

- Nhìn sự việc theo chiều hướng tích cực.

Theo Phương Nam - Phụ nữ thành phố

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]