Tổ chức thi cử thế nào cho hợp lý?

Hiện nay, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Bộ GDĐT phải chỉ đạo, tổ chức nhiều kỳ thi cho học sinh trung học phổ thông: TNPT, ĐH-CĐ đợt 1, đợt 2... Chi bằng bộ nên làm theo phương châm “tinh giản, vững chắc”.

Bộ chỉ cần tập trung tổ chức kỳ thi ĐH-CĐ. Tình hình thực tế nước ta, thi ĐH-CĐ là để chọn nhân tài, loại bớt học sinh không có khả năng học lên cao, để các em chủ động xin vào các trường học nghề, hay là tìm một công việc khác cho phù hợp khả năng của mình để lập nghiệp, khẳng định vị trí trong xã hội. Ngay thi ĐH-CĐ hiện nay cũng có nhiều ý kiến khác nhau.

- Vẫn duy trì tổ chức thi “3 chung” hay giao quyền tự quyết tuyển sinh cho các trường.

- Tổ chức thi tập trung ở các thành phố lớn (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng) để bộ dễ tập trung chỉ đạo, hay tỉnh nào tổ chức thi ở tỉnh đó.

Hai vấn đề trên liên quan đến khâu tổ chức thi của bộ. Nếu bộ tin tưởng giao quyền tuyển sinh cho các trường, trường nào tự tổ chức thi ở trường đó thì không cần bàn đến vấn đề thứ hai. Như vậy Bộ GDĐT sẽ giao quyền tự quyết cho các trường ĐH-CĐ tự lo khâu tuyển sinh cho trường của mình, từ khâu ra đề, chấm thi, tuyển chọn theo yêu cầu đặc thù riêng từng trường. Các trường ĐH-CĐ có đủ lực lượng đội ngũ GS, PGS, TS, ThS, các thầy dạy lâu năm, giàu kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nếu bộ chưa đủ niềm tin cán bộ cấp dưới của mình, giao quyền tự quyết cho các trường, vẫn cứ tổ chức thi “3 chung” như hiện nay nên tập trung thi ở các thành phố lớn hay để hội đồng thi tại các địa phương?

Cả hai phương án đều có cái hay và cái dở. Mô hình thi tập trung ở các thành phố thì tiện lợi cho việc chỉ đạo của bộ, cơ sở vật chất phục vụ cho thi cử đầy đủ hơn. Nhưng tập trung thi ở thành phố trong một thời gian ngắn, nhiều trường cùng tổ chức thi, ắt sẽ làm đảo lộn cuộc sống của cả thành phố, bộ phải phối hợp, huy động nhiều lực lượng vào cuộc. Cha mẹ học sinh tốn sức lực, tiền bạc, nghỉ cả việc buôn bán, làm ăn, “lều chõng” đưa con lên kinh dự thi. Tình trạng này tạo điều kiện cho đủ các loại nạn “cò” ăn theo mùa thi.

Nếu chia bớt hội đồng thi về các tỉnh, huyện theo chiều dài đất nước, đương nhiên bộ chỉ đạo vất vả hơn, song bù lại thí sinh, gia đình thí sinh đỡ vất vả, tốn kém. Bộ máy phục vụ thi cử không cồng kềnh, tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng cho ngân sách nhà nước. Tất nhiên, hội đồng thi nên đặt tại trường có cơ sở vật chất tốt nhất ở huyện, tỉnh (lớp học trang khang, bàn ghế đầy đủ, có tường bao, cổng bảo vệ...). Sở GDĐT, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của các tỉnh, thành phố, bộ cử thanh tra về nằm vùng, phối hợp đồng bộ các công đoạn, thì sẽ chẳng còn sợ những “vụ Đồi Ngô” xuất hiện. Chủ động phân cấp, trao trọng trách cho các địa phương cũng là biện pháp tích cực đổi mới, hạn chế tiêu cực trong thi cử.   

 Lê Sĩ Tứ

Xử lý nghiêm có thể đẩy lùi tiêu cực

Ngày 29.6.2012, Bộ GDĐT ban hành quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012. Lần đầu tiên, bộ đề cập vấn đề xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực, gian lận thi cử, khuyến khích tố giác hành vi vi phạm quy chế; người tố cáo gian lận thi cử được bảo mật thông tin.

Đây là một động thái tích cực, thể hiện quan điểm và quyết tâm của bộ trong việc đấu tranh, chống tiêu cực, gian lận thi cử. Đây cũng là biểu hiện dân chủ hoá việc giám sát các hoạt động quản lý xã hội. Giám thị thực hiện chức trách coi thi, không cho phép thí sinh có hành vi sai trái, vi phạm quy chế, gian lận thi cử. Với quy định nói trên, thí sinh có quyền giám sát, phát hiện hành vi tiêu cực của giám thị, cung cấp thông tin, bằng chứng vi phạm quy chế tới các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền, làm căn cứ để xem xét, xử lý đối tượng sai phạm.

Tiêu cực, gian lận thi cử (đặc biệt là các kỳ thi: Tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH-CĐ) là vấn đề hết sức nhức nhối và ngày càng diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân thì nhiều, nhưng theo suy nghĩ cá nhân, tôi thấy có 2 yếu tố chính:

Một là, bên cạnh bệnh thành tích là vấn đề nặng nề của toàn xã hội, các cấp quản lý giáo dục ở địa phương còn quan niệm không đúng về kỳ thi tốt nghiệp THPT, coi nhẹ kỳ thi này, coi bằng tốt nghiệp THPT chỉ là viên đá rải đường để học sinh chuẩn bị bước vào đào tạo, nghề nghiệp; kỳ thi được tổ chức rất hình thức, hoành tráng, tốn kém, nhưng sẵn sàng bỏ qua những vi phạm của thí sinh và giám thị, miễn là đạt được tỉ lệ tốt nghiệp cao để “vui vẻ cả”.

Hai là, việc xử lý sai phạm chưa nghiêm, không công bằng, không đủ sức răn đe.

Xin đề xuất với Bộ GDĐT và UBND các địa phương:

Nếu xảy ra tiêu cực, gian lận thi cử với đầy đủ bằng chứng (như vụ Đồi Ngô - Bắc Giang), phải xử lý đồng bộ bằng hình thức:

- Sa thải chủ tịch hội đồng coi thi.

- Đình chỉ công tác các thành viên hội đồng coi thi.

- Cảnh cáo giám đốc sở GDĐT.

Nếu thực hiện được công khai, minh bạch như trên, chắc chắn nạn tiêu cực, gian lận thi cử sẽ từng bước được đẩy lùi.

Nguyễn Phan (quận Ngô Quyền - Hải Phòng)