Toàn cảnh Vệ sinh an toàn thực phẩm

Năm 2009 đã đánh dấu nhiều nỗ lực trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, số vụ ngộ độc thức ăn giảm nhiều so với năm 2008. Tuy nhiên, hàng loạt các vụ sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm mất vệ sinh bị phát hiện, khiến chúng ta không khỏi rùng mình.

15.6098

Một lượng lớn phủ tạng động vật, thủy hải sản đã bắt đầu bị phân hủy, bốc mùi khó chịu, nhưng đã được tẩy rửa bằng hóa chất để bán cho người tiêu dùng. Hàng chục tấn mỡ động vật ôi thiu, bốc mùi hôi thối được chế thành mỡ nước cung cấp cho các cơ sở chiên ngô, quẩy và hành khô. Thuốc nhuộm hạt dưa bị phát hiện có chất gây ung thư. Nước tinh khiết đóng bình nhiễm khuẩn. Nước giải khát pha chế bằng nước giếng khoan, hương liệu độc hại và đường Cyclomat - chất có thể gây chảy máu dạ dày, bệnh tiểu đường và ung thư...

Đó là một vài trong số nhiều vụ việc được phát hiện trong năm 2009. Nhưng có những loại thực phẩm gắn liền với bữa ăn hằng ngày cũng có thể là hiểm hoạ đối với sức khoẻ con người.

Rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống bày bán trên các quầy hàng chợ đa phần không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và không rõ nguồn gốc, liệu có an toàn?

Bà Dương Thị Yến, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội): “Đa số thịt cá là nuôi tăng trọng, rau dưa thì tưới phân hóa học, chỉ tưới có vài ba hôm là đem bán...”

Chưa có chế tài xử phạt, cơ chế kiểm tra, giám sát còn chồng chéo, chưa được cụ thể hóa. Vì vậy mà hàng ngày, người tiêu dùng vẫn đang có thể tích tụ chất độc vào cơ thể.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục VSATTP (Bộ Y tế) cho biết: “Tỷ lệ ô nhiễm các chất hóa học (thuốc bảo vệ thực vật, các chất tồn dư, kích thích tăng trưởng, kháng sinh) trong các loại nguyên liệu làm thực phẩm - nông sản, thịt, củ quả còn chiếm tỷ lệ cao, tức là tỷ lệ ô nhiễm mà chúng ta chưa thể kiềm chế được”.

Năm 2009 cũng đã ghi nhận những nỗ lực trong công tác VSATTP. 63 chi cục VSATTP tại các tỉnh, thành phố được thành lập. Viện kiểm nghiệm VSATTP quốc gia và hệ thống kiểm nghiệm ở các khu vực bắt đầu đi vào hoạt động, các cuộc thanh kiểm tra được tiến hành đều đặn và hiệu quả hơn, nhiều khóa đào tạo, nâng cao chuyên môn thanh tra đã được tổ chức. Cuối tháng 11, Dự thảo Luật VSATTP đã được đưa ra thảo luận tại Quốc hội.

Theo Pháp lệnh hiện hành về VSATTP thì còn nhiều khoảng trống, nhiều chồng chéo trong khâu chuyển giao, phân công trách nhiệm giữa các Bộ, Ngành liên quan gồm: Bộ NN & PTNN, Bộ Công thương và Bộ Y tế.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phong: “Nếu Quốc hội thông qua Luật ATVSTP thì các chồng chéo ấy, các khoảng trống ấy chúng ta sẽ cố gắng giải quyết được. Tuy nhiên, cũng phải nói là sau khi có Luật ATVSTP mà hy vọng có thể giải quyết triệt để các vấn đề chồng chéo hoặc vấn đề bỏ trống thì rất khó, vì vấn đề VSATTP và một lĩnh vực đa ngành, liên ngành nên ngoài sự phân công trách nhiệm vẫn phải có phối hợp liên ngành”.

Tuy nhiên, quan hệ phối hợp giữa Bộ Y tế với các Bộ, Ngành liên quan phải được quy định rõ mới kiểm soát được con đường đi của thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, lưu thông đến tiêu dùng. Cơ chế phối hợp liên ngành bước đầu đã có những chuyển biến tích cực trong năm 2009, nhưng sẽ không thể tiến xa nếu không phát huy hết trách nhiệm của UBND các cấp, ý thức và vai trò tích cực của quần chúng nhân dân.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]