Tốc độ và Đường cong: Có gì ngoài siêu xe?

Bộ phim đầu tay của đạo diễn trẻ Phan Minh có nhiều cố gắng nhưng càng về cuối càng tạo cảm giác hụt hẫng với người xem.

32.3883

Tốc độ và Đường cong (tựa tiếng Anh: Speed and Corners) được xem là bộ phim đầu tiên của Việt Nam về đề tài đua xe hơi đường phố. Ngay từ cái tên và cách thiết kế poster đã khiến nhiều khán giả liên tưởng đến loạt phim Fast and Furious quen thuộc, hay gần đây hơn có thể kể tới Need for Speed.

Bộ phim xoay quanh hai nhân vật chính là Việt (Khương Ngọc) và Nin (Quý Bình). Việt là người quản lý một gara xe cao cấp và cũng là một tay lái lừng lẫy, có người đẹp Đan Trinh (Diễm My 9X) yêu anh vô điều kiện. Hai người đều xuất thân từ trại mồ côi, lớn lên cùng nhau và có một mối tình thanh mai trúc mã. Cuộc sống tưởng chừng hoàn hảo của Việt bỗng gặp không ít rắc rối khi anh gặp Nin, một chàng trai bí ẩn vừa từ Thái Lan trở về. Nin có niềm đam mê tốc độ không thua gì Việt và cũng sở hữu những kỹ năng lái xe, độ xe thượng thừa.

Chuyện phim xoay quanh mối dây liên kết bí ẩn giữa Việt và Nin.

Trong nửa đầu, phim gây ấn tượng tốt với những cuộc đua nóng bỏng và sự xuất hiện của các siêu xe như Nissan 350Z, Lamborghini Gallardo SE, Bugatti Veyron. Dù không thể so sánh với kỹ xảo của Hollywood nhưng cố gắng của đoàn làm phim trong việc khai thác một đề tài còn mới mẻ tại Việt Nam là điều hết sức đáng ghi nhận. Điểm nhấn của các cuộc đua là những cú drift ngoạn mục và ca khúc chủ đề Tốc độ đầy sôi động do ca sĩ Trang Pháp thể hiện. Những trường đoạn với góc máy quay từ trên cao cho khán giả cảnh toàn về những cú drift đẹp mắt với góc ngoặt lớn. Ngoài ra phim còn có một cảnh đốt xe táo bạo, như đã thấy trên trailer. Thế nhưng một điều khá đáng tiếc là cuộc đua xe đêm lại không được dàn dựng tốt và lại kết thúc khá lãng xẹt ngay lúc khán giả đang hứng thú.

Phim gây ấn tượng bằng dàn siêu xe hoành tráng và những màn rượt đuổi tốc độ.

"Tốc độ” trong phim chính là những chiếc siêu xe hoành tráng. Còn “đường cong” ở đây không phải là “đường cong” của các mỹ nhân mà ngụ ý nói tới những khúc quanh, trắc trở trong cuộc đời, như chính lời độc thoại triết lý trong trailer: “Những khó khăn trên đời cũng như những đoạn đường cong. Tùy vào khả năng, hãy chọn cho mình một tốc độ”.

Nửa sau của phim bỏ lại sau lưng những màn đua xe và rẽ theo một hướng khác. Điều này có thể làm nhiều khán giả hụt hẫng vì nó đi chệch khỏi mô-típ thông thường của một phim đua xe: mâu thuẫn mở ra và được giải quyết trên đường đua. Thay vào đó, bộ đôi biên kịch Cao Tấn Lộc – Hồng Phúc lại đem đến một câu chuyện bí mật, kịch tính.

Quá khứ của các nhân vật dần dần được tiết lộ khiến khán giả phải đi từ bất ngờ này đến ngỡ ngàng khác. Tuy nhiên, điểm yếu của phim cũng dần lộ ra từ đây khi những tình huống bước ngoặt cài cắm không thật sự thuyết phục. Ngoài ra còn có nhiều chi tiết vụn vặt tạo cảm giác thừa thãi, làm mất tính liền mạch của bộ phim như yếu tố đồng tính, những pha hài hước của Tina (Lê Khánh). Chính vì vậy, đoạn cao trào của phim, lẽ ra phải là điểm nhấn, lại không tạo được hiệu quả cần thiết. Đoạn cao trào này cũng khiến nhiều khán giả liên tưởng đến tác phẩm lừng danh Oldboy của Hàn Quốc.

Tiếp nối sau thắng lợi to lớn của Quả tim máu, Quý Bình đã có một vai diễn tương đối thành công với Nin, nhân vật có tâm lý phức tạp nhất phim. Nin là một vai diễn khó, đòi hỏi diễn viên phải thể hiện được cả sự hiền lành và nham hiểm của nhân vật. Quý Bình đã làm được điều đó dù có đôi chỗ có cảm giác anh gồng mình hơi quá. Khương Ngọc vẫn giữ được phong độ như thường lệ nhưng anh cũng không bật lên được trong một phim có bố cục còn lỏng lẻo.

Quý Bình đã có một vai diễn thành công.

Diễm My 9X tiếp tục có thêm một vai diễn khác sau Để Mai Tính 2. Và nếu như Sài Gòn Tây Du Ký không bị dời lại thì có thể nói năm 2014 thật sự là năm của Diễm My với 3 vai chính liên tiếp. Vai diễn trong Tốc độ và Đường cong của Diễm My đã có nhiều đất diễn hơn khi nhân vật của cô bị mắc kẹt trong mối quan hệ phức tạp của hai người đàn ông. Nhưng cũng như Để Mai tính 2, Diễm My chưa để lại nhiều điểm nhấn. Khi mạch chuyện rẽ đi hướng khác, Đan Trinh của Diễm My cũng mất hút.

Như thường lệ, luôn có một số nhân vật phụ gây cười trong các phim Việt, Lê Khánh vẫn giữ nét diễn duyên dáng như trong Cô dâu đại chiến. Tuy nhiên sự khác biệt là ở chỗ Cô dâu đại chiến là một phim hài, còn Tốc độ và Đường cong là một phim kịch tính. Vì vậy, ở không ít cảnh, nhân vật của cô tạo cảm giác quá lố so với tổng thể. Ngoài ra phim còn có một số nhân vật phụ của Yumie Dương, Thu Trang, Trương Thế Vinh, Phương Dung, Long đẹp trai, Ngọc Thuận...

Nhìn chung, với kinh phí còn hạn chế và một số sự gượng gạo, Tốc độ và Đường cong chưa thực sự mang lại sự thỏa mãn cho người xem. Thế nhưng đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của đạo diễn Phan Minh và đoàn làm phim trong việc mở ra một hướng đi mới cho điện ảnh trong nước. Và hãy thưởng thức bộ phim như chính lời nhắn nhủ của đạo diễn: Đừng xem cùng tinh thần so sánh với Fast And Furious.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]