Tỏi đen liệu phòng chống được ung thư?

Bổ sung tỏi đen vào khẩu phần ăn hàng ngày có lợi cho sức khỏe của mọi người, đặc biệt là người bị huyết áp cao, mỡ máu...tuy nhiên, tỏi đen chỉ là một trong số nhiều "thần dược" để kết hợp chữa bệnh ung thư.

15.5958

Tỏi thường là một vị thuốc dân gian có dược tính khá mạnh, tỏi được dùng để chữa cảm cúm, chống lạnh, chống viêm loét, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Nhược điểm cố hữu của tỏi tươi trắng là mùi khó chịu do các hợp chất sulfur gây ra, nên dù biết tác dụng rất tốt, chúng ta cũng rất loay hoay khi dùng thường xuyên để điều trị bệnh lý.

Tỏi đen được chế biến từ tỏi tươi sau khi trải qua quá trình lên men chậm trong điều kiện quản lý chặt chẽ về nhiệt độ và độ ẩm. Sau 45-60 ngày lên men, các hoạt chất trong tép tỏi tăng lên đáng kể, trong đó hàm lượng đường tổng tăng khoảng 13 lần , fructose tăng 52 lần, hoạt chất SAC ( sallyl lcystein ) được xem là quan trọng nhất  trong tỏi đen tăng 6 lần, ngoài ra hợp chất superoxide dismutase (SOD) tăng gấp 10 lần so với tỏi tươi có tác dụng phòng chống ung thư.


Tỏi đen rất được ưa chuộng vì công năng hiệu quả đối với sức khỏe.

Năm 2005, người Nhật lần đầu tiên giới thiệu tỏi đen như một loại "thần dược" của thời hiện đại. Từ đó cho đến nay, tỏi đen được ưa chuộng sử dụng ở khắp nơi, đặc biệt là ở Nhật Bản, Hàn Quốc và giờ đang “sốt” tại Việt Nam.

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ (Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y Dược TP HCM) cho biết: "Bổ sung tỏi đen vào khẩu phần ăn hàng ngày có lợi cho sức khỏe của mọi người, đặc biệt là người bị huyết áp cao, mỡ máu, suy giảm chức năng gan, mất ngủ kinh niên".

Những công dụng quý của tỏi đen

1. Hỗ trợ ức chế sự hình thành khối u

Một nghiên cứu về tác dụng sinh học của tỏi đen tại Hàn Quốc, nơi có thể coi là quê hương của tỏi đen, cho thấy: Trong tỏi đen có chứa các hợp chất sulfur hữu cơ, dẫn chất của tetrahydro carboline.

Đây là những chất có chứa hoạt tính mạnh dọn gốc tự do và ức chế quá trình peroxy hóa lipid cao hơn tỏi thường. Thêm vào đó, tỏi đen có thể kháng lại các tế bào khối u, do đó có tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị ung thư rất hiệu quả.

Cơ chế ức chế khối u của tỏi đen không phải bằng cách trực tiếp gây độc tế bào mà thông qua con đường tăng cường hệ miễn dịch, loại trừ khả năng di căn của tế bào khối u, ức chế sự nhân lên của tế bào khối u.

Nhiều nghiên cứu cho rằng tỏi đen giàu S-allyl-L-cysteine (SAC) làm giảm sự phát sinh của khối u ruột kết. Dịch chiết nóng của tỏi đen giàu S-allyl-L-cysteine (SAC) đã cho tác dụng chống ung thư với tỉ lệ cứu sống 50% chuột BALB/c bị sarcoma xơ.

2. Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh huyết áp cao và các bệnh về tim mạch

Một nghiên cứu tại đại học Akita, Nhật Bản cho thấy việc sử dụng tỏi đen trong 14 ngày có tác dụng làm giản huyết áp lên tới 34,6% trong khi nó không làm ảnh hưởng đến huyết áp ở ngưỡng thông thường. Ăn tỏi đen thường xuyên có tác dụng chống tăng huyết áp tốt hơn tỏi tươi nhờ chúng có khả năng ngăn cản sự tăng các gốc tự do trong huyết tương.

PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: "Trước đây viện dinh dưỡng cũng đã tiến hành nghiên cứu về tác dụng của củ tỏi. Kết quả cho thấy, tỏi có những công năng tuyệt vời, những chế phẩm từ tỏi giúp hạ mỡ máu, hạ huyết áp, giảm tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch do xơ vữa như nhồi máu não, nhồi máu cơ tim… Tuy nhiên, chúng tôi chưa có nghiên cứu nào chứng minh tỏi đen có tác dụng phòng và hỗ trợ ung thư".

Dưới góc nhìn của một thầy thuốc đông y, lương y đa khoa Phạm Ngọc Hồng, Chủ tịch Hội đông Y quận Tây Hồ cho rằng: tỏi có khả năng kháng lại nhiều chủng vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng.

Trong y học cổ truyền của nhiều dân tộc, tỏi thường được dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn ở đường tiêu hoá, hô hấp. Tính chất kháng khuẩn của tỏi rất mạnh, nó thậm chí có thể giúp điều trị đau họng khi bị cảm cúm, giúp giảm ho và phục hồi sức khỏe nhanh hơn. 

Tại nhiều nước vùng Trung Đông hay những vùng rừng núi Trung Quốc nhà nào cũng có một chai rượu tỏi hoặc một lọ tỏi dập ra ngâm muối. Điều này giúp họ chống chọi với thời tiết khắc nghiệt ở đây.

3. Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

Sử dụng tỏi đen trong 7 tuần giúp làm giảm nồng độ đường trong huyết thanh và lượng hemoglobin đã đường hóa trong máu rõ rệt.

Nồng độ insulin của người dùng tỏi đen tăng lên rõ rệt so với người không dùng tỏi. Đồng thời, dịch chiết của tỏi làm giảm rõ rệt nồng độ cholesterol tổng và lượng triglyceride trong huyết thanh đồng thời làm tăng lượng HDL-cholesterol.

Chính vì thế, các nhà khoa học đã cho rằng tỏi đen không những dụng hạ đường huyết và cholesterrol máu mà còn có tác dụng cải thiện tính nhạy với insulin và rối loạn lipid máu.

Các nhà nghiên cứu thuộc đại học quốc gia Kyungpook, Hàn Quốc cho rằng tỏi đen có tác dụng chống oxy hóa mạnh hơn tỏi thường, chính vi vậy tỏi đen có thể là nguồn nguyên liệu hữu ích để ngăn chặn các biến chứng do đái tháo đường.

4. Bảo vệ và cải thiện chức năng gan

Nghiên cứu của các nhà khoa học đại học dược Chungbuk, Hàn Quốc cho thấy tỏi đen ức chế việc gây tăng cao men gan (AST và ALT).

Đồng thời, khi tiến hành áp dụng điều trị bằng tỏi đen trên những người có chế độ ăn uống nhiều chất béo – một tác nhân gây ra gan nhiễm mỡ và tổn thương gan thì thấy cho hiệu quả rất cao.

Kết quả này chứng minh rằng tỏi đen có hiệu quả bảo vệ gan và có thể là một hỗ trợ điều trị tốt cho các tổn thương ở gan.

5. Tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể

Chất Allicin có trong tỏi đen có tác dụng chống siêu vi khuẩn trong cơ thể. Chúng có thể tiêu diệt hàng chục loại virus gây ra dịch bệnh và hàng loạt các vi sinh vật gây bệnh.

Allicin khi được pha loãng thậm chí 100.000 lần vẫn còn có thể làm chết vi khuẩn Salmonella typhi tức khắc, bệnh lỵ trực khuẩn, vi khuẩn cúm...

Ngoài ra, nhờ chứa nhiều hoạt chất quý giá thừa kế từ tỏi tươi và tăng giá trị của nó lên gấp 10 lần, tỏi đen là loại dược phẩm rất quý để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, giúp con người luôn mạnh khỏe và có thể chống chọi với nhiều loại bệnh tật.

Thực hư việc ăn tỏi đen có chữa được bệnh ung thư?

Tuy nhiên, Lương y Hồng cùng một số hội viện Hội đông y quận Tây Hồ cho rằng, việc quảng cáo tỏi đen điều trị ung thư thì hơi quá. Bởi nền y học hiện đại đã chứng minh ung thư được xếp vào một trong những chứng bệnh nan y nhất. Theo thống kê tỷ lệ chữa thành công tất cả các loại ung thư chỉ dao động từ 21~ 47% ở đàn ông và từ 38~59% ở phụ nữ. Tỷ lệ này cao hơn ở Châu Âu và thấp hơn ở Châu Á.

“Tính tới thời điểm hiện nay, thế giới vẫn chưa công nhận bất kỳ loại thuốc hay biện pháp nào có khả năng chữa trị được hoàn toàn các loại bệnh ung thư. Thêm vào đó cũng chưa hề có một nghiên cứu hay một bằng chứng khoa học nào chỉ ra được rằng tỏi đen có thể chữa khỏi ung thư. Tuy nhiên tỏi đen mang lại cho y học và cho sức khỏe nhân loại nhiều tác dụng tuyệt vời mà chúng ta không thể phủ nhận”- ông Hồng nói.

Một bác sĩ chuyên khoa u bướu lâu năm thì cho rằng, đã từng ăn rất nhiều tỏi trong đó có cả tỏi đen, thậm chí uống rượu tỏi và phải thừa nhận tỏi chữa cảm cúm khá hiệu quả, tăng sức đề kháng nhưng chưa từng đọc một công trình khoa học bài bản nào và chứng kiến một trường hợp bệnh nhân nào thoái lui được ung thư nhờ sử dụng các chế phẩm từ tỏi đen.

Vị bác sĩ này cho rằng, nếu thực sự tỏi đen có tác dụng dự phòng thì có lẽ người dân phải sử dụng chế phẩm này tương đối dài, chứ không thể uống dăm bữa nửa tháng là có thể … miễn dịch với ung thư. 

Nguyên tắc để trở thành một khối u là cả một quá trình dài mà ở đó một tế bào bình thường phải phát triển đột biến và nó không còn tuân theo sự điều khiển của các tế bào kế cận, sự tăng trưởng không kiểm soát được; các khối u có thể chế tiết và đưa các sản phẩm này vào máu. Nếu khối u ác tính, các tế bào có khả năng xâm nhập màng đáy và mô xung quanh, theo dòng máu, mạch bạch huyết đến các cơ quan xa, gieo rắc và phát triển ở đó.

Vì thế, khi được kết luận mắc ung thư, người bệnh cần phải được đến viện để các bác sĩ chuyên gia đưa ra phác đồ điều trị kịp thời (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc nút mạch…) chứ tuyệt đối không uống thuốc theo chỉ dẫn trên mạng, càng không nên uống thuốc của những lang băm.

Vì vậy, điều trị ung thư cần phối hợp nhiều phương pháp chứ không phải chỉ dựa vào tỏi đen!

Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Tiến Thịnh, Phó Chủ nhiệm Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho rằng, một trong những nguyên tắc điều trị ung thư là đa mô thức (có thể dùng 1 phương pháp phẫu thuật nhưng cũng có thể dùng kết hợp 2- 3 phương pháp: phẫu thuật phối hợp với xạ trị…) vì khối u chống trả quyết liệt với những phương pháp can thiệp, và bản chất của ung thư là di căn. 

Bài toán điều trị ung thư luôn phải tính đến bài toán hiệu quả. Sau khi điều trị thành công cho bệnh nhân, chúng ta sẽ lựa chọn phương pháp điều trị bổ trợ phù hợp. Lúc này người bệnh có thể kết hợp với những bài thuốc nam, những thực phẩm chức năng nhằm hỗ trợ thể trạng.
Để phòng ngừa bệnh ung thư, các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra khuyến cáo, người dân cần có chế độ ăn uống hợp lí, giàu chất dinh dưỡng là điều thiết yếu và đơn giản nhất. Trong đó, mỗi người mỗi ngày nên ăn ít nhất là 500g rau tươi và quả chín. Các vitamin, khoáng chất, chất xơ và các thành phần hóa học khác có trong rau tươi và quả chín sẽ giúp bạn đẩy lùi các tác nhân gây ung thư xâm hại cơ thể. 

Đặc biệt, nên ăn nhiều các loại rau có lá xanh thẫm, cải bắp, cà rốt, cà chua, chanh bởi chúng có giá trị trong việc ngăn ngừa các căn bệnh ung thư rất hiệu quả. Nên ăn đa dạng các loại rau xanh, quả tươi để thay đổi khẩu vị và tạo nên sự dồi dào của các vitamin, khoáng chất tự nhiên do chúng mang lại.

Ngoài ra, mỗi người mỗi ngày không được ăn quá 80g thịt màu đỏ. Thay vào đó nên dùng xen kẽ cá, tôm, mực thay thế các loại thịt; Nên chọn các thực phẩm ít chất béo, có thể sử dụng các loại sữa đã tách bơ, ăn ít các món chiên, xào,, ăn thịt nạc, thịt gà bỏ da, hạn chế các loại bánh ngọt có chất béo là tốt nhất; 

Không nên sử dụng thực phẩm được chế biến sẵn bởi chúng chứa rất nhiều chất béo, muối, đường tinh chế mặt khác các sản phẩm chế biến sẵn không đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm; 

Hạn chế ăn mặn tối đa nếu có thể, ăn mặn không những không tốt cho sức khỏe mà nó còn làm cơ thể suy yếu chức năng hệ miễn dịch khiến các nhân tố gây bệnh ung thư dễ dàng xâm nhập, tác động vào cơ thể.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng lưu ý bên cạnh chế độ dinh dưỡng phòng ngừa ung thư mỗi người không thể bỏ qua việc tập thể dục thể thao mỗi ngày, dừng sử dụng các chất kích thích, chứa nhiều cồn hay là chất nicotine có trong thuốc lá. Tránh sử dụng các loại thức ăn nhanh chưa nhiều chất béo bởi những thành phần này có thể đẩy nhanh sự phát triển của tế bào ung thư.

 

PHƯƠNG MAI (Tổng hợp)/ Theo ĐSPL

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]