Tỏi gia vị phòng chống ung thư

Tỏi được trồng rất phổ biến, là một gia vị không thể thiếu trong những bữa ăn và là vị thuốc có giá trị chữa bệnh cao. Người ta đặt cho tỏi những biệt hiệu: thần dược, thuốc bách bệnh...

15.6732

Tỏi được trồng rất phổ biến, là một gia vị không thể thiếu trong những bữa ăn và là vị thuốc có giá trị chữa bệnh cao. Người ta đặt cho tỏi những biệt hiệu: thần dược, thuốc bách bệnh...

Giá trị làm thuốc của tỏi

Tỏi được dùng làm thuốc từ lâu đời. Dược liệu có vị cay, hôi, tính ấm, có  tác dụng sát khuẩn, giải độc, tiêu đờm, trừ giun. Thành phần chủ yếu của tỏi là một chất kháng sinh alixin C6H10OS2, một hợp chất sunfua có tác dụng diệt khuẩn rất mạnh đối với Staphyllococcus, thương hàn, phó thương hàn, lỵ, vi khuẩn tả, trực khuẩn sinh bệnh, bạch cầu, vi khuẩn thối. Trong củ tỏi có chứa 0,1-0,36% tinh dầu, trong đó hơn 90% chứa các hợp chất lưu huỳnh (S). Thành phần chủ yếu của tỏi là chất alixin có mùi đặc trưng tỏi. Nhưng trong tỏi tươi không có alixin ngay, mà có chất aliin (một loại acid amin) - chất này chịu tác động của enzyme alinaza (cũng có trong củ tỏi) và khi giã dập mới cho alixin. Ngoài ra củ tỏi còn chứa nhiều vitamin và chất khoáng..., đặc biệt selen. Những năm gần đây, tỏi lại được các nhà khoa học ở nhiều nước nghiên cứu, phát hiện thêm những đặc tính kỳ diệu khác như: khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch, nâng cao sức khỏe, làm tăng huyết áp, có tác dụng chống tắc nghẽn mạch máu, làm chậm quá trình lão hóa tế bào, chống sự già nua, làm giảm sung huyết và tiêu viêm, phục hồi nhanh thể lực... Đặc biệt tỏi còn có khả năng phòng chống ung thư.

Một số nghiên cứu về tác dụng phòng chống ung thư từ củ tỏi

Ở Trung Quốc, qua công trình nghiên cứu bệnh ung thư thanh quản ở Thượng Hải, các nhà nghiên cứu cho biết ung thư hầu như không xuất hiện ở những người dùng nhiều tỏi và cam quýt trong bữa ăn hằng ngày.

Theo các nhà khoa học, ăn tỏi thường xuyên thì tỷ lệ ung thư dạ dày thấp (0,03% so với 0,4% ở những người rất ít ăn tỏi). Các bác sĩ cũng xác nhận tỷ lệ ung thư dạ dày ở những người thường xuyên ăn tỏi thấp hơn 60% so với những người khác cùng khu vực nhưng không dùng tỏi. Những nghiên cứu ở Italy và Hà Lan cho thấy tỷ lệ ung thư dạ dày giảm ở những người thường xuyên dùng tỏi trong bữa ăn. Tiến sĩ Michael Wargovich ở Đại học South California phát hiện ra tỏi còn hoạt động như một chất chống ung thư cả trong phòng bệnh và chữa bệnh. Những nghiên cứu của ông cho thấy mối liên quan giữa việc dùng tỏi với lượng chất nitơ giảm ở người và lượng tử vong vì ung thư dạ dày cũng ít đi. M.Wargovich giải thích: Trong tỏi có một hợp chất gọi là diallyl disulfide có thể làm tiêu các khối u đi một nửa. Ngoài ra  hợp chất S.Allyleystein cũng có thể ngăn chặn các chất gây ung thư xâm nhập tế bào tuyến vú.

Các nhà nghiên cứu cho rằng mọi khối ung thư đều trải qua 3 giai đoạn phát triển và ở giai đoạn nào chúng cũng bị tỏi chống phá. Các chất chống ôxy hóa trong tỏi có khả  năng tấn công khối u trước khi nó có thể nhen nhóm. Ở giai đoạn thứ hai là giai đoạn phát bệnh, tỏi sẽ có tác dụng ngăn không cho các tế bào ung thư phát triển, tiêu diệt sự phát triển của những mạch máu mới nuôi dưỡng khối u.

Các nhà khoa học Pháp thuộc Trung tâm nghiên cứu Nông học quốc gia (INRA) còn đưa ra ý kiến: Trong thành phần của tỏi chứa một số hợp chất có khả năng ức chế hoạt động của các chất gây ung thư. Tuy nhiên, chúng không tác dụng trực tiếp mà kích thích các enzym của cơ thể có khả năng ngăn chặn quá trình tạo thành các chất gây ung thư.

Một số tác dụng khác của tỏi

Giảm cholesterol để phòng bệnh tim mạch: Nhiều nghiên cứu thấy rằng dùng nước chiết từ tỏi để lâu ngày làm giảm 30% lượng cholesterol nên giúp phòng ngừa xơ cứng động mạch.

Theo báo “Ăn uống và dinh dưỡng” của Trường đại học Taffsi (Mỹ), mỗi ngày ăn hai nhánh tỏi sẽ có công hiệu ngang với uống thuốc làm giảm cholesterol. Còn các nhân viên nghiên cứu thuộc trường Đại học Pennsylvania đã phát hiện tác dụng làm giảm cholesterol và làm hạ thấp khả năng bám của mỡ trong máu.

Tỏi đề phòng tắc nghẽn mạch máu

Trong nghiên cứu, người ta đã thấy nước tỏi có tác dụng phòng tắc nghẽn mạch máu nhờ khả năng phân giải và hòa tan một loại protein dễ gây tắc. Nhiều chứng minh qua nghiên cứu đã thấy thuốc hỗn hợp có tỏi có tác dụng như aspirin. Vì vậy, các chuyên gia y tế đã khuyên người bệnh tăng mỡ máu cần ăn từ 3-4 nhánh tỏi mỗi ngày.

Tỏi làm giảm viêm đau khớp

Qua theo dõi những bệnh nhân viêm khớp được điều trị bằng viên nang điều chế từ tỏi đều cho kết quả tốt, nhờ hoạt tính ở tỏi làm hạn chế việc sinh ra các phần tử tự do gây tổn thương đến tổ chức khớp.

Tỏi còn tác dụng dưỡng nhan ích thọ, làm chậm sự lão hóa

 Các nghiên cứu của bác sĩ Robertllin đã thừa nhận rằng tỏi có tác dụng dưỡng nhan ích thọ, làm chậm sự lão hóa. Đó là khả năng bảo vệ hồng cầu không bị ôxy hóa và khống chế phần tử tự do sinh ra trong quá trình ôxy hóa để các phần tử này không tác động đến quá trình lão hóa.

Ăn tỏi thường xuyên còn giúp khả năng hồi phục sức khỏe và chống sự già nua

Một số cách sử dụng trong dân gian:

- Tỏi (100g) thái nhỏ, sắc với 300ml nước, lấy 1/3 uống chữa tiêu chảy.

- Tỏi (6-7 củ) nửa để sống, nửa nướng chín, ăn cho hết chữa sốt rét do khí độc rừng núi.

- Tỏi giã nát trộn với dầu vừng bôi chữa đau sưng, mụn lở.

Nước tỏi 5% dùng nhỏ mũi để phòng chống cúm; thụt hậu môn hằng ngày vừa trị giun kim, vừa chữa kiết lỵ, viêm đại tràng.

Một số tài liệu khuyên mọi người nên sử dụng tỏi trong bữa ăn hằng ngày với mức độ vừa phải nhằm phòng bệnh là chính, tăng cường hệ thống miễn dịch tự nhiên có lợi cho sức khỏe. Hoặc cũng có thể pha rượu tỏi theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới như sau: dùng 40g tỏi khô (đã bóc vỏ) thái nhỏ, ngâm với 100ml rượu trắng 45o, để sau 10 ngày thì dùng, mỗi ngày uống 40 giọt (tương đương 1 thìa cà phê), ngâm liên tiếp từng mẻ nhỏ như vậy để sử dụng thường xuyên.  

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]