Top 5 tay vợt già nhất ATP: 43 tuổi, vẫn chạy tốt

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta vẫn nghĩ rằng những Stepanek (sinh năm 1978), hay Ivo Karlovic (1979) đã là già lắm rồi. Thật ra, đó chỉ là những lão tướng có tên tuổi phần nào đã được khẳng định. Còn tay vợt già nhất trong BXH ATP thật ra đã 43 tuổi.

0

1. Abdelhak Hameurlaine (Algeria)

Sinh ngày 19/03/1972. Hạng: 1533 (2 điểm)

Trong sự nghiệp của mình, Abdelhak chưa từng giành được danh hiệu gì đáng kể. Chiến tích đáng nhớ nhất của anh có lẽ là lọt vào Top 1000 cách đây 12 năm. Mặc dù vậy, việc tay vợt người Algeria này vẫn còn thi đấu cũng đã là một điều đáng tự hào.

Abdelhak thi đấu chuyên nghiệp năm 1990, khi ra mắt ở đội tuyển Davis Cup của Algeria trong trận gặp Ai Cập. Anh khoác áo đội tuyển Algeria suốt 21 năm sau đó. Trong sự nghiệp của mình, Abdelhak đã giành được 2 điểm hồi tháng Năm vừa rồi, khi tham dự giải F2 Future trên sân nhà Algeria. Anh lọt vào tứ kết với hai chiến thắng dễ dàng (chỉ thua 4 game) trước khi chịu thua tài năng trẻ người Pháp Corentin Denolly (vào đến bán kết Roland Garros trẻ 2015). Abdelhak chưa thi đấu thêm giải nào, từ dạo ấy.

2. Joaquin Munoz-Hernandez (Tây Ban Nha)

Sinh ngày 04/01/1975. Hạng 1311 (4 điểm)

Giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên của Joaquin là năm 1992, giải Spain 6 Masters Satellites, khi anh mới 17 tuổi. Mùa giải 1997-1998, anh thi đấu khá tốt trong hệ thống Challenger và leo lên thứ hạng cao nhất trong sự nghiệp của mình, 157 thế giới, vào tháng 4/1998. 4 điểm hiện tại của anh đến từ giải F18 Futures tại Tây Ban Nha hồi tháng Sáu, khi anh lọt vào đến tứ kết. Tuần vừa rồi, Joaquin thắng thêm một trận nữa, và khi BXH mới được công bố vào thứ Hai, anh sẽ leo cao hơn trên BXH thế giới.

3. Lee Hyung-taik (Hàn Quốc)

Sinh ngày: 03/01/1976. Hạng 1254 (5 điểm)

So với hai lão tướng trên, Lee nổi tiếng hơn nhiều. Anh ra mắt ở giải Korea Masters Satellines 1993 và giai đoạn đỉnh cao là tháng 8/2007, khi anh đã 31 tuổi và xếp hạng 36 thế giới. Đó là thời điểm Lee thi đấu khá thành công ở các giải ATP Tour trên đất Mỹ như Los Angeles (bán kết), Indianapolis và Washington (tứ kết). Trong sự nghiệp của mình, Lee đã thắng 22 trận ở Grand Slam (161 trận tổng cộng trong khuôn khổ ATP Tour), vô địch 1 giải ATP 250 (tại Sydney). Hiện tại, Lee vẫn chơi rất tốt ở đánh đôi nhưng hiếm khi đánh đơn. Là một tay vợt châu Á, nhưng Lee sở hữu cú trái một tay khá ấn tượng. Thành tích tốt nhất của anh ở Grand Slam là việc lọt vào vòng 4 của US Open năm 2000 và 2007.

4. Carlos Oliveira (Brazil)

Sinh ngày 25/08/1976. Hạng 1759 (1 điểm)

Tay vợt người Brazil thực ra đã giải nghệ, nhưng sau đó đã tái xuất sau 3 năm nghỉ ngơi. Anh giành được 1 điểm ở giải Brazil F5 Future. Thành tích đáng kể nhất trong sự nghiệp của Oliveira có lẽ là việc lọt vào Top 500 thế giới vào năm 2009, năm mà anh giành được 1 danh hiệu Men’s Future.

Theo như thống kê của ATP, Oliveira thi đấu nhà nghề từ cực sớm. Cụ thể, anh tham dự giải Sao Paulo Challenger khi mới… 12 tuổi. Kể từ đó, anh thi đấu 25 năm nữa, giải nghệ 3 năm rồi lại tái xuất.

5. Takao Suzuki (Nhật Bản)

Sinh ngày 20/09/1976. Hạng 775 thế giới (27 điểm)

Suzuki là một huyền thoại ở hệ thống Challenger với 16 danh hiệu. Anh cũng từng giành 50 trận thắng trong hệ thống ATP Tour và đã chơi 7 trận tại Grand Slam. Trận đấu đáng chú ý nhất trong sự nghiệp Suzuki là màn so tài quả cảm với tay vợt số một thế giới Roger Federer ở vòng 2 Australian Open 2005, dù anh thua 3-6, 4-6, 4-6.

Giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên của Suzuki là Nagoya Challenger 1992, khi anh mới 15 tuổi. Năm 1998, Suzuki đã tiến rất sát Top 100 thế giới, nhưng cuối cùng anh chỉ đạt tới vị trí 102. Có một điều khá đặc biệt khác ở Suzuki: Anh chưa từng bị rớt khỏi bảng xếp hạng ATP trong suốt 21 năm rưỡi qua. Khát khao quần vợt của anh vẫn còn rất lớn, và chức vô địch giải Guam Futures hồi tháng 5 là một minh chứng. Hiện tại, Suzuki là tay vợt già nhất trong Top 1200.

Phương Chi
Thể thao & Văn hóa

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]