Tốt cho mình, lợi cho người

Gửi lại thân xác của mình sau khi qua đời giúp ích cho hậu thế là ý nguyện của đôi vợ chồng cựu chiến binh, thương binh Lê Văn Thân - Đặng Thị Kim Tuyến, ngụ tại phường 10, quận Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh).

15.6014

(SKDS) –Gửi lại thân xác của mình sau khi qua đời giúp ích cho hậu thế là ý nguyện của đôi vợ chồng cựu chiến binh, thương binh Lê Văn Thân - Đặng Thị Kim Tuyến, ngụ tại phường 10, quận Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh). Hơn nữa, trong suốt 14 năm qua ông Thân còn tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhiều người khác cùng làm theo mình, tạo thành một phong trào thiện nguyện lan rộng khắp khu phố. Và cái tên “ông Thân hiến xác” đã trở nên quen thuộc với bà con nơi đây chẳng biết tự bao giờ.

Từ chuyện vợ thuyết phục chồng...

Trong căn nhà nhỏ nằm gần cuối hẻm, ông Thân (Tư Thân, 81 tuổi) vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn. Bà Tuyến kém chồng 1 tuổi nhưng đã lãng tai, lúc quên, lúc nhớ. Dù vậy, khi nhắc tới chuyện hiến xác thì cả hai ông bà đều rất vui, nhìn nhau cười âu yếm. Chuyện nhỏ, có gì đáng nói đâu. Cái duyên là do bà ấy nhà tôi giỏi vận động chồng thôi, ông Thân bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một lời khen vợ khéo léo. Bà Tuyến nhớ lại: “Năm 1998, trong một lần đi họp phụ nữ phường tôi được nghe tuyên truyền về lợi ích của việc hiến xác sẽ giúp cho sinh viên y khoa được học thực tế trên cơ thể người. Vốn là y sĩ chiến trường nên tôi hiểu điều đó có lợi cho chuyên môn của các bác sĩ tương lai đến mức nào. Ngay chính bản thân tôi nếu trước đây có xác người để học thực hành thay cho mô hình thạch cao thì tôi đã không bất lực, nhiều lần nuốt nước mắt nhìn đồng đội “ra đi”. Vậy nên tôi tự nguyện làm đơn hiến xác tại Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế TP. Hồ Chí Minh (nay là Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch). Đơn giản vậy thôi. Tôi chết nhưng thân xác tôi vẫn còn ở lại”.

Ông Tư Thân đang hướng dẫn thủ tục hiến xác cho anh Hoàng Mạnh Hùng (43 tuổi, ngụ tại Hóc Môn).
Bà Tuyến cười móm mém. Tôi hỏi: - Làm thế nào bà thuyết phục được ông cùng hiến xác? Bà Tuyến quay sang chồng: - Cái này thì phải để ông ấy nói cho mà nghe. Ông Thân miễn cưỡng kể: “Hôm đó bà ấy đi đâu từ sáng, đến chiều lúc tôi đang ngồi đọc báo thì bà ấy về, mắt đỏ hoe. Tôi gặng hỏi mãi bà ấy mới nói là vừa đi dự lễ trao nhà cho người nghèo. Thương hoàn cảnh cụ già neo đơn không ai chăm sóc nên bà ấy khóc mãi. Chẳng là, số tiền 5 triệu đồng để dành lo hậu sự bà ấy đã mang nhờ Đài truyền hình thành phố làm từ thiện. Hôm nay khánh thành trao nhà cho đối tượng chính sách, bà ấy được mời đến dự. Lúc đó tôi bực, quát: Sao bà lại tự ý rút tiền tặng người ta, lúc chết ai lo cho bà? Thế là bà ấy không giấu được nữa đành phải khai thật: Ông ơi, tôi hiến xác rồi. Nói xong bà ấy đưa tôi xem thẻ hiến xác và giải thích tỉ mỉ cho tôi nghe. Nào là có lợi cho sinh viên y khoa học tập, nào là không tốn tiền lo hậu sự mà thân xác vẫn còn ở trên đời... Rồi đột nhiên bà ấy hỏi: Ông có muốn hiến xác không, ngày mai tôi đưa ông đi làm thủ tục? 5 triệu đồng tiền hậu sự của ông, ông muốn làm gì thì làm. Nghe vậy tôi phân vân lắm vì vẫn thấy lơ mơ!”.
 
“Nhưng rồi ông đã đồng ý?”, tôi sốt ruột chen ngang. Ông Thân không trả lời mà với tay mở chiếc túi nhỏ lấy tấm thẻ hiến xác đưa tôi xem. Đọc dòng chữ: Lê Văn Thân, năm sinh 1931, nghề nghiệp bộ đội nghỉ hưu, thương binh hạng 3/4, tự nguyện đăng ký hiến xác, tôi hiểu bà Tuyến đã vận động thành công chồng mình làm đơn hiến xác.
 
Cái ngày vợ chồng ông chở nhau tới trung tâm y tế cũng là lúc ông quyết định rút 5 triệu đồng lo hậu sự gửi tặng quỹ xóa đói giảm nghèo phường 6, quận 3 nơi ông cư ngụ. “Lúc đầu tôi định cho con gái nhưng vợ chồng nó cũng không đến nỗi nào trong khi còn nhiều người khổ hơn nên tôi đổi ý dành làm từ thiện. Bà ấy nhà tôi cũng tán thành ngay”, ông Thân bộc bạch. Gia cảnh ông bà cũng chẳng khá giả gì, nguồn thu nhập hằng tháng chỉ từ lương hưu và số tiền trợ cấp thương binh ít ỏi. Vậy mà hơn chục năm trước vợ chồng ông đã làm từ thiện 10 triệu đồng (khoảng 2 cây vàng lúc bấy giờ). Quả thực là một nghĩa cử cao đẹp!

Đến cái tên “ông Thân hiến xác”

Sau khi hoàn tất công việc hậu sự cho mình rồi dành tiền ủng hộ người nghèo, vợ chồng ông Thân được biểu dương trong các cuộc họp. Vào thời điểm đó chuyện hiến xác còn mơ hồ lắm nên ông bà thuộc diện tiên phong và được một tờ báo nêu gương. Mấy ngày sau ông liên tiếp nhận được điện thoại và đón tiếp những vị khách lạ. Họ gọi điện, đến nhờ ông tư vấn thủ tục hiến xác. Ông nhiệt tình chỉ dẫn, tiện thể tuyên truyền cái lợi của việc hiến xác cho y học. Thời gian đầu cứ mỗi người tìm đến nhà hỏi về hiến xác là ông lại cất công lên tận Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế thành phố để xin các loại mẫu biểu, giấy tờ liên quan về hướng dẫn tỉ mỉ cách ghi chép rồi lại tận tình đưa họ tới trung tâm nộp đơn hiến xác. Sau này khi vận động được nhiều người, ông phôtô sẵn từng loại hồ sơ để đỡ tốn công đi lại.
 
 “Những ngày mới vận động bà con hiến xác chắc ông cũng gặp nhiều khó khăn lắm?”, tôi băn khoăn hỏi. Ông Thân gật đầu: “Có một chuyện làm tôi nhớ mãi, đó là vào khoảng cuối năm 2002, khi tôi vừa lên trung tâm về thì một người đàn bà trạc 50 tuổi, ốm nhếch tìm đến nhà tôi tìm hiểu về việc hiến xác. Sau khi nghe tôi giải thích, bà ta liền hỏi: “Hiến xác rồi tôi có được gì không?”. Có lẽ vì hoàn cảnh khó khăn, lại thiếu thông tin nên bà ta cứ tưởng hiến xác là được tiền. Tự nhiên tôi thấy buồn và chợt nghĩ, chắc tại mình tuyên truyền chưa tốt. Thế là từ đó tôi tích cực sưu tầm tư liệu, lên trung tâm y tế thành phố nhờ bác sĩ giải thích kỹ hơn về ích lợi của hiến xác cho y học. Trong các buổi sinh hoạt chi bộ, họp khu phố, họp hội cựu chiến binh... tôi đều tranh thủ tuyên truyền hiến xác có nhiều cái lợi, cả cho mình và cho xã hội.
 
 Vợ chồng ông Thân - bà Tuyến.
Chết rồi mà vẫn có ích cho thế hệ sau, con cháu mình vẫn luôn có cảm giác như mình đang tồn tại. Vậy thì tại sao trước khi chết chúng ta không tích thiện thêm một lần nữa? Nghe vậy nhiều người đã tin tưởng, ủng hộ tôi”. Chính nhờ cách tuyên truyền giản dị, dễ hiểu lại rất đúng tâm lý đối tượng và gần gũi với bà con nên hơn chục năm qua ông Thân đã vận động được 56 người thuộc đủ thành phần, nghề nghiệp đăng ký hiến xác cho ngành y. Con số ấy mỗi năm một tăng chứng tỏ việc làm của ông rất hiệu quả. Bởi vậy, dù ở sâu trong hẻm nhưng khi hỏi đến tên “ông Thân hiến xác” thì bà con khu phố 14 ai cũng tận tình chỉ tới tận nhà.

Không chỉ vận động bà con trên địa bàn mà ông còn vận động người thân cùng hiến xác. Vợ chồng cô con gái lớn của ông tên Lê Thị Kim Hồng, ngụ tại Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) cũng đồng ý nộp đơn hiến xác sau nhiều lần phản đối cha kịch liệt. “Cũng dễ hiểu thôi bởi vợ chồng nó còn trẻ mà...”, ông Thân nói như để cảm thông với tâm trạng của các con khi đó.

Tranh thủ lúc ông Thân nghe điện thoại, tôi quan sát căn nhà. Chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc tủ gỗ và một bộ bàn ghế rẻ tiền. Nhưng trên bức tường ngay lối ra vào treo kín những tấm bằng khen, giấy khen mà ông được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trao tặng. Tự nhiên tôi hình dung ra một ông Thân “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, tích cực, năng nổ, tự bỏ công sức, chi phí đi lại để giúp đỡ, vận động bà con hiến xác. Công việc ấy của ông thật chẳng có gì để mà tư lợi nhưng lại có lợi cho sự phát triển của y học và sức khỏe con người.
 
Bởi thế, ông vẫn hăng hái, nhiệt tình như thể đó là một nguồn vui tuổi cuối đời. “Tôi từng là một người lính nhiều lần sinh tử trong mưa bom, bão đạn. Được sống đến hôm nay đã là may mắn hơn bao đồng đội khác. Cho nên tôi tự hứa với lòng phải sống cho có ích để trả nghĩa đồng đội đã hi sinh. Sống trả chưa hết thì chết tiếp tục trả”. Đó là phương châm sống của cựu chiến binh, thương binh Lê Văn Thân suốt mấy chục năm nay, như một lẽ tự nhiên thôi thúc ông hăng say giúp ích cho đời...

Chia tay ông khi bóng chiều sắp ngả bên tai tôi vẫn văng vẳng câu nói của Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố 14 (phường 10) Vũ Viết Bình: Dù tuổi tác đã cao nhưng ông Tư Thân luôn là một đảng viên mẫu mực, xung kích trong các hoạt động xã hội. Ông đã đi tiên phong và làm thay đổi tư duy của nhiều người về quan niệm hiến xác cho y học. 

Bài và ảnh: HOÀNG ĐÌNH THÀNH

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]