Trên thế giới đã ghi nhận một trường hợp điển hình về việc hình thức BCTN phản ánh tình trạng tài chính mạnh hay yếu của một công ty. Năm 1980, Tập đoàn Chrysler công bố mức thực lỗ 1,7 tỷ USD trong một bản báo cáo in trắng đen dày 32 trang trên giấy thường và không có bức ảnh nào. Năm sau, Chrysler báo cáo mức lỗ chỉ còn 475 triệu USD trên loại giấy dày với 16 bức ảnh màu của những sản phẩm bán chạy nhất. Năm 1982, Chrysler công bố mức lãi 170 triệu USD trong một bản báo cáo nhiều màu sắc bắt mắt, cùng ảnh chân dung của vị Chủ tịch Tập đoàn thời đó là Lee Iacocca...

 

Soi vào thị trường Việt Nam trong giai đoạn khó khăn này, không có gì ngạc nhiên khi những doanh nghiệp niêm yết dạng "anh cả đỏ" cũng là những công ty đầu tư nhiều công sức để xây dựng bản BCTN như một sự khẳng định mình với NĐT.

Tại FPT, Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban Quan hệ cổ đông Bùi Quang Ngọc trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng BCTN. Ngoài các nội dung cơ bản, hình ảnh và bố cục của Báo cáo cần phải thể hiện được FPT là một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông. Lá cờ truyền thống 3 màu của logo FPT cũng thể hiện được hài hòa và xuyên suốt trong toàn cuốn báo cáo.

Xpress Singapore được chọn là đơn vị thiết kế và in ấn BCTN của FPT. Trước đây, họ mới chỉ làm việc với các công ty hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính, đây là lần đầu tiên công ty này thiết kế BCTN cho một công ty IT như FPT. "Ban đầu, đơn vị thiết kế tỏ ra khá lúng túng, nhưng nhóm làm việc của FPT đã kết hợp rất tốt nên hai bên nhanh chóng hiểu nhau và họ đã nắm bắt được ý tưởng của chúng tôi", ông Ngọc cho biết.

Tại CTCP Tập đoàn Hòa Phát thì nội dung BCTN được "quán triệt" là, phải khái quát hình ảnh về một tập đoàn tư nhân sản xuất công nghiệp với ưu thế dẫn đầu trong nhiều ngành hàng trọng điểm. Ban IT và PR của Hòa Phát tự đảm trách phần thiết kế BCTN. Màu xanh - màu logo của Tập đoàn được chọn là gam màu chủ đạo của BCTN năm nay. Trang bìa của ấn phẩm được thiết kế đơn giản, là sự phối hợp giữa hình ảnh logo và 12 đường thẳng (tượng trưng cho 12 công ty thành viên và liên kết của Hòa Phát) hướng lên phía trước, thể hiện slogan: "Hòa Phát - Hòa hợp cùng phát triển".

CTCP Gỗ Trường Thành chọn hình ảnh bộ bàn ghế ngoài trời, dưới tán cây cổ thụ để giới thiệu một cách cô đọng nhất về Công ty. Còn Vinamilk thì giới thiệu logo và các dòng sản phẩm trên trang bìa khiến BCTN của công ty này rất dễ nhận ra.

Một sự trùng hợp không ngẫu nhiên mà phóng viên ĐTCK ghi nhận là, tại các công ty lớn, bản BCTN in bằng song ngữ Việt - Anh là khá phổ biến.

Tổng giám đốc CTCP Khoan và dịch vụ Dầu khí (PVD), ông Đỗ Văn Khạnh cho biết, PVD thường xuyên tiếp NĐT, khách hàng là người nước ngoài nên BCTN in song ngữ là rất cần thiết. Còn FPT in số lượng bản tiếng Anh và tiếng Việt bằng nhau nhưng bản tiếng Anh phát hết trước và dự tính phải in thêm. Tập đoàn Hòa Phát, sau khi phát bản BCTN tiếng Việt thì nhận được rất nhiều yêu cầu cung cấp bản tiếng Anh ngay sau đó, trong khi bản tiếng Anh mới đang được in. "Đây là một thiếu sót cần giúp kinh nghiệm trong các năm sau", bà Vũ Ngọc Thủy, Giám đốc truyền thông của Hòa Phát cho biết.

Đáng lưu ý là, tại các công ty niêm yết, việc lập BCTN đã đi xa hơn nhiều việc thực hiện trách nhiệm của một công ty đại chúng theo quy định của pháp luật. BCTN còn được xem như một giới thiệu hoàn chỉnh về bản thân doanh nghiệp và được để sẵn tại các chi nhánh, phòng giao dịch, đại lý giao dịch của các công ty trên toàn quốc để phát cho khách hàng và bạn hàng đến giao dịch.

BCTN khác tất cả các loại "báo cáo" mà doanh nghiệp Việt Nam vẫn làm từ trước đến nay. Nó vừa phải có tính chân thực của "báo cáo" vừa có tính thuyết phục, truyền đạt thông điệp một cách ấn tượng, ngắn gọn về DN. Một điều dễ nhận thấy trong các báo cáo là ở công ty nào Ban lãnh đạo quan tâm đến bản báo cáo thì thiết kế, ý tưởng sinh động và đẹp hơn về hình ảnh, câu chữ có tính biểu cảm nhiều hơn bên cạnh ngôn ngữ tài chính thông thường.

Qua hình thức của một bản báo cáo cũng có thể cảm nhận được kết quả kinh doanh của một công ty như thế nào. Vì thế, cũng có thể chia sẻ với một số công ty rất nổi tiếng trên sàn nhưng đang gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh nên chưa thể tham gia cuộc bình chọn BCTN năm nay.

Mong rằng, các doanh nghiệp niêm yết sẽ vượt qua được khó khăn thử thách hiện tại để sang năm, chiến lược phát triển mới của mỗi doanh nghiệp sẽ thể hiện trong BCTN bằng hình ảnh, nụ cười tươi rói của các thành viên HĐQT và Ban giám đốc. Đã "tốt gỗ" thì… xá gì một chút "nước sơn"!     

Theo Thu Hương
Thu Hương