Tốt xấu tùy liều lượng

Trông mặt đặt tên là chuyện thường tình. Hễ quảng cáo về kem đánh răng thì nghe nhắc đến khoáng tố fluor. Như các hoạt chất khác, fluor cũng có tác dụng hai chiều, qua đó tác dụng hữu ích hay độc hại tùy thuộc vào sự khác biệt rất mong manh về liều lượng.

0

Cùng với vôi, fluor là thành phần cơ bản để xương không xốp, và nhất là để răng được bền với lớp ngà răng vừa chắc vừa bóng. Fluor vì thế rất quan trọng cho trẻ con nhằm tránh nguy cơ hư răng trong giai đoạn răng sữa cũng như biến dạng trong thời kỳ phát triển của xương hàm. Nhưng fluor không chỉ cần thiết cho lúc còn trẻ, khoáng tố này cần được lưu ý cho mọi đối tượng đã trưởng thành, đặc biệt khi bước vào tuổi 50, nhất là phụ nữ lúc mãn kinh dễ bị hư men răng và loãng xương do rối loạn nội tiết tố.

Trên lý thuyết, cơ thể khó thiếu fluor vì khoáng tố này có nhiều trong hải sản, thịt và trà. Tập quán ăn trầu của người mình chính là một biện pháp kinh nghiệm để bảo vệ ngà răng. Thêm vào đó, fluor được hấp thụ dễ dàng qua đường ruột trước khi được vận chuyển đến xương và răng. Dù vậy, trên thực tế, cơ thể vẫn có thể thiếu fluor dù ăn uống đầy đủ vì tiến trình hấp thụ fluor tùy thuộc vào hàm lượng chất vôi trong bữa ăn. Càng nhiều vôi thì fluor càng dễ được hấp thu.

Người ăn chay trường, người không uống sữa vì thế dễ thiếu fluor. Để tránh chuyện này thì người Anh khéo hơn với tập quán uống trà pha sữa vì đó là hình thức phối hợp hoàn hảo nhằm cung ứng fluor và vôi. Đừng quên, fluor không chỉ có công năng thụ động nhằm ngăn ngừa sâu răng. Fluor là khoáng tố không thể thiếu để tái tạo răng đã bị hư. Khoáng tố này vì thế rất cần thiết cho người thích ăn ngọt. Có lẽ vì thế mà người phương Đông có thói quen uống trà sau khi ăn bánh kẹo để răng vẫn khỏe.

Nhưng đừng vì thế rồi tưởng càng nhiều fluor càng tốt. Không ích gì nếu lượng fluor trong cơ thể quá cao. Răng khi đó trở thành tấm bia tập bắn. Quá nhiều fluor thì răng sẽ ngả màu nâu hay trắng nhám và dễ gãy, đặc biệt ở trẻ con. Ở người lớn thì không chỉ răng mà xương cũng mất cấu trúc bền chặt và dẫn đến loãng xương, nguyên nhân thường gặp của tình trạng đau khớp bên cạnh chuyện dễ gãy xương! Thêm vào đó, do ảnh hưởng gián tiếp trên tuyến giáp trạng khi cơ thể quá thừa fluor, chất vôi bị huy động trật đường nên không còn được rải đều trong mô xương như mong muốn, mà lại đóng từng khối trong khớp xương và trên gân cơ, gây đau nhức và giới hạn vận động.

Tình trạng nhiễm độc fluor cũng đồng thời gây ảnh hưởng bất lợi trên nhiều phản ứng biến dưỡng cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh và nội tiết. Cơ thể chứa quá nhiều fluor thì nạn nhân dễ bị rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, háo động... Nguyên nhân hay gặp là do nước uống có thành phần fluor quá cao. Chính vì thế mà các loại nước khoáng, nước tinh khiết chỉ được chứa fluor với hàm lượng tối thiểu theo luật an toàn thực phẩm. Đừng vội mừng khi tìm được loại nước uống có nhiều fluor!

Riêng với trẻ con, các bậc phụ huynh nên lưu ý là nhiều trẻ dễ bị nhiễm độc fluor vì thói quen nuốt kem... đánh răng. Sản xuất kem đánh răng cho trẻ con vừa thơm phức lại thêm ngọt hơn kẹo thì đúng là dễ dụ trẻ đánh răng, nhưng mặt khác có khi trẻ dễ bị hư răng hay quấy phá suốt ngày chỉ vì kem đánh răng quá... ngon!
 

Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]