‘Touch’ - rung cảm tâm hồn từ những đụng chạm cơ thể

Đúng như tên gọi, bộ phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Đức Minh đưa người xem “chạm” tới những cảm xúc ngọt ngào nhất, đắng cay nhất và cả man dại, trần trụi nhất trong mỗi con người.

15.5687

Thuộc dòng phim độc lập kinh phí thấp và thực hiện tại Los Angeles, Mỹ, Touch của đạo diễn Nguyễn Đức Minh bắt đầu gây chú ý từ khi giành giải Phim được khán giả yêu thích nhất tại Liên hoan phim quốc tế người Việt lần thứ năm hồi 2011. Sau đó, phim còn chinh phục được nhiều LHP quốc tế khác tại Mỹ như ở Boston, Santa Rosa. Câu chuyện của Touch được pha trộn giữa hai yếu tố văn hóa, một là truyền thống của Việt Nam, hai là sức ảnh hưởng của môi trường phương Tây tới những người Việt ly hương. Là một phim điện ảnh có tính nghệ thuật, câu chuyện của Touch rất gần gũi, dễ đồng cảm chứ không hề đánh đố khán giả. Touch có lẽ chưa thể xếp vào dòng phim nghệ thuật nhưng nếu coi là sản phẩm thương mại thì lại không hoàn toàn chính xác.

 

Nghề làm móng (nails) vốn là công việc rất phổ biến của đa số phụ nữ Việt sống tại nước ngoài. Touch dẫn dắt người xem bước vào câu chuyện bằng không khí nhộn nhịp tại một cửa hàng nail của người Việt sống ở Mỹ có cái tên rất “kêu” - V.I.P. Tại đây, bà chủ Bích thích buôn chuyện ngày ngày cùng ba nhân viên Hồng, Quyên và Linh tiếp bao lượt khách tới làm móng. Những câu chuyện của họ với bao chủ đề, từ gia đình, bạn bè, sở thích, đam mê và cả chuyện tình dục dường như không bao giờ kết thúc. Một ngày, cửa hàng của bà Bích tiếp nhận một nhân viên mới là Tâm - cô gái xinh đẹp, ít nói và sở hữu đôi bàn tay khéo léo như sinh ra để làm nails.

John Ruby (vai Brendan) và Porter Lynn (vai Tâm) - hai diễn viên chính của phim "Touch".

Vừa bắt đầu công việc, Tâm đã tiếp một vị khách rất đặc biệt là anh chàng người Mỹ, Brendan. Anh ta muốn Tâm rửa sạch đôi tay nhớp nhúa vết dầu mỡ vì công việc thợ máy. Tuy nhiên, lý do chính là Brendan muốn tìm cách cứu vãn cuộc hôn nhân 8 năm đang nguội lạnh của mình, và việc đầu tiên là làm sạch đôi tay bẩn mà vợ anh vẫn hay phàn nàn mỗi khi gần gũi. Không chỉ làm sạch đôi tay cho Brendan, Tâm còn đưa ra những lời khuyên khiến anh hàn gắn lại tình cảm với người vợ ngày ngày chỉ biết đến công việc. Những lần va chạm đôi tay trong cửa hàng nails đã trở thành cảm hứng đưa họ bước vào một mối quan hệ kỳ lạ…

Đạo diễn Nguyễn Đức Minh thể hiện ý tưởng về sự va chạm trong cuộc sống thường ngày theo những cấp độ và xúc cảm khác nhau. Từ cái bắt tay, vỗ về, cái ôm, những ngón tay mềm mại mơn man, lả lướt va vào nhau cho tới sự hừng hực, mạnh mẽ, nồng nàn của xác thịt đều được thể hiện rất tinh tế, tròn và đủ cho ý nghĩa của từ “chạm” ở bộ phim này. Đó có thể là sự “chạm” rất đỗi thông thường khi chúng ta giao tiếp, gặp gỡ hàng ngày, cũng có thể là những đụng chạm tình cảm nam - nữ hay đơn giản là sự “chạm” hiện hữu một cách vô hình trong tiềm thức hay cảm xúc của mỗi con người.  

Câu chuyện của Touch có vẻ như rất đơn giản, gần gũi về mối quan hệ giữa một cô gái Việt làm nghề nails ở Mỹ và anh chàng người bản xứ gặp trục trặc hôn nhân. Tuy nhiên ở nội dung tưởng chừng rất đời thường đó, cách kể đầy tinh tế, ý nhị của đạo diễn Nguyễn Đức Minh đã tạo nên sự lôi cuốn trong suốt 110 phút. Người xem có thể cảm thấy rằng câu chuyện này, những con người đó, những màu sắc ấy dường như đang tồn tại đâu đó ở phía bên ngoài màn ảnh, chứ không chỉ trong phim. Cách mà các tình tiết được đưa đẩy đầy bất ngờ, kích thích cho sự tò mò, khám phá những yếu tố nhân sinh sâu thẳm mà ai cũng đều có thể cảm nhận được.

Poster đầy gợi hình của "Touch".

Phim dễ dàng khiến người xem bật cười bởi những câu chuyện tào lao của những “bà cô” làm móng. Họ “buôn” đủ thứ chuyện trên đời và dường như việc được nói, được cười, được tâm sự, bộc bạch suy nghĩ là một đặc quyền riêng không thể thiếu trong nhu cầu thường ngày của họ. Sự hài hước thể hiện ở những câu thoại vu vơ, hồn nhiên mà họ nói với nhau bằng tiếng Anh pha lẫn tiếng Việt. Nhưng ngay sau đó, không khí vui nhộn lại nhường chỗ cho sự lãng mạn, ngọt ngào khi điểm chuyện xoay sang mối quan hệ của Tâm - Brendan, Tâm - Kỳ hay Brendan - Sandie. Họ gặp nhau, trò chuyện, va chạm nhau và có những cảm xúc lạ thường mà không thể diễn tả bằng lời.

Tình tiết thú vị, gây bất ngờ nhưng cũng độc đáo nhất trong phim có lẽ nằm ở trường đoạn Tâm mời Brendan về nhà mình và giúp anh “chạm” vào những cảm xúc, tương tư của bản thân. Không ít khán giả sẽ hiểu lầm tình tiết này nhưng chỉ ngay sau đó, “sự khơi dậy cảm xúc” chính là câu trả lời cho những câu hỏi thắc mắc khi xem tới đây. Ngay sau sự lãng mạn, câu chuyện của Touch lại đưa đẩy khán giả tới một mức độ cao hơn, đó là sự va chạm về mặt tâm hồn, tình cảm. Mối quan hệ lúc này xoay chuyển sang Tâm và người cha bị trầm cảm. Sự mạnh mẽ, da diết của tình phụ tử đã “chạm” tới tận cùng yêu thương, hạnh phúc của cô gái trẻ cô đơn với người cha nghiêm khắc.

Kinh phí hạn chế (chỉ khoảng 200.000 USD) nên ở Touch rất hiếm có những đại cảnh hoành tráng với dàn diễn viên quần chúng đông đảo. Bối cảnh trong phim chỉ loanh quanh ở nội cảnh, gồm nhà của các nhân vật, trong cửa hiệu làm móng hay trong nhà hàng. Touch sử dụng nhiều cảnh cận, đặc tả, nhất là ở những cảnh va chạm da thịt. Cảnh nóng trong phim xuất hiện tràn ngập nhưng lại chính là một điểm nhấn khiến Touch trở nên quyến rũ hơn bao giờ hết. Cảnh nóng trong phim Việt vốn bị rất nhiều khán giả dị ứng bởi quay quá “thô” và dung tục. Trong Touch, cảnh nóng cũng rất trần trụi nhưng sự kết hợp của âm nhạc, góc quay, tâm lý nhân vật đã đem lại một cảm giác đầy đam mê.

Nếu thiếu đi những cảnh nóng thì có lẽ Touch sẽ chỉ có thể mơn man, bông đùa chứ không thể chạm tới tận cùng cảm xúc của người xem được. Những cảnh làm tình hừng hực với những giọt mồ hôi, cảnh hai thân thể lõa lồ quấn lấy nhau trên chiếc sofa, trong bồn tắm hay sự phô bày da thịt của từng nhân vật đều mang một ý nghĩa nhất định chứ không phải trò câu khách rẻ tiền như đa số cảnh nóng trong phim thương mại. Sẽ chẳng thể tìm thấy sự dung tục trong những cảnh này mà trên hết, thứ để lại ấn tượng nhất chính là “tình”. Tình cảm nam nữ, tình cha con, tình yêu của chính bản thân… Có thể nói sex là một phần tất yếu trong tổng thể câu chuyện của Touch.

"Touch" là phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Nguyễn Đức Minh với kinh phí khoảng 200.000 USD (khoảng 4,2 tỷ đồng).

Dàn diễn viên của Touch từ chính tới phụ đều thể hiện rất tốt nội tâm mà từng nhân vật của họ yêu cầu. Nữ diễn viên trẻ lần đầu đóng phim, Porter Lynn, mang đến hình ảnh một cô gái Việt ly hương nhiều tâm sự, cô đơn nhưng đầy duyên dáng, nữ tính. Trong khi đó, nam diễn viên người Mỹ John Ruby dường như được “đo ni đóng giầy” với vai Brendan. Anh thể hiện trạng thái tâm lý ngây ngô, vụng về, bối rối hay cuồng nhiệt đều rất “đời”. Nam diễn viên Long Nguyễn (vai người cha) dù xuất hiện không nhiều nhưng mỗi cảnh quay của anh đều mang lại cảm giác dữ dội cho người xem.  

Âm nhạc cũng làm nên sự va chạm các cung bậc cảm xúc trong Touch. Phim khai thác hai yếu tố văn hóa - vừa truyền thống phương Đông, lại vừa hiện đại, cởi mở của phương Tây nên các giai điệu cũng có sự pha trộn của nhiều dòng nhạc ở nhiều thời kỳ. Nếu như Nails Nails Nails của Don Hồ mang âm hưởng vui nhộn của nhạc Disco hải ngoại những năm 1990 thì Như đã có nhau của Vân Quỳnh đượm đà hương vị dân gian đương đại phương Đông. Ca khúc lãng mạn Còn chiều nào đáng nhớ hơn xuất hiện ở gần cuối phim lại rất mộc mạc, gợi nên vẻ xa xăm, thăm thẳm chan chứa một nỗi niềm xao xuyến dễ đi sâu vào lòng người.  

Cảm xúc con người luôn là thứ khó nắm bắt và không thể nào biết trước được. Sự va chạm chính là yếu tố tác động làm thay đổi nó. Với tác phẩm đầu tay do chính mình làm đạo diễn và viết kịch bản, đạo diễn Nguyễn Minh Đức đã kể một câu chuyện mà trong đó, người xem có thể cảm nhận được rất nhiều thứ khác nhau - nhẹ nhàng, tinh tế, ý nhị, tình cảm, ngọt ngào, hài hước, dí dỏm, lãng mạn, cay đắng, mãnh liệt, buồn bã, bi thương… Tất cả yếu tố đó được đan xen lẫn lộn xuyên suốt chiều dài phim nhưng sau cùng là một sự lạc quan, bình yên. Có thể thấy cảm xúc con người là một thứ gì đó thật đẹp đẽ, thật đáng để nâng niu, đáng để trân trọng và đáng để “chạm” vào.

Touch (Chạm) khởi chiếu tại các rạp từ ngày 30/3.

Nghe nhạc phim

* Đánh giá của VnExpress: 8/10

* Đánh giá của độc giả:

Nguyên Minh

Cảm xúc của bạn khi xem phim "Touch"?

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]