Trà đá vỉa hè có nguy cơ... biến mất?

Sở Giao thông của 2 thành phố lớn đề xuất cấm kinh doanh ở nhiều tuyến phố nội đô, khiến thói quen trà đá của nhiều người có nguy cơ...biến mất?

15.5935
Sở Giao thông Vận tải TP. HCM vừa đề xuất cấm kinh doanh vỉa hè trên 100 tuyến phố. Còn Sở Giao thông Hà Nội cũng đang xây dựng đề xuất tương tự. Nếu điều đó được thông qua, nhiều người dân sẽ khó được thưởng thức thói quen nhâm nhi ly trà đá ven đường của mình?

“Người giàu cũng khóc”

Theo một chuyên gia viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM, vỉa hè không phải chỉ có người nghèo mưu sinh mà còn có cả giới nhà giàu buôn bán. Những quán bia lớn bày bàn tràn lề đường, những quán karaoke hồn nhiên đưa xe xuống lòng đường, những siêu thị điện máy ngang nhiên chiếm trọn đường dành cho xe bus đi để đưa xe của khách hàng vào đó…

Theo thống kê của Viện này năm 2004, vỉa hè là nguồn sống của khoảng 150 nghìn người kinh doanh nhỏ, khoảng 100 nghìn người buôn bán hàng rong. Biết bao “miệng ăn”, hóa đơn tiền học, tiền điện nước…trông chờ vào những gánh hàng rong. Nếu lệnh cấm được ban ra, trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn như này, những người nghèo sẽ làm gì để tự nuôi mình và nuôi người thân?

Trà đá vỉa hè sẽ dần biến mất? (Ảnh: Internet)

“Ăn bún chả ở vỉa hè chỉ có 20 nghìn một bát. Nhưng vào nhà hàng phải lên đến 30 – 40 nghìn là ít, mà chưa chắc nhà hàng đã sạch hơn đâu. Mua quần áo bán vỉa hè cũng rẻ hơn trong shop, dù phần lớn đều là hàng Trung Quốc” – chị Nguyễn Thị Tú, nhà ở ngõ 183 đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội nhận định.

Còn trong đề tài nghiên cứu về “bán hàng rong” của một giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội thì cho rằng “hàng vỉa hè bán giá rẻ hơn trong các cửa hàng, vì họ không phải chi phí mặt bằng. Mặt khác, nó cũng tiện lợi cho người mua, dù rằng có làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị”.

“Giận cá chém thớt”

Một trong những lý do lớn nhất của đề xuất cấm kinh doanh vỉa hè lần này của hai Sở Giao thông lớn nhất cả nước là lý do…tắc đường. Theo những các cán bộ giao thông ở đây thì vì do nhiều người mua bán trên hè nên…lòng đường bị tắc?

Trà đá vỉa hè đông khách ở Ngã Tư Sở, Hà Nội


Logic của việc này cũng giống như việc phân làn ở Hà Nội và TP HCM. Vì các cán bộ giao thông cho rằng, tắc đường một phần do xe máy đi lấn làn ô tô, nên mới kẻ vạch cho mỗi loại phương tiện đi một bên. Kết quả đến nay thế nào, mọi người đã biết. “Nếu vỉa hè nào cũng sạch trơn mà người tham gia giao thông vẫn ngày một tăng thì làm sao thoát cảnh tắc đường? Mà có được đi lên vỉa hè đâu?” – anh Đinh Quang Thái, một người dân sống ở đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội nhận xét.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Hà Nội phân tích, do các tỉnh xung quanh chưa tạo được lực hút nên dân đổ về Hà Nội mưu sinh. Bên cạnh đó các biện pháp quản lý chưa tốt nên lượng phương tiện tăng rất nhanh. Một phần vì quyền lợi, vì vấn đề phát triển kinh tế đơn thuần mà tạo nên những bất hợp lý trong khâu quy hoạch. Năm 2008 khi mở rộng Hà Nội, đáng lẽ phải đặt ngay vấn đề quy hoạch giao thông mới, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có quy hoạch giao thông nên phải giải quyết tình thế.

“Mèo lại hoàn mèo”?

Tháng 7/2008, Hà Nội đã cấm bán hàng rong tại tại 62 tuyến phố và 48 di tích lịch sử văn hóa như Hàng Bài, Bà Triệu, Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Cát Linh, Xuân Thủy…Nhưng hiện nay, đi dọc các con phố này, không khó để bắt gặp các gánh hàng rong, các quán cóc vỉa hè…vẫn hoạt động như chưa hề có lệnh cấm. Một chuyên gia của viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM nhận định, sở dĩ như vậy vì một phần những người quản lý địa phương có “quyền lợi” trong đó, nên mới có tình trạng bao che, “bảo kê”.

Thế nên, kể cả khi lệnh cấm kinh doanh vỉa hè được ban hành, liệu có giảm được cảnh tắc đường như trông đợi. Hơn nữa, tác dụng của “viên thuốc xoa dịu” này được bao lâu, nếu vẫn còn biết bao lợi ích chi phối, khi mà kinh tế đất nước mới chuyển mình, chưa đủ phát triển để làm theo các nước khác?

Vì thế, những người yêu trà đá vẫn có quyền hy vọng, thói quen của mình sẽ không bị gián đoạn lâu dài!


Có thể bạn quan tâm:


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]