Hơn 50% làm việc trái ngành

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, khoảng 20% SV rất khó hoặc không tìm được việc làm, phải chuyển đổi ngành học hoặc làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo. Trong số SV tìm được việc, 50% phải làm việc trái ngành nghề, thu nhập thấp, việc làm không ổn định.

Nhiều LĐ trẻ đang tìm việc làm chấp nhận xin việc trái ngành.

Kết quả điều tra do Trường ĐH Kinh tế TPHCM thực hiện với các DN cho thấy một tỉ lệ lớn hơn: Có tới 85% số DN có nhân viên không học quản trị kinh doanh (QTKD) mà vẫn làm trong lĩnh vực kinh doanh thương mại. 72% số DN có số lượng nhân viên không học QTKD (chiếm từ 2-10% tổng số nhân viên).

Trong điều kiện thị trường LĐVL nhiều cạnh tranh, khó khăn như hiện nay,  SV trẻ mới ra trường chưa vững chuyên môn, ít kinh nghiệm không dễ tìm được việc làm tốt. Vì vậy, nhiều người phải tạm chấp nhận làm việc trái ngành, chờ cơ hội tìm việc đúng ngành tốt hơn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người lại gặt hái được thành công với công việc trái ngành vốn ban đầu chỉ được coi là công việc tạm thời, thậm chí có người đã đi làm lâu năm vẫn chuyển việc trái ngành.

Ông Dương Hữu Quang - GĐ Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Chương trình cử nhân trực tuyến Topica – kể: Ở Topica có chuyện “buồn cười”, là GĐ kỹ thuật thì học luật, GĐ chương trình kỹ sư tin học thì học QTKD... Bản thân tôi tốt nghiệp thạc sĩ ngành điện tử ĐH Bách khoa năm 2006, sau một vài năm công tác đúng chuyên ngành, bây giờ lại chuyên về PR, marketing, sale... trong lĩnh vực giáo dục.

Câu chuyện thành công với việc làm trái ngành được ông Dương Hữu Quang tiếp tục với các ví dụ nổi tiếng thế giới: CEO Cty IBM vốn là cử nhân lịch sử, nguyên CEO Apple - Steve Job, bị đuổi học từ năm thứ nhất, Bill Gates – Chủ tịch Microsoft bỏ học ĐH từ năm thứ hai...

Mở rộng cơ hội

Theo ông Dean Borg - GĐ bán hàng toàn quốc BCI Asia Vietnam, “SV làm trái ngành không có gì là không được, vấn đề quan trọng là cần phải cho nhà tuyển dụng thấy được sự nhiệt tình và đam mê của mình. Tuy nhiên, do vấn đề bằng cấp nên việc làm việc đúng ngành vẫn có cơ hội nghề nghiệp cao hơn”.

Nhiều chuyên gia nhân sự, chủ DN cũng đồng tình với quan điểm này. Ông Dương Hữu Quang chia sẻ: Khi mới ra trường, các bạn SV nên làm việc đúng ngành, để có thể phát huy kiến thức đã được học. Nhưng có thể lựa chọn ngành nghề khi bạn còn trẻ không thật chính xác, cũng có thể điều kiện gia đình – xã hội thay đổi khiến bạn phải thay đổi theo.

Vì vậy, không nên tự bó hẹp cơ hội của mình, hãy làm những gì mình thích, dám thay đổi. Bạn có thể vừa đi làm vừa học lên cao, nhảy việc một vài nơi... để thu thập thêm kinh nghiệm, va chạm với nhiều môi trường khác nhau.

Nếu được mời làm công việc trái ngành với mức lương cao hơn thì hãy thử sức. Vừa làm vừa học thêm về chuyên môn, hoàn thiện các kỹ năng cần thiết cho công việc mới. Hãy làm những gì bạn thích, hết mình với công việc, khi đó bạn sẽ thành công, dù đó là việc làm đúng ngành hay trái ngành.

Linh Phương