Trải nghiệm để thành công

25 tuổi, Vương Vũ Thắng đang là Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Vinacomm với 50 nhân viên và doanh số năm 2003 đạt 900.000 USD. Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm VN, quy mô và tiềm năng phát triển của Vinacomm bây giờ tương đương FPT năm 1999.

15.5991

Giám đốc Công ty Vinacomm Vương Vũ Thắng.

Giám đốc Công ty Vinacomm kể rằng, trước khi mở công ty riêng, anh đã làm việc rất nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm. Vốn là dân chuyên toán khối phổ thông của trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, Thắng bắt đầu đi làm từ năm lớp 11 với suy nghĩ: "Phải tìm việc làm để tự rèn luyện, không lương cũng được". Thắng làm không công cho các dự án phần mềm "Dạy học máy tính bằng công cụ đa phương tiện" với Công ty Tân Thế Kỷ, "Quản lý tài liệu sinh vật" với khoa Sinh, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội...

Cuối năm lớp 12, Thắng đoạt giải nhất và giải nhì tin học quốc gia, đủ khả năng viết phần mềm theo sự tìm tòi của riêng mình. Hè năm đó, Thắng lại giành thêm một giải nhất trong cuộc thi Tin học trẻ quốc gia cho phần mềm "Tự sửa máy tính" viết bằng Visual Basic 3.0 trên Windows, một ngôn ngữ lập trình còn khá mới mẻ ở thời điểm đó mà đến năm sau, các công ty phần mềm mới bắt đầu sử dụng. Năm đầu tiên là sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng là lúc Thắng bắt đầu kiếm được tiền từ việc tham gia các dự án phần mềm. Những thành tích trong các cuộc thi đã giúp Thắng kiếm việc, kiếm tiền không mấy khó khăn.

Hè năm thứ 3 đại học, Thắng xin được vào làm việc ở Công ty Software Visoneer, một công ty có trụ sở chính tại Mỹ, chuyên làm phần mềm ở Việt Nam để xuất khẩu. Kết thúc ba tháng hè, ngoài việc có thêm những kinh nghiệm làm việc, Thắng tự tin hơn khi nhận thấy người Việt hoàn toàn có thể sáng tạo ra những cái mới nếu có phương pháp. Và Thắng bắt đầu muốn biết các công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam đang làm gì và muốn thử nghiệm các phương pháp mới trong môi trường hoàn toàn Việt Nam. Đó là lý do Thắng xin thực tập ở hết công ty này đến công ty khác, đều là những công ty có tên tuổi trong lĩnh vực sản xuất phần mềm ở Việt Nam.

Cuối năm 2000, Internet bắt đầu xuất hiện phổ biến ở Việt Nam. Thắng nhận thấy cần xây dựng một diễn đàn trên Internet để các bạn trẻ có nơi gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ kiến thức. Thắng liền đem số tiền tích cóp được sau mấy năm làm phần mềm đi đăng ký thẻ tín dụng (lúc đó dùng thẻ tín dụng để chi tiêu qua Internet còn rất mới mẻ ở Việt Nam). Thắng mày mò cách sử dụng thẻ để mua tên miền và thuê dịch vụ máy chủ ở nước ngoài. Thắng bắt đầu đọc các sách về những cộng đồng ảo ở Mỹ và Trung Quốc và nhận ra mình cũng có khả năng xây dựng một cộng đồng ảo đầu tiên ở Việt Nam, nơi mọi người đều có thể học hỏi, chia sẻ kiến thức và giúp đỡ nhau cả trong cuộc sống thực. Thắng nghĩ đến việc mở công ty riêng vào học kỳ cuối cùng của năm thứ tư đại học. Công ty Giải pháp sáng tạo VVT chuyên viết các phần mềm quản lý doanh nghiệp ra đời từ suy nghĩ đó. Cũng thời điểm này, Thắng đã đoạt giải nhất trong cuộc thi Trí tuệ Việt Nam (năm 2001).

Sau 2 năm hoạt động khá suôn sẻ và thành công, Thắng ý thức được rằng "Khi công việc phát triển mà muốn phát triển hơn nữa, một cá nhân không thể thực hiện được mà cần phải thu hút thêm người". Thắng mở Công ty cổ phần Vinacomm chuyên cung cấp các sản phẩm phần mềm và dịch vụ truyền thông để thu hút những người có khả năng.

Thắng luôn tự nhủ "Tôn trọng người tài và đặt yếu tố con người lên trên. Hãy tôn trọng và sẵn sàng học hỏi". Thắng tâm niệm, muốn xây dựng một tổ chức lớn mạnh và có quy mô phải biết liên kết những cá nhân lại với nhau. Mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu, phải biết kết hợp để phát huy điểm mạnh và hạn chế tối đa điểm yếu. Người giỏi về công nghệ nhưng chưa rành chuyện kinh doanh nên hợp tác với người biết kinh doanh mà mê công nghệ. Chính vì vậy, Thắng luôn tìm kiếm sự hợp tác và kết hợp những người tài. Qua những người quen, bạn bè, báo chí, biết ở đâu có người giỏi là Thắng gọi điện hoặc tìm cách gặp, mời họ hợp tác và thu hút. Nhiều nhân viên của Vinacomm cho rằng, Thắng là người biết nhìn nhận người khác cũng giỏi chứ không kém gì mình, vì thế Thắng mới có thể quy tụ được nhiều người giỏi.

Thắng nói: "Tài sản lớn nhất của con người là trí tuệ. Và giá trị của một công ty là xây dựng được một tổ chức lâu dài cho xã hội". Triết lý của Vinacomm là luôn cố gắng tạo cho mọi người có một tình yêu là niềm đam mê công việc. Thắng lý giải, mỗi cá nhân cần phải biết đoàn kết và yêu thương để cùng nhau làm việc lớn. Từ suy nghĩ này, khi tuyển dụng nhân sự, ban Giám đốc Vinacomm luôn gặp gỡ trực tiếp ứng viên để trò chuyện. Thắng luôn tác động để nhân viên thấy rằng công việc họ đang làm thật sự có ý nghĩa. Đi làm không phải chỉ để kiếm tiền nuôi sống bản thân mà vì công việc là một phần trong cuộc sống. Và quan trọng hơn, làm việc là cách để con người thể hiện bản thân và là cơ sở để mọi người nhìn nhận và đánh giá. Ngoài đam mê công việc, mọi người cần phải biết yêu thương lẫn nhau vì một tổ chức có sự hòa đồng và thông cảm lẫn nhau mới tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người cùng làm việc.

Thắng cũng có cách giải quyết những vấn đề mâu thuẫn của nhân viên Vinacomm qua việc gần gũi với mọi người để góp ý. Giải quyết những mâu thuẫn nội bộ bằng cách không "đập" thẳng vào mâu thuẫn để phân tích ai đúng, ai sai mà tìm cách làm cho nhân viên tự hiểu người nào đúng, người nào sai. Thắng cho rằng cách làm của mình dù không giải quyết hết mâu thuẫn nhưng cũng không làm nó sâu sắc thêm để ảnh hưởng đến công việc. Bởi đối với Thắng, "nếu một chiếc đũa rơi khỏi bó đũa, sức mạnh và độ bền vững của bó đũa sẽ yếu đi".

Thắng cho rằng, người giám đốc cần tạo cho nhân viên cảm giác mọi người cùng thành công khi công ty thành công. Các sản phẩm phần mềm do Vinacomm viết thay vì đề tên công ty như thường lệ thì Thắng luôn đặt tên tác giả trước, sau đó mới đến tên công ty. Theo Thắng, đó là thể hiện sự tôn trọng từng cá nhân, đề cao vai trò của cá nhân. Đây cũng là cách để cho mọi người thấy trách nhiệm của mình là phải theo sản phẩm đến cùng... Vinacomm thu hút được người tài vì họ cảm thấy họ được tôn trọng thực sự. Với những người giỏi, Thắng sẵn sàng trả lương cao hơn cả lương của mình. "Từ khi thành lập, công ty chưa có ai đến làm việc rồi ra đi. Những người đã đến đều ở lại", Thắng tự hào nói.

(Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]